Nguồn tiền gửi vào ngân hàng ngày càng chậm lại, nhất là dịp cận Tết, trong khi nhu cầu vốn của khách hàng để thanh toán, chi tiêu và mua sắm gia tăng. Câu chuyện hàng năm xoay sở vốn cho Tết của các ngân hàng lại nóng.
"Gồng mình" xoay vốn Cuộc cạnh tranh về lãi suất tiền gửi càng trở nên khốc liệt hơn khi nhu cầu vốn của khách hàng dịp cận Tết gia tăng mạnh. Bằng mọi cách, với chi phí cao hơn hẳn, các ngân hàng phải xoay sở để huy động nhằm có nguồn cho vay và chuẩn bị thanh khoản. Khó khăn thường rơi vào các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần trên địa bàn TP. HCM cho biết, hiện tượng thỏa thuận với khách hàng đưa lãi suất huy động vượt trần cho phép 10,499%/năm để hút vốn hiện nay là không hiếm, thậm chí lãi suất thỏa thuận với khách hàng gửi tiền còn vượt qua cả trần cho vay ra hiện là 12%/năm. Còn theo đại diện BIDV Chi nhánh TP. HCM, trên thị trường đã xuất hiện không ít ngân hàng nâng tỷ lệ khuyến mại huy động vốn lên quá cao, thậm chí chiếm tỷ trọng từ 30 - 40% so với lãi suất niêm yết là 10,499%. Cách bù lãi suất qua khuyến mại này cũng đẩy lãi suất thực vượt trần cho vay 12%. Những hình thức cạnh tranh thu hút vốn như trên đang làm méo mó thị trường, lãi suất niêm yết không phản ánh chi phí vốn thực của các ngân hàng. Vì vậy, theo vị đại diện trên, nếu không có các biện pháp và cứ kéo dài tình trạng này thì sự dịch chuyển từ các nguồn vốn trung, dài hạn sang ngắn hạn tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động của ngành ngân hàng. Quan trọng hơn nữa là ngân hàng sẽ không có vốn để phát triển tín dụng trung, dài hạn trong năm 2010. "Tỷ trọng tiền gửi ngắn hạn ngày càng cao, trong khi tiền gửi trung hạn giảm do có lo ngại áp lực về lạm phát, lãi suất huy động biến động theo chiều hướng gia tăng và tác động tới người gửi tiền, kể cả các khoản đáo hạn của trung dài, hạn các năm trước và tới thời điểm này họ đã đổi thành các khoản ngắn hạn, các khoản tiền gửi mới hầu như ngắn hạn", ông này nói. Mặt khác, trong kỳ gửi ngắn hạn, các ngân hàng còn đa dạng hóa kỳ hạn tiền gửi vài ngày, tuần với lãi suất cao nhiều so với mức không kỳ hạn. Điều này dẫn đến xu hướng người gửi tiền (nhất là doanh nghiệp) bắt đầu dịch chuyển từ tài khoản tiền gửi thanh toán sang tiền gửi ngắn, trong chừng mực nào đó đã ảnh hưởng tính thanh khoản của ngân hàng. "Có đến 70 - 80% nguồn vốn huy động hiện ở kỳ hạn dưới hơn 12 tháng, trong đó 60 - 70% tập trung vào kỳ hạn 1 - 3 tháng nên khoảng 50% nguồn vốn các ngân hàng nhỏ nằm trong khoảng trên dưới 3 tháng. Vì vậy, nếu ngân hàng nào chấp hành tốt về việc sử dụng tỷ lệ sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn với tỷ lệ khoảng 15 - 20% thì thanh khoản sẽ đỡ. Còn nếu các ngân hàng sử dụng 'hết khung' 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn thì rủi ro thanh khoản là lớn, tương quan mất cân đối về nguồn vốn", ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết. Không chỉ tìm các cách để huy động vốn từ thị trường, nhiều ngân hàng nhỏ cũng phải tìm kiếm vốn từ NHNN thông qua thị trường mở (OMO) và của các ngân hàng lớn trên thị trường liên ngân hàng. Theo số liệu của NHNN, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tuần qua đạt xấp xỉ 86.660 tỷ VND và 1.573 triệu USD, bình quân đạt khoảng 17.332 tỷ VND/ngày và 314 triệu USD/ngày. So với một tuần trước đó, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tuần qua tăng 7.973 tỷ VND và 59 triệu USD. Cũng giống như huy động ngoài thị trường, các ngân hàng thiếu vốn cũng phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn trước đó. Lãi suất giao dịch bình quân VND trên thị trường liên ngân hàng tuần qua đã tăng với tất cả các kỳ hạn so với một tuần trước đó, với mức tăng từ 0,6% đến 2%/năm. …và kiểm soát tín dụng chặt hơn Theo NHNN, tập quán của nền kinh tế Việt Nam thường vào dịp cuối năm dương lịch và Tết Nguyên đán, nhu cầu rút tiền để thanh toán, chi tiêu của doanh nghiệp và dân cư tăng lên ở mức cao, song nguồn vốn này sẽ quay trở lại ngân hàng sau dịp Tết Nguyên đán. Để chuẩn bị thanh khoản cho các ngân hàng, NHNN đã có những biện pháp chuẩn bị. Một là, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, với kỳ hạn và khối lượng đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng. Hai là, thực hiện giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ để tăng nguồn vốn cho vay đối với sản xuất - kinh doanh. Ba là, thực hiện tái cấp vốn trực tiếp theo cơ chế hiện hành đối với các ngân hàng thiếu hụt về thanh khoản. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, mức tín dụng của ngành trong tháng 1/2010 tăng trưởng 1%. Đây là mức khá hợp lý so với quy luật thực tế vào dịp cận Tết và không thấp so với cùng kỳ ở các năm trước. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tháng 1 của các năm gần đây là: năm 2005 đạt 1,4%; năm 2006 giảm 1%; năm 2007 tăng 0,9%; năm 2009 tăng 0,65%. Với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng khoảng 25% trong năm nay, các ngân hàng cho biết, không dám mở rộng "hầu bao" để cho vay, dù "room" tín dụng còn lớn trong những tháng đầu năm 2010. Nhưng có một điều đáng quan tâm hiện nay đó là chênh lệch lãi suất huy động và cho vay đang ngày càng thu hẹp. Do đó, nếu không tính toán và lựa chọn khách hàng sẽ khó cân đối chi phí và đảm bảo rủi ro. Theo quy định hiện hành, có 2 khung lãi suất cho vay. Thứ nhất là cho vay theo khung lãi suất cơ bản với trần lãi suất cho vay 12%/năm. Hai là khung lãi suất cho vay theo lãi suất thỏa thuận với các mục đích phục vụ đời sống và mức phổ biến trên thị trường hiện khoảng 16 - 19%/năm. Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Á (DaiA Bank), ông Lê Huy Dũng cho biết, khả năng nguồn tiền nhàn rỗi sẽ quay lại ngân hàng sau Tết Nguyên đán, nhưng không phải vì thế mà Ngân hàng sẽ đẩy mạnh vốn cho vay ra, vì mục tiêu kiểm soát tín dụng của NHNN trong năm nay chỉ ở khoảng 25%, thấp hơn so với mức thực hiện năm trước. Hiện các ngân hàng đang co dần tín dụng ở một số lĩnh vực nhạy cảm, chẳng hạn như bất động sản, chứng khoán và kể cả cho vay phục vụ đời sống, mặc dù sản phẩm tín dụng cho vay phục vụ đời sống được áp dụng mức lãi suất thỏa thuận. Chi nhánh Agribank TP. HCM cho biết, với chủ trương tập trung vốn sản xuất - kinh doanh, trong năm nay Chi nhánh sẽ thu hẹp các khoản vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và kể cả cho vay tiêu dùng lãi suất thỏa thuận. Ở Ngân hàng Á Châu (ACB), ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc cho biết, ACB đang bắt đầu kiểm soát tín dụng. Theo ông Hải, ACB cố gắng phục vụ 100% nhu cầu của các khách hàng hiện hữu có lịch sử tín dụng tốt và tính hợp tác cùng ngân hàng cao. Nhưng khác với trước, ông Hải cho biết, hiện ACB tập trung cho vay vàng và nhất là USD, tập trung cho vay tài trợ xuất - nhập khẩu một cách có chon lọc về mặt hàng, cho vay vốn lưu động, đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu nhà ở, tiêu dùng…
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com