Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng Việt và những góc khuất

Có rất nhiều điều phải xem lại sau những con số đẹp về tăng trưởng tín dụng, nợ xấu và lợi nhuận của ngân hàng.
 
Ngành ngân hàng kết thúc năm 2011 với nhiều con số khá đẹp. Chẳng hạn, tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ 13%, thấp hơn nhiều giới hạn 20%; nợ xấu cũng chỉ 3,39% tổng dư nợ toàn hệ thống; lãi suất huy động cũng đang được duy trì tương đối nghiêm ở mức 14%/năm. Và quan trọng nhất là không ít ngân hàng công bố lãi lớn, chia cổ tức cho cổ đông lên tới 15-20%. Thế nhưng, đó chỉ là những con số trong báo cáo.

Tăng trưởng tín dụng thực là bao nhiêu?

Dư nợ tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 13%, một con số đẹp hơn mong đợi. Thế nhưng, không phải ngân hàng nào cũng đạt được con số này. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ nói là hầu hết chứ không phải toàn bộ các ngân hàng đều tăng dưới 20%.

Do các ngân hàng không phân loại nợ theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước,
nên dù có tính đúng công thức thì vẫn không cho con số nợ xấu có mức độ tin cậy cao

Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là những ngân hàng lách trần tăng trưởng tín dụng bằng các hình thức như nhận ủy thác cho vay (nhận vốn của tổ chức cá nhân để cho vay), để tiền dưới dạng khoản phải thu (tiền của ngân hàng ủy thác cho một đơn vị để đầu tư, nhưng thực chất không phải là để đầu tư mà là nhằm chuyển tiền ra khỏi ngân hàng để sử dụng cho vay). Con số của các nghiệp vụ này chưa được nêu trong báo cáo cuối năm của Ngân hàng Nhà nước, nhưng đến cuối tháng 5.2011, hàng ngàn tỉ đồng đã được triển khai theo hình thức này.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng cho rằng mức tăng trưởng tín dụng 13% không phản ánh được thực tế, vì tình trạng gia tăng các khoản phải thu, ủy thác đầu tư là khá phổ biến tại các ngân hàng trong một thời gian dài và hiện vẫn còn tiếp diễn.

Vậy tăng trưởng tín dụng thực là bao nhiêu? Một quan chức cấp cao thuộc Ngân hàng Nhà nước (không muốn nêu tên) đánh giá, con số thực có thể là 15%. Dù đây không phải là con số quá lớn, nhưng ông lo ngại những khoản đầu tư theo kiểu lách quy định thường rơi vào những lĩnh vực nhạy cảm hoặc rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.

Hàng chục ngàn tỉ đồng chi thêm cho người gửi tiền

Một vấn đề đáng quan tâm khác là các ngân hàng sẽ hạch toán các khoản chi vượt trần lãi suất huy động như thế nào.

Tình trạng vượt trần dưới hình thức khuyến mãi, quà tặng, bốc thăm trúng thưởng... cho người gửi tiền có lẽ chỉ tạm lắng trong tháng 11.2011, trong khi xảy ra phổ biến trong một thời gian dài từ cuối năm ngoái đến tháng 9. Và hiện nay, tình trạng trên đang có dấu hiệu quay trở lại (do nhu cầu vốn của ngân hàng thường tăng cao vào cuối năm). Nếu tính đúng tính đủ, mức lãi suất thực tế các ngân hàng trả cho người gửi tiền là 17%, thậm chí 18%, tức chênh lệch từ 3-4 điểm phần trăm so với quy định.

Một cán bộ Ngân hàng Nhà nước (không muốn nêu tên) đặt câu hỏi các ngân hàng lấy tiền ở đâu để chi cho người gửi tiền và khi chi rồi thì hạch toán vào đâu. Vị này ước tính tổng lượng tiền các ngân hàng chi thêm cho người gửi không dưới vài chục ngàn tỉ đồng.

Ông cho rằng cần làm rõ các khoản chi trên vì chúng có liên quan đến sự minh bạch về các khoản lãi, lỗ hoặc một số chỉ tiêu rủi ro của ngân hàng. Việc này không thể chỉ bằng giám sát thanh tra nội bộ, mà phải có đơn vị kiểm toán độc lập vào cuộc.

Nợ xấu không chỉ gấp đôi

3,39% là tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng (tương đương 85.000 tỉ đồng). Trong đó, nợ xấu của nhóm tổ chức tín dụng trong nước là 3,44%. Đây có lẽ là con số tương đối tạm chấp nhận được nếu là thực.

Tuy nhiên, ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng số nợ xấu này chưa phản ánh đúng thực chất rủi ro của các tổ chức tín dụng, do 2 nguyên nhân. Một là tiêu chuẩn phân loại nợ hiện nay mà Ngân hàng Nhà nước ban hành còn nhiều điều chưa hợp lý. Hai là các tổ chức tín dụng thường không phân loại nợ đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cho rằng cái gốc của vấn đề là các ngân hàng thực hiện không đúng chuẩn mực, nên dù có tính đúng công thức thì vẫn không cho con số nợ xấu có mức độ tin cậy cao.

Từ năm 2005, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng. Trong đó, Điều 6 quy định phân loại nợ theo phương pháp định lượng, còn Điều 7 là theo phương pháp định tính. Tuy nhiên, theo ông Hà, BIDV, đến nay mới chỉ có một số ngân hàng áp dụng phân loại nợ theo Điều 7 gồm BIDV, Techcombank và Vietcombank. Điều này dẫn đến tình trạng là cùng một khách hàng nhưng có ngân hàng xếp vào nợ nhóm 2, có ngân hàng xếp vào nợ nhóm 1. Sự thiếu đồng nhất trong phân loại nợ như thế ắt hẳn sẽ dẫn đến con số thống kê nợ xấu toàn hệ thống thiếu chính xác.

Muốn tính đúng, tính đủ nợ xấu, biện pháp đầu tiên là thống nhất cách tính nợ xấu. Đó là lý do từ ngày 1.4 tới, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai nợ xấu theo một số tiêu chí của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ba góc khuất nói trên đều liên quan đến chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng nói chung và mức lãi nói riêng đối với từng ngân hàng. Giả sử nợ xấu tăng gấp đôi, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng tương ứng thì trích lập dự phòng cũng lớn gấp đôi cho các khoản này. Đương nhiên, lợi nhuận theo đó sẽ giảm đi. Hay như khoản chi trả cho phần vượt trần lãi suất, nếu hạch toán chính xác vào chi phí thì con số lãi/lỗ liệu có đúng như các ngân hàng đưa ra hay không?

Trong khi đó, gần đây một số ngân hàng công bố lãi lớn với mức cổ tức chia năm 2011 cho cổ đông có thể lên đến 15-17%, thậm chí 20%. Ông Tuấn, Ngân hàng Nhà nước, cho rằng nếu trích lập các quỹ dự phòng rủi ro và làm đúng quy định, có thể mức lãi không nhiều như thế. Rõ ràng, khi chất lượng tín dụng, chất lượng tài chính của các ngân hàng còn nhiều góc khuất thì khó có thể khẳng định các con số trong báo cáo là lãi thực.
 
Theo NCĐT

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!