Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhiều NH 'lén' thu phí ATM nội mạng, tăng ngoại mạng

Hiện nhiều ngân hàng đã tự ý tăng gấp đôi phí giao dịch ATM ngoại mạng và thu phí nội mạng cả tháng nay mà không hề có thông báo gì cho khách hàng cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, Hội thẻ ngân hàng cho biết, sớm nhất từ đầu tháng 6, các nhà băng mới "được quyền" tăng phí ngoại mạng.

Khoảng hơn 1 tháng nay, chị Hoài, một chủ thẻ ATM của ngân hàng X rất ngạc nhiên khi rút tiền tại máy ATM của ngân hàng khác mất phí tới 5.940 đồng/lần. Còn các giao dịch khác như kiểm tra số dư, in sao kê, chuyển khoản qua ATM cùng hệ thống ngân hàng cũng đồng loạt tăng lên 3.300 đồng/giao dịch.

“Lúc đầu, tôi rút tiền vào cuối tuần, không thấy tin nhắn từ dịch vụ thẻ của ngân hàng nhắn vào điện thoại, nên cũng không biết phí giao dịch là bao nhiêu, cứ nghĩ vẫn mức phí cũ. Sau đó, tôi có rút tiền tiếp và nhận được tin nhắn thì mới biết ngân hàng đã tăng phí giao dịch ATM ngoại mạng, nhưng lại không hề có thông báo gì trước cho khách hàng cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lúc đầu tôi còn tưởng ngân hàng ghi nhầm, vì mỗi lần rút tiền tối đa chỉ được 2,5 triệu đồng mà phí giao dịch lên tới 6.000 đồng thì cao quá. Những người mà rút tiền nhưng không đăng ký dịch vụ nhắn tin qua điện thoại thì chưa chắc phát hiện ra phí giao dịch ATM ngoại mạng của ngân hàng này đã tăng một cách “âm thầm” như vậy”, chị Hoài bức xúc.

Hiện, nhiều ngân hàng đang khiến khách hàng không khỏi ngạc nhiên, bức xúc khi “lặng lẽ” tăng phí giao dịch ATM ngoại mạng, thậm chí cả nội mạng. 

Hiện nhiều ngân hàng đã tự ý tăng gấp đôi phí giao dịch ATM ngoại mạng và thu phí nội mạng mà không hề có thông báo gì.

Tại Vietcombank, phí giao dịch ATM ngoại mạng vẫn giữ nguyên 3.300 đồng/lần rút tiền, 1.650 đồng/lần kiểm tra số dư, in sao kê… Tuy nhiên, với việc chuyển khoản qua ATM cho cùng chủ thẻ Vietcombank, nếu như trước đây chưa thu phí thì hiện ngân hàng đã tính phí 3.300 đồng mỗi lần giao dịch. Hàng tháng, mỗi chủ thẻ ATM Vietcombank đều phải đóng thêm 3.300 đồng tiền phí quản lý thẻ cho nhà băng. Trước đây Vietcombank không thu khoản phí này.

Còn tại Ngân hàng BIDV, phí kiểm tra số dư, in sao kê tại máy ATM cùng hệ thống ngân hàng nếu như trước đây miễn phí thì nay đã bị tính 1.100 đồng/lần giao dịch, giao dịch chuyển khoản nội mạng bị tính phí 2.200 đồng/lần.

Tại Agribank, một số giao dịch nội mạng cũng bị áp mức phí 3.300 đồng/lần mà khách hàng không hề được thông báo trước.

Theo nhân viên dịch vụ thẻ Ngân hàng Techcombank, ngân hàng bắt đầu tăng phí giao dịch ATM ngoại mạng từ đầu tháng 5. Theo đó, phí rút tiền ngoại mạng tăng từ 3.300 đồng lên 5.400 đồng, tính cả thuế VAT là 5.940 đồng/lần. Các giao dịch khác ngoài rút tiền như kiểm tra số dư, chuyển khoản, in sao kê… phí giao dịch tăng từ 1.650 đồng lên 3.300 đồng/lần.

Còn nhân viên Trung tâm thẻ Vietcombank cho hay, nhà băng thu phí quản lý thẻ 3.300 đồng mỗi tháng và phí chuyển tiền nội mạng qua ATM 3.300 đồng/lần từ đầu tháng 4 năm nay.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, cho hay, từ đầu tháng 6 các ngân hàng mới “được quyền” tăng phí giao dịch ATM ngoại mạng. Trước đó, tại một cuộc họp của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, 100% thành viên của hội thẻ đã đồng ý phải nâng phí rút tiền của chủ thẻ ngân hàng khác khi rút tiền trên hệ thống máy ATM của mình. Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết sớm nhất phải từ đầu tháng 6 họ mới cân nhắc áp dụng biểu phí mới.

Với phí giao dịch nội mạng thì trước đó, Hội thẻ ngân hàng Việt Nam cho biết, chưa vội thu trong năm nay mà cần phải có lộ trình, cơ chế tính phí, biểu mẫu của Ngân hàng Nhà nước rồi mới đề xuất.

Vậy mà nhiều ngân hàng đã vội thu phí giao dịch ATM nội mạng và tăng mạnh phí giao dịch ngoại mạng. Điều gây thất vọng cho người tiêu dùng hơn là các ngân hàng thu phí một cách âm thầm, Hội thẻ nói một đường nhưng nhiều ngân hàng lại làm ngược lại.

Lý giải cho việc vì sao lại như vậy, một nhân viên thẻ của Vietcombank cho hay, ngân hàng không thể tiếp tục gánh lỗ cho chi phí duy trì và bảo dưỡng hệ thống ATM sau thời gian dài miễn phí. Hiện nay, ngân hàng phải mất hơn 50 triệu đồng/tháng để bảo dưỡng một máy ATM. Toàn hệ thống có 1.626 máy ATM thì chi phí cho riêng việc bảo dưỡng máy lên tới hơn 81 tỷ đồng mỗi tháng. Trong khi đó, tiền khách hàng gửi tại tài khoản ATM, ngân hàng không thể sử dụng được, bởi số tiền đó chỉ đủ bù cho lượng tiền mặt ngân hàng phải dự trữ tại các máy ATM và tiền tiếp quỹ.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cho rằng, việc nâng phí giao dịch ngoại mạng nhằm khuyến khích các ngân hàng nhỏ đầu tư máy ATM. Hiện nay nhiều ngân hàng đẩy mạnh phát hành thẻ nhưng không đầu tư máy hoặc đầu tư rất ít dẫn đến gánh nặng đầu tư dồn về một vài ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội nếu quan điểm, việc các ngân hàng tăng phí giao dịch ATM ngoại mạng và thu phí nội mạng vào thời điểm hiện nay là không hợp lý, bởi người dân đang phải gánh quá nhiều khoản phí, giá cả leo thang, mà một số chính sách vẫn chưa thay đổi như thuế thu nhập cá nhân, rồi sắp tới là có thể thu phí giao thông…

“Theo tôi, hiện phí rút tiền qua ATM ngoại mạng ở mức 3.300 đồng/lần là hợp lý, nếu tăng lên nữa thì quá cao, nhất là đối với giới học sinh, sinh viên, công nhân, những người làm công ăn lương. Điều này sẽ khiến nhiều người quay lưng với dịch vụ ATM, họ chỉ xem ATM như một nơi giữ tiền cho an toàn, còn mỗi khi có nhu cầu rút tiền họ sẽ ra phòng giao dịch của ngân hàng để rút cho khỏi tốn phí. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại các nhà băng, hơn nữa đi ngược với mục tiêu của Chính phủ về hạn chế sử dụng tiền mặt, tăng cường chi tiêu qua thẻ. Thiết nghĩ, các ngân hàng lớn đang có lợi nhuận cao thì có thể chia sẻ khoản lợi nhuận đó cho chi phí duy trì hoặc kết nối ngoại mạng với chủ thẻ. Không thể có việc đầu tư hàng nghìn cây ATM mà lại không mang lại khoản lợi nào. Ít nhất thì việc có một hệ thống ATM lớn mạnh cũng chứng minh cho đẳng cấp của ngân hàng. Đã là ngân hàng thì bắt buộc phải có hệ thống máy ATM. Có những cái dù lỗ người ta vẫn phải đầu tư, vì thế nhà băng không thể đổ hết mọi chi phí lên đầu người tiêu dùng, mà phải chia sẻ. Do đó, các ngân hàng cần có cách tính phí giao dịch ATM hợp lý, không nên lạm thu”, tiến sĩ Phong nói.

(Theo Đất Việt)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!