Ngân hàng Nhà nước đã công bố một số chỉ tiêu cơ bản trong ngành ngân hàng tính đến 30-9-2012 mà theo đó, sức khỏe chung của hệ thống ngân hàng đã yếu đi, phản chiếu sự suy giảm của nền kinh tế.
Nợ đã giảm nhanh hơn trong khối ngân hàng cổ phần so với khối ngân hàng quốc doanh. Ảnh: Lê Toàn |
Theo các thống kê của Ngân hàng Nhà nước, ở thời điểm 30-9-2012, tổng tài sản toàn hệ thống đã giảm 1,89% so với cuối 2011. Trong đó, tổng tài sản của các khối ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính và cho thuê tài chính đã giảm lần lượt 7%, 4,56% và 6%.
“Điều này phản ánh sự giảm nợ nhanh hơn trong khối ngân hàng cổ phần so với khối ngân hàng quốc doanh”, một chuyên gia phân tích tài chính của Công ty cổ phần chứng khoán Sài gòn (SSI) nhận xét.
Những tín hiệu xấu đi trong hệ thống ngân hàng thể hiện ở một vài chỉ số. Thứ nhất, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) tính đến hết tháng 9 duy trì ở mức 14,11%, đã giảm so với mức 14,55% vào 30-4-2012 (thời điểm Ngân hàng Nhà nước lần đầu công bố các dữ liệu về hệ thống các tổ chức tín dụng).
CAR là một thước đo độ an toàn vốn của ngân hàng, theo quy định, các ngân hàng tại Việt Nam phải duy trì CAR là 8%.
Thứ hai, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh, 16,81% so với thời điểm 30-4 chỉ có 7,58%.
Thứ ba, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động đạt 90,9%, giảm nhẹ so với mức 94,7% cuối tháng 4 vừa qua.
Trong khi đó, ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính đã xấu đi, giảm thêm 1,21% so với cuối 2011.
Một vài chuyển biến tích cực có thể thấy là vốn tự có toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã đạt 413.433 tỉ đồng, tăng 5,76% so với cuối 2011. ROE toàn hệ thống nhích lên so với các tháng trước đó, đứng ở 4,14%.
Bên cạnh đó, vốn điều lệ khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối tăng 27,8% so với cuối 2011. Khối ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ tăng 5,24% so với thời điểm cuối 2011.
Cũng theo chuyên gia trên, nhìn chung, nhìn vào hệ thống dữ liệu về ngành ngân hàng được công bố, chúng ta chỉ thấy những sự cải thiện không đáng kể trong hệ thống ngân hàng 4 tháng qua.
Cũng theo một thông báo khác từ Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán (bao gồm các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) đến 30-7-2012 đã tăng 6,81% so với cuối năm trước. Tổng phương tiện thanh toán là lượng cung tiền M2 được lưu thông trong nền kinh tế. Nếu tổng phương tiện thanh toán tăng chứng tỏ lượng cung tiền lớn sẽ gây áp lực lên lạm phát.
Dư nợ tín dụng (bao gồm các khoản dư nợ cấp tín dụng, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ cho vay ủy thác ngoại bảng) đối với nền kinh tế tính đến hết tháng 7 năm 2012 là 2,88 triệu tỉ đồng, tăng so với thời điểm cuối tháng 12-2011 là 1,24%.
Trong khi đó, mới đây Ngân hàng Nhà nước công bố tính đến 19-10, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 2,77%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng lớn vẫn có được mức tăng trưởng khá cao tính đến hết quí 3, như Vietcombank có tăng trưởng tín dụng 8,6%, Quân đội tăng trưởng 10%, Bản Việt tăng trưởng tín dụng 20%, PGBank tăng trưởng tín dụng 7,9% và Sacombank tăng trưởng tín dụng 8,3%.
(TBKTSG Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com