Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thêm dòng vốn cho ngân hàng

Nguồn tiền từ trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh đáo hạn có thể là một kênh vốn quan trọng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống NH. Trong tình hình huy động vốn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, dòng vốn này cần được khơi thông.

Bổ sung vốn


Kết thúc tuần giao dịch đến ngày 24.5, theo các phân tích của CTCP Chứng khoán Thăng Long (TLS), có một bằng chứng chắc chắn cho thấy có thêm một dòng vốn mới quan trọng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Trong báo cáo này, TLS cho rằng có sự hiện diện dòng tiền đổ vào các NHTM thời gian gần đây đến từ việc đáo hạn của trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh.

Cụ thể, Cty tính toán rằng, lượng trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh đáo hạn trừ đi lượng phát hành trong 4 tháng đầu năm 2011 được lần lượt là -12.000, -25.000, 11.000 và 2.000 tỉ đồng. Nếu tính toán trên cơ sở số liệu này, trong hai tháng gần đây các NHTM đã thu về được khoảng 13.000 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu đáo hạn. Trong bối cảnh các NH liên tục nhưng âm thầm vượt rào lãi suất huy động, nhằm cố gắng kéo vốn về hoặc giữ vốn lại NH mình như hiện nay, nguồn vốn nói trên sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với thanh khoản của các NHTM.

Cùng với nguồn này, thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho đến tuần thứ hai của tháng 5.2011 mua vào 1 tỉ USD - tương đương với một nguồn vốn (ước tính) khoảng 20.600 tỉ đồng cũng được bơm ra. TLS đưa nhận định, lượng tiền trong hệ thống dồi dào hơn trong khi các NHTM không thể cho vay ra ngoài nên nhiều khả năng nguồn tiền trên sẽ được các NH dùng để mua trái phiếu chính phủ, hoặc để kinh doanh trên thị trường liên NH.

Trong điều kiện lạm phát tăng cao và tiền tệ thắt chặt hiện nay, phương án mua trái phiếu được cho là không khả thi. Do vậy, kinh doanh cho vay trên thị trường liên NH sẽ có thể được các NH ưu tiên hơn. Nhận định này có nhiều cơ sở thực tế, bởi trong các ngày gần đây, thanh khoản trên thị trường liên NH theo một số tổ chức đầu tư là đang rất dồi dào. Thực tế lãi suất liên NH có dấu hiệu giảm mạnh trong các ngày qua và có thời điểm mức lãi suất qua đêm thấp nhất, giảm xuống chỉ còn 11%.

Lãi suất vẫn thiếu chỗ dựa

Cũng theo đánh giá của TLS, ngoài các nguồn vốn trên, không loại trừ khả năng NHNN cũng hỗ trợ thanh khoản cho các NH qua các kênh tái cấp vốn hoặc sử dụng nghiệp vụ hoán đổi lãi suất và tiền tệ (SWAP). Tuy nhiên, nếu thanh khoản đến chủ yếu do hỗ trợ của NHNN, rất có thế sắp tới NHNN sẽ có những chính sách thắt chặt mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, dù thanh khoản NH tốt hơn, lãi suất trên thị trường vẫn chưa thể giảm do các NH phải hạn chế cung tín dụng ra ngoài trong điều kiện CPI tháng 5.2011 dù có mức giảm đáng kể, song vẫn ở mức cao là 2,21%.

Thực tế cùng với việc mua vào 1 tỉ USD, theo như các thông tin, NHNN cũng đẩy mạnh hoạt động hút ròng trên thị trường mở nhằm hút về lượng tiền đồng đã cung ra qua việc mua ngoại tệ. Theo các số liệu thống kê, trong tuần từ ngày 29.4 đến ngày 13.5, NHNN hút ròng trên thị trường mở 9.324 tỉ đồng. Đến tuần từ ngày 16.5 đến ngày 20.5, NHNN lại tiếp tục hút mạnh về 14.850 tỉ đồng qua thị trường mở. Như vậy tính từ thời điểm bắt đầu mua đến nay, NHNN đã hút về tới 24.174 tỉ đồng, trong khi số tiền đồng cung ra qua việc mua ngoại tệ chỉ tương đương khoảng 20.600 - 20.700 tỉ đồng.

Trong khi đó, trên thị trường tổ chức và dân cư, cả lãi suất huy động và cho vay lên đến đỉnh điểm đang gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Cạnh tranh lãi suất giữa các NH càng trở nên căng thẳng hơn sau các động thái điều chỉnh tăng một số mức lãi suất như tái cấp vốn và tái chiết khấu của NHNN. Mức lãi suất trần 14% mà NHNN đặt ra đến nay đã mất tác dụng và chỉ còn trên danh nghĩa khi nhiều NH, thậm chí là cả các NHTM lớn đưa lãi suất huy động cao hơn tới 4-5%/năm lãi suất trần.

Điều đáng ngại là dòng tiền tiết kiệm vào NH để hỗ trợ khả năng thanh khoản có thể sẽ không được tăng thêm mà chỉ chạy lòng vòng trong hệ thống, từ NH này sang NH kia. Đầu vào tăng ắt kéo ra lãi suất đầu ra tăng và hệ quả là một mặt bằng lãi suất lên quá cao, khó có thể giảm trong thời gian ngắn trước mắt. Yêu cầu theo dõi, dự báo sát diễn biến lạm phát để có sự điều hành cung tiền hợp lý lại được đặt ra đối với NHNN. Trong khi ấy, câu chuyện có nên tháo gỡ trần lãi suất 14%/năm để có thể lành mạnh lãi suất, đưa lãi suất vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn bỏ ngỏ.

(Báo Lao Động)

  • Tăng phí ATM - khách hàng chưa đồng tình
  • Bảo hiểm phi nhân thọ nhìn từ quý I
  • Các tập đoàn sẽ kê khai vàng, ngoại tệ gửi tại ngân hàng
  • Nhân viên ngân hàng: hết thời ngồi bàn giấy
  • Xử lý nghiêm các NH vượt trần tăng trưởng tín dụng 20%
  • Tại sao NHNN dốc tiền mua ngoại tệ?
  • Lãi suất thách thức ngân hàng thương mại
  • Ngân hàng Nhà nước hối thúc việc kết nối POS
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!