Mô hình bảo hiểm hạn hán cho cây càphê mà Bảo Minh mới tung ra ở Tây Nguyên tuy được nhà cung cấp dịch vụ cho là ưu việt nhưng người trồng càphê cho rằng, gói bảo hiểm hạn hán chưa đáp ứng được điều họ cần.
Bảo hiểm hạn hán mới áp dụng thí điểm cho cây càphê, chưa áp dụng cho hồ tiêu. Trong ảnh: tưới vườn tiêu. Ảnh: Minh Phúc |
Bảo hiểm hạn hán
Đầu năm 2011, tổng công ty bảo hiểm Bảo Minh đã cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm gián đoạn kinh doanh nông nghiệp theo chỉ số (gọi tắt là bảo hiểm hạn hán). Ông Trần Quốc Phúc, phó giám đốc Bảo Minh Dăk Lăk nói: “Mức phí bảo hiểm tối đa cho một hecta đất từ 4,5 – 5,5 triệu đồng, tuỳ vùng. Tuy nhiên, người mua có thể lựa chọn mức phí thấp hơn”.
Theo hợp đồng, hai bên thống nhất ngưỡng hạn được xác định bằng lượng mưa nhất định đo được tại vùng triển khai hợp đồng bảo hiểm. Trong thời hạn bảo hiểm, tính từ 31.3 tới 10.5, nếu lượng mưa bằng hoặc thấp hơn ngưỡng hạn, nông dân sẽ được bồi thường. Giá trị bồi thường sẽ cao hơn mười lần so với mức phí tham gia bảo hiểm. Số tiền bồi thường tỷ lệ nghịch với lượng mưa (thấp nhất 10% so với mức tối đa), được tính theo một công thức chuẩn. Và để bảo đảm tính pháp lý, khách quan khi tiến hành bồi thường, phải xác định lượng mưa theo số liệu của các trạm khí tượng thuỷ văn (KTTV) trong khu vực canh tác đã mua bảo hiểm. Do vậy, việc tính mức bồi thường khá đơn giản, chỉ việc lấy thông số lượng mưa ráp vào công thức đã được xác định trong hợp đồng.
Cách làm như vậy không đòi hỏi việc giám định hay chứng minh sự thiệt hại trên cây càphê. Đây là một nỗ lực của bên cung cấp dịch vụ để đơn giản thủ tục, tránh gây tranh chấp vốn đã diễn ra ở một số vụ hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
Sau ngày 10.5 hàng năm, người nông dân theo từng khu vực có hạn hán, chỉ cần đưa hợp đồng bảo hiểm, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay giấy tờ có xác nhận của chính quyền địa phương về quyền sở hữu hợp pháp đối với diện tích cây càphê để nhận bồi thường. Bên cung cấp dịch vụ cam kết việc chi trả hoàn tất trong tháng 5.
Cần nhưng chưa đủ
Theo Bảo Minh Dăk Lăk, hiện có 56 hộ tham gia với tổng diện tích 56ha. Tổng giá trị hợp đồng là 68 triệu đồng và không có hộ nào tham gia mức phí bảo hiểm tối đa.
Ông Hà Khắc Thuỷ, người trồng càphê ở Dăk Song, Dăk Nông cho biết, nếu áp dụng cả bảo hiểm sâu bệnh, bảo hiểm năng suất… thì mức phí bảo hiểm 4,5 triệu đồng/ha là không cao, nhưng chỉ bảo hiểm hạn hán là quá cao. Từ thực tiễn canh tác, ông Thuỷ cho rằng, lúc hạn hán, nếu sử dụng nước ngầm để tưới đủ ba lần, thì tiền mua dầu để tưới cho mỗi hecta đúng bằng tiền mua bảo hiểm. Còn những hộ đã trang bị được điện lưới thì chi phí này giảm còn khoảng 1/3. Ông Thuỷ cho rằng, bảo hiểm hạn hán tuy cần thiết nhưng chưa đủ bởi rủi ro cho người trồng càphê ngoài hạn hán, còn có mưa, sâu bệnh.
Ở cùng huyện với ông Thuỷ, ông Phạm Công Hùng cho rằng, nếu triển khai ở Tây Nguyên thì phải xem lại thời gian bảo hiểm do một số địa bàn thường phải tưới cho cây càphê trước ngày 31.3.
Về phía nhà cung cấp bảo hiểm, ông Trần Quốc Phúc cũng thừa nhận, mức phí trên còn khá cao với nông dân, nhưng rất khó giảm. Bởi khi hạn hán xảy ra, nhà cung cấp bảo hiểm phải bồi thường trên diện rộng. Cũng theo ông Phúc, cây càphê không nằm trong diện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, theo quyết định ngày 1.3.2011 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Phúc nói: “Nhà nước nên hỗ trợ phí này trong năm năm đầu. Khi loại hình bảo hiểm nông nghiệp đã trở thành truyền thống, phí đóng bảo hiểm của bà con nông dân trở thành chi phí thường xuyên thì Nhà nước sẽ rút dần hỗ trợ”.
Theo hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam của cả năm 2009 chỉ đạt 1,7 tỉ đồng so với 13.644 tỉ đồng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ; và sáu tháng đầu năm 2010 mới chỉ đạt 958 triệu đồng so với 8.241 tỉ đồng doanh thu phí toàn ngành.
(Theo Hà Minh/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com