Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vay vốn ngân hàng: Cơ hội ở… kỳ hạn

picture
Có được nguồn vốn vay trung và dài hạn là một cơ hội cần thiết để giãn nguồn tiền phải trả dồn trong ngắn hạn.

Cơ hội không hẳn ở nguồn vốn tiếp cận, mức lãi suất ưu đãi, mà còn ở cơ cấu kỳ hạn hợp với sức của doanh nghiệp khi môi trường kinh doanh xấu đi.

Trung tuần tháng 3 này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á (DaiABank) tung ra gói tín dụng mới, có tính điển hình và thu hút sự chú ý của thị trường: tập trung giải ngân vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vốn ngắn khó lo đường dài

Chú ý bởi đó là nguồn vốn trung và dài hạn, nguồn mà nhiều nhà băng “kiêng khem” trong vài năm gần đây.

Điểm lại, báo cáo hoạt động của một số ngân hàng thương mại trong các năm 2009 - 2011 cho thấy, tỷ trọng dư nợ cho vay trung và dài hạn đã có sự sụt giảm nhanh chóng trong cơ cấu, phổ biến chỉ còn 30% - 40% thay vì trên 50% như trước đây. Có những thành viên nhấn mạnh trong báo cáo thường niên rằng, rút tỷ trọng này là một chủ trương đúng, để ứng xử với bối cảnh hoạt động đã có nhiều thay đổi.

Đúng hơn, đó là một sự phòng thủ khi thanh khoản trở thành khó khăn thường trực trong những năm gần đây. Một gốc rễ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lý giải trong cuộc họp báo mới đây là: một thời gian dài hệ thống có thực trạng lạm dụng vốn ngắn hạn tập trung cho vay trung và dài hạn; trước đây thị trường tương đối “hồng hào” có thể huy động thuận lợi để bù đắp cho các khoảng trống, nay chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, khó huy động và khó bù đắp hơn dẫn tới thiếu hụt thanh khoản.

Vấp phải khó khăn đó, nguồn vốn ngân hàng chuyển dần sang phòng thủ. Hầu hết các thành viên đều hạn chế dần các khoản vay trung và dài hạn, chủ yếu chỉ cho vay ngắn hạn để phòng tránh rủi ro. Đây được xem là một ứng xử cần thiết và phù hợp với thực tế hoạt động của hệ thống, đặc biệt là gắn với các dòng tiền gửi ngày càng linh hoạt hơn.

Phía sau phản ứng đó là khó khăn ở nhiều doanh nghiệp vay vốn. Vốn ngắn khó lo cho đường dài, nhất là khi con đường không còn bằng phẳng như dự tính.

Pha loãng áp lực

Về tình huống trên, ông Lê Huy Dũng, Tổng giám đốc DaiABank, cũng nhìn nhận rằng: “Vài năm gần đây, bối cảnh kinh tế thay đổi dẫn tới tình hình kinh doanh của khách hàng thay đổi theo, không đúng như dự kiến và đa số là theo chiều hướng xấu đi. Có thể nói hầu hết các doanh nghiệp đi vay và không đi vay thì đều khó hình dung hết những khó khăn như hiện nay”.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác còn có từ thói quen của chính doanh nghiệp, sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn để đầu tư và tự tin các khoản vay của mình sẽ được các ngân hàng tái cấp, hay tự tin với kết quả kinh doanh theo kế hoạch, nhưng bối cảnh kinh tế hiện không còn đúng như dự tính nữa…

Những thay đổi đó gây khó khăn về nguồn vốn của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Họ đứng trước thực tế phải co cụm trong kinh doanh, và để tiếp tục đứng vững cần được pha loãng áp lực trả nợ. Theo đó, có được nguồn vốn vay trung và dài hạn là một cơ hội cần thiết để giãn nguồn tiền phải trả dồn trong ngắn hạn.

Đó cũng là lý do để DaiABank đưa ra chương trình mới. Quan điểm mà lãnh đạo ngân hàng này nhấn mạnh là, trong tình huống đó không hẳn tất cả các doanh nghiệp đều có thể trạng xấu, nếu có vốn dài cho quãng đường dài, tình hình sẽ khác. Cơ hội để chọn lọc và thu hút khách hàng cũng nằm ở đây.

Theo cơ cấu chương trình, DaiABank sẽ dành 1.000 tỷ đồng để triển khai cho vay từ tháng 3/2012, hạn mức tối đa là 30 tỷ đồng/khách hàng, kỳ hạn từ 3 - 5 năm, vay từng lần và trả gốc linh hoạt. Đối tượng cho vay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc nợ nhóm 1 và không có nợ quá hạn; có phát sinh nợ nhóm 2, do xếp hạng tín dụng hoặc có nợ quá hạn dưới 15 ngày nhưng không quá 1 lần trong vòng 12 tháng liền kề.

Tuy nhiên, theo ông Lê Huy Dũng, rủi ro với ngân hàng trong chương trình này là không hiểu rõ khách hàng, không đánh giá đúng khả năng tài chính của họ dẫn tới việc cho vay những khách hàng yếu và không có khả năng vượt qua khủng hoảng. Theo đó, nghiệp vụ thẩm định đòi hỏi khắt khe và tất cả các khoản vay đều phải được thông qua cấp cao nhất là ban tín dụng hội sở trở lên.

Với bản thân ngân hàng, vấn đề đặt ra là sự cân đối trong quản lý nguồn và quản trị thanh khoản với những khoản vay trung dài hạn như vậy. Vấn đề này gắn với thực tế trạng thái vốn của mỗi ngân hàng, cơ cấu giải ngân và thu hồi vốn.

(Theo Vneconomy)

  • Ngân hàng “gắn sao” bằng “pháo” sáp nhập?
  • Hối hả vay USD chạy thời hạn siết ngoại tệ
  • Rủi ro... đạo đức ngân hàng
  • Năm 2015: 35-40% dân số có tài khoản ngân hàng
  • Ngân hàng Đông Á đang tính chuyện sáp nhập
  • Ai 'lợi' nhất từ tin đồn thâu tóm các ngân hàng?
  • VPBank, câu chuyện từ chuyển đổi
  • Thống đốc: Có hiện tượng tín dụng tăng ảo cuối 2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!