Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nợ xấu đã tăng từ 3,2% hồi đầu năm lên 3,6% vào thời điểm giữa tháng 4. Song theo một số tính toán toán khác, con số nợ xấu lại cao hơn gấp 3-4 lần con số trên.
Đóng một phần nội dung thuộc Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 "Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế" do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện, nhóm nghiên cứu cho biết, tỷ lệ nợ xấu ước lượng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang rơi vào khoảng 8,25-14,01%.
Bản báo cáo đồng thời cũng đưa ra những dự báo của các tổ chức, đơn vị khác nhau về "ẩn số" này.
Theo đó, nhận định của StoxPlus, nợ xấu của nhóm ngân hàng được phân tích đạt mức trung bình 2,3%. Trong khi đó, Fitch Ratings lại cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam tương đương 13%.
Trích dẫn nhận định của chuyên gia phân tích Hồ Bá Tình, nhóm nghiên cứu cho biết, nợ xấu của các ngân hàng có thể lên tới 7-8%, thậm chí trên 10%, tức khoảng 300.000 tỷ đồng.
Hiện tại, ở Việt Nam, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro không theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 70% nợ xấu ngân hàng.
Trong năm 2011 và quý I/2012, sản xuất kinh doanh rơi vào đình đốn, hàng nghìn doanh nghiệp giải thể cộng với những hệ quả từ hoạt động cho vay bất động sản và chứng khoán đã khiến xu hướng nợ xấu của các ngân hàng thương mại gia tăng.
Trao đổi về vấn đề này tại phiên thảo luận mở, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào cho biết, con số nợ xấu mà nhóm nghiên cứu này đưa ra dựa trên hai lĩnh vực cho vay chứng khoán và bất động sản. Tỷ trọng dư nợ chứng khoán và bất động sản chiếm 10-12% tổng dư nợ hệ thống ngân hàng.
Nếu số liệu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là chính xác, tức nợ xấu toàn hệ thống đã tăng từ 3,2% lên 3,6% thì những khoản vay chứng khoán và bất động sản năm 2011 có thể rơi vào diện nợ xấu.
Uớc lượng nợ xấu này của nhóm nghiên cứu dựa trên số liệu nợ xấu của 41 ngân hàng Việt Nam. Những tính toán không bao gồm nợ Vinashin và tương đương vì không ước lượng được. Điểm đáng lưu ý là hiện, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 70% nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng. Đồng thời, dư nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước chiếm 16,9% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ của 12 tập đoàn kinh tế chiếm gần 53% tổng dư nợ của doanh nghiệp nhà nước.
Mới đây, trong các thông cáo xếp hạng đối với những ngân hàng thương mại Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế liên tục cảnh báo về tình trạng nợ xấu và lưu ý rằng, nếu tính theo chuẩn quốc tế thì số nợ xấu này có thể lớn hơn nhiều.
Nợ xấu: con số không quan trọng bằng cách xử lý
Trên thực tế, dù chưa kết luận được con số nào là chính xác, song với con số chính thống nhất do cơ quan điều hành tiền tệ công bố cũng có thể thấy được tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng đã tăng lên đáng kể. Một phần lớn nguyên nhân là do thị trường yếu, doanh nghiệp khó khăn, hoạt động không có lãi để trả nợ vay ngân hàng, thậm chí nhiều doanh nghiệp buộc phá sản, nợ phải thanh toán chuyển thành nợ quá hạn, khó đòi hay là nợ xấu.
Bằng chứng là, kể cả những ngân hàng lớn, có tình hình hoạt động tốt cũng phải "mệt mỏi" vì những khách hàng vay không trả nổi nợ trong bối cảnh trì trệ này.
Có thể thấy những dấu hiệu nợ xấu gia tăng tại báo cáo tài chính của một số ngân hàng thương mại niêm yết. Cụ thể, tại Vietcombank (VCB), so với đầu năm, nợ xấu đã tăng từ mức 2,03% lên 2,87% vào cuối tháng 3 vừa rồi. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 32% lên trên 3.100 tỷ đồng.
Nợ xấu của Vietinbank (CTG) cũng đã tăng từ mức 0,75% hồi đầu năm lên 1,85% vào cuối quý I. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh từ 220 tỷ đồng lên trên 900 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác là Eximbank (EIB), nợ xấu tăng từ 1,6% lên gần 2%. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 71% lên 606 tỷ đồng vào cuối quý.
Nợ xấu của ngân hàng mẹ ACB cũng tăng từ mức 0,85% của cuối năm 2011 lên hơn 1% vào cuối tháng 3.
Vừa qua, dư luận cũng không tránh khỏi "sốc" khi nhân vụ sáp nhập vào SHB, lãnh đạo Habubank bất ngờ công bố với cổ đông tỷ lệ nợ xấu ngân hàng này tính đến cuối tháng 2 lên tới 16,06% (theo chuẩn mực kế toán Việt Nam). Nếu đánh giá đặc biệt theo quan điểm mức độ rủi ro tiềm ẩn lớn nhất, tỷ lệ này lên tới 32,06%.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính riêng lẻ quý I của Habubank lại cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 3 còn 9,7%.
Không thể phủ nhận rằng, nợ xấu tại ngân hàng là điều không tránh khỏi, nhất là vào thời điểm thị trường yếu, sức khỏe doanh nghiệp gặp vấn đề và kéo theo những nhà cho vay cũng bị ảnh hưởng. Song, việc cho vay ra cũng như xử lý nợ xấu cần được thực hiện một cách thận trọng và gấp rút hơn nữa.
Quyết định 254 về Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2011-2015 ban hành ngày 1/3 cũng đã cung cấp một khuôn khổ nhằm giải quyết các vấn đề của các ngân hàng yếu kém.
Quyết định đặt ra một số lựa chọn trong chuyển dịch cơ cấu bao gồm cả việc cho phép Ngân hàng Nhà nước trực tiếp mua cổ phần của các ngân hàng yếu kém, tăng giới hạn quyền sở hữu đối với các ngân hàng nước ngoài tại các tổ chức tín dụng trong nước, khuyến khích các ngân hàng mạnh mua lại tài sản có chất lượng tốt và mua lại các khoản vay từ các ngân hàng yếu kém, và cho phép các ngân hàng bán các khoản nợ khó đòi cho Công ty Kinh doanh Nợ và Tài sản.
Mới đây, ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản cho phép 14 ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống thực hiện mua bán nợ. Điểm mấu chốt là 14 ngân hàng này được phép mua bán nợ dưới dạng cho doanh nghiệp vay và nợ của các tổ chức tín dụng vay lẫn nhau.
Việc "xã hội hóa" hoạt động mua bán nợ này, về bản chất sẽ giúp cơ quan điều hành giảm thiểu chi phí tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tương tự, trường hợp sáp nhập Habubank vào SHB cũng là một cách xử lý nợ khéo léo. Nếu một tổ chức tín dụng mạnh, có khả năng quản trị tốt, thì việc biến nguy cơ của đối tác thành cơ hội của mình là điều có thể và đó cũng là quy luật thanh lọc, đào thải của thị trường.
Nói chung, con số chính xác nợ xấu bao nhiêu quan trọng, nhưng không quan trọng bằng phương án, cách thức xử lý các khoản nợ xấu này. Điều đó còn phụ thuộc vào cơ cấu của bản thân các khoản nợ đó, phụ thuộc vào đối tượng cho vay như thế nào và thời gian thu hồi về, có thể mất hay mất hẳn, phụ thuộc vào tài năng quản trị của lãnh đạo mỗi ngân hàng.
(Theo Dân trí)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com