Quỹ Tiền tệ Quốc Tế IMF đã phân loại chính sách tỷ giá thành 8 loại, từ không có chính sách tỷ giá, tức không dùng đồng tiền bản địa (như El Salvadore) đến chính sách hoàn toàn thả nổi theo thị trường, tức Ngân hàng Trung ương can thiệp có giới hạn vào tỷ giá và không xác định mức tỷ giá mục tiêu cho một thời hạn nhất định. Việt Nam thành công trong việc hợp nhất hai tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do với hệ quả kinh tế tương đối ít đau đớn từ năm 1990 và chủ yếu thực hiện cơ chế neo tỷ giá với biên độ được điều chỉnh (crawling bands) với một số biến thể khác nhau trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vài năm trở lại đây khi điều kiện thâm hụt thương mại lớn, cán cân tài khoản vãng lai thường xuyên thâm hụt, lạm phát gần đây thuộc loại cao nhất khu vực, thì nền kinh tế tiếp tục bị dollar hóa với tỷ lệ đáng kể. Lạm phát cao cũng làm tăng nhu cầu tích trữ của cải, hệ quả là giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá vàng quốc tế dẫn đến nhập lậu vàng đáng kể. Trong bối cảnh như vậy, chính sách tỷ giá chịu nhiều sức ép và khó có thể làm hài lòng tất cả mọi người.
So với các nước trong khu vực, kể cả so với đồng Kíp của Lào và đồng Baht của Thái Lan, đồng tiền Việt Nam mất giá đáng kể. Trong thị trường nội địa tỷ giá song hành giữa tỷ giá chính thức, và tỷ giá thị trường tự do vẫn tồn tại với biên độ rộng, hẹp khác nhau như hình minh họa trên đây.
Qua biểu đồ biến động tỷ giá, chúng ta thấy tỷ giá được điều hành giật cục trong năm 2011 với mức phá giá kỷ lục 9,2% vào tháng 2.2011, góp phần làm cho lạm phát bùng phát. Nhờ có các biện pháp hành chính mạnh tay như cấm mua bán ngoại tệ tự do (có vài vụ bắt người và thu giữ ngoại tệ), cấm niêm yết giá bằng USD (phạt khách sạn Metropole Hà Nội và cả hai hãng taxi ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi đơn vị 500 triệu VNĐ vì niêm yết giá bằng USD), kiểm soát thị trường vàng tự do, khoảng cách giữa hai tỷ giá có xích lại gần nhau.
Song giữa tỷ giá danh nghĩa (Nominal Exchange Rate) và tỷ giá thực (REER Real Effective Exchange Rate) vẫn có khoảng cách khá rộng:
Trong khi về danh nghĩa, đồng tiền Việt Nam liên tục mất giá thì tỷ giá hối đoái thực, đồng tiền Việt Nam lại lên giá so với đồng USD do lạm phát trong nước tăng mạnh nhưng điều hành tỷ giá lại muốn neo tỷ giá trong biên độ cho trước để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Thí dụ như trong năm 2011, chỉ số lạm phát trong thị trường nội địa là 18,58%/năm (cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tăng 7% được Quốc hội thông qua) thì đồng VNĐ chỉ mất giá 10,2% so với đồng USD, dẫn đến đồng VNĐ trên thực tế đã lên giá khoảng 8% so với đồng USD. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố mục tiêu cho năm 2012 tỷ giá tăng dưới 3% trong khi các chuyên gia ước lượng mức lạm phát sẽ khoảng 12%, tức là đồng VNĐ sẽ lại tiếp tục lên giá thêm 9% nữa trên thực tế. Điều này sẽ không khuyến khích xuất khẩu như mục tiêu chính sách kinh tế hướng tới mà khuyến khích nhập khẩu vốn đã nhập siêu ở mức cao.
Trong tháng 1 và tháng 2 năm 2012, có người đã báo tin mừng là tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên song đó chưa hẳn là tin mừng mà còn là điều cần lo lắng. Nguyên nhân là do khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu chỉ 7,7 tỷ USD, giảm -6,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất giảm có nghĩa là sản xuất trong nước bị đình đốn, thể hiện rõ qua mức tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, chính sách neo tỷ giá có mục tiêu là giúp ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng làm tăng sức ép cho nhà quản lý, dẫn đến có giai đoạn điều hành bị giật cục, làm tăng lạm phát như xảy ra gần đây. Bên cạnh đó khi tình hình lạm phát trong nền kinh tế vẫn tiếp tục ở mức cao thì tác động của neo tỷ giá đến xuất-nhập khẩu cần được làm rõ thêm.
----------------
Tác giả: TS. Lê Đăng Doanh // Theo Tia Sáng