Sáng 9/11, nhiều người dân hừng hực kéo nhau đi mua vàng, bởi nghĩ giá vàng sẽ tiếp tục tăng.
Chiều, đùng một cái, vàng “hạ nhiệt” khiến nhiều người chết lặng bởi trót “ôm” nhiều quá. Chỉ trong một ngày, chính xác hơn là vài tiếng đồng hồ, hai trạng thái tâm lý ngược nhau đến 180O đã diễn ra...
Sáng tươi, chiều héo
Sáng 9/11, hai tuyến phố kim hoàn tại Hà Nội là Hà Trung, Trần Nhân Tông...đã tắc đường vì quá nhiều người đổ đến mua vàng. Dù lúc này giá vàng đã lên khá cao, ở mức mua vào và bán ra là 3,73 triệu và 3,75 triệu đồng/chỉ, thậm chí đến quá trưa giá bán ra lên mức 3,8 triệu đồng/chỉ, tuy nhiên lượng người đổ đến các tiệm kim hoàn vẫn rất đông.
Anh Nguyễn Trí Minh, phố Mã Mây, Hà Nội mang cả bịch tiền đến mua vàng tại tiệm vàng Quốc Chinh (phố Hà Trung) cho biết: "Tôi đã phải giảm 500.000 đồng tiền cho thuê cửa hàng để yêu cầu người thuê trả trước 8 tháng tiền của năm 2011. Số tiền này tôi lấy ra mua vàng. Dù giá tăng cao tôi vẫn mua. Hội đồng vàng thế giới đã dự đoán vàng sẽ lên 4 triệu đồng/chỉ, lúc đầu chẳng ai tin nhưng bây giờ giá nó cứ vù vù tăng, không mua lúc này thì còn đợi lúc nào nữa? Lúc 10h30 tôi mua vào là 3,75 triệu đồng/chỉ nên vẫn lãi. Đấy đấy, vừa nói xong vàng đã lên 3,80 triệu đồng/chỉ rồi (vừa nói anh Minh vừa chỉ tay lên bảng điện tử chạy giá của cửa hiệu vàng). Thế là tôi có lãi rồi nhé".
Hoàn toàn khác với tâm thế của những khách hàng đến tiệm kim hoàn vào buổi sáng, những người đến tiệm kim hoàn vào buổi chiều muộn lại nhớn nhác bởi vàng đang giảm giá. Từ 2h chiều cùng ngày, giá vàng bắt đầu giảm từ 3,8 triệu đồng/chỉ xuống 3,75 triệu đồng/chỉ lúc 2h40 và tiếp tục giảm xuống 3,720 triệu đồng/chỉ lúc 3h15... Điều này khiến những người có vàng vô cùng lo lắng, nhất là những người vừa mới mua vàng vào buổi sáng với mức 3,8 triệu đồng/chỉ.
Bà Nguyễn Thị Yến 55 tuổi, ngõ 159, phố Pháo Đài Láng, quận Đống Đa, Hà Nội thể hiện rõ sự bấn loạn khi đứng trong tiệm vàng Bảo Tín Minh Châu (phố Trần Nhân Tông).
Bà than thở: "Hôm qua con gái nhờ tôi giữ 200 triệu đồng, nói khoảng 20 ngày đi công tác nước ngoài về sẽ lấy để kinh doanh. Vì muốn có thêm để cho con, sáng nay tôi mang toàn bộ số tiền đó đi mua vàng, chen mãi mới mua được vì người xếp hàng đông quá. Lúc đến lượt tôi giá vàng lên 3,8 triệu đồng/chỉ, tôi vẫn quyết định mua hơn 5 cây, không ngờ bây giờ lỗ nặng. Bữa trưa nay đang định ăn cơm thì bà hàng xóm cùng đi mua vàng lúc sáng với tôi chạy sang hớt hải nói: phải bán thôi, vàng sẽ giảm. Cơm trưa chưa kịp ăn, tôi lại vội vàng theo bà ấy lên đây chờ để bán nhưng 5h chiều rồi mà vàng vẫn ở mức 3,68 và 3,73 triệu đồng/chỉ, thế có chết tôi không chứ!".
Giải pháp ngắn hạn chưa ổn
Ông Lê Văn Hinh, nguyên trưởng phòng Phân tích kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: "Với các biện pháp bơm USD ra thị trường, thả lãi suất tiền đồng, cho nhập khẩu vàng tự do sẽ kéo theo hệ lụy là khan hiếm ngoại tệ. Giá ngoại tệ cao lại tác động đến giá vàng, vì vàng cần đến nhiều ngoại tệ. Trong khi đó, mua vàng chỉ phục vụ nhu cầu cất trữ chứ không phục vụ sản xuất nên nhập khẩu vàng sẽ chiếm hết ngoại tệ. Theo đó, việc nhập hàng hóa khác phục vụ cho sản xuất dễ bị khan hiếm ngoại tệ. Trong khi hiện nay Nhà nước lại đang lo ngoại tệ".
Cũng theo ông Hinh, những biện pháp trước mắt vẫn chưa ổn xét về nhiều khía cạnh. Vấn đề là làm thế nào ổn định tiền tệ lâu dài trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, tránh thâm hụt ngân sách nhà nước, lạm phát thấp, các doanh nghiệp và tập đoàn phải sử dụng vốn hiệu quả. Bơm USD ra chỉ là giải pháp trong ngắn hạn và phụ thuộc vào quỹ dự trữ có trong tay Ngân hàng Nhà nước. Trong khi hiện nay chỉ còn 6-7 tuần (hết năm 2010) nhập khẩu, tự do hóa lãi suất và nâng lãi suất cơ bản lên 9% là để giảm áp lực lạm phát và là giải pháp trung hoà cho khả năng có thể hạ giá VND (nới rộng biên độ hoặc phá giá...). Vì nếu phá giá thì sẽ gây áp lực lạm phát.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, người có tiền đang quay cuồng với giá vàng, USD. Do tác động của chính sách tỷ giá tác động lớn lên các biến số kinh tế vĩ mô, tâm lý thị trường, các vấn đề chính trị, xã hội. Phá giá VND, đương nhiên tỷ giá sẽ ở mức từ 21.000 VND/USD, tức giảm 10% trị giá VND khiến rủi ro rất cao, gây lạm phát lớn. Điều chỉnh tỷ giá thì liên quan đến lòng tin, làm người dân lại đổ xô găm giữ tài sản vì không rõ về kết cục thế nào.
Nếu để buông xuôi tức là ở ngoài tỷ giá thế nào tuỳ, còn Nhà nước vẫn giữ ở mức 19.500 VND/USD bằng cách bơm lượng tiền đủ lớn, ví dụ như Ngân hàng Nhà nước bơm ra 200 triệu USD. Nhưng cách này chỉ để giải quyết vấn đề tình huống ưu tiên, chứ không phải chống chọi với cả thị trường. Lý do là giá vàng và lòng tin không biết đi đến đâu.
Hơn nữa, chế độ hai tỷ giá, gây ra hành vi vụ lợi. Tất nhiên, cách nào cũng có rủi ro nhưng phải lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng để xử lý những vấn đề nền tảng, lấy lại lòng tin. Đây không phải là việc có thể làm trong ngày một ngày hai. Nhưng điều cốt yếu là phải lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng tâm, nhất quán về mục tiêu chính sách nếu không sẽ còn tiếp tục phải trả giá.
Trong khi đó, theo nhận định của 4 chuyên viên kinh tế cấp cao của Tổ chức Tiền tệ Thế giới CIBC, vàng có thể lập đỉnh ở mức 1.500 USD/oz. Và giá vàng chỉ có thể điều chỉnh giảm trở lại khi mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ chuyển qua chính sách thắt chặt tiền tệ, tuy nhiên điều này sẽ chỉ xảy ra vào cuối năm 2012 hoặc có thế đến năm 2013.
(Giadinh)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com