Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lạm phát và tăng trưởng: Khối mâu thuẫn khó giải

Việc tìm ra cách thức hợp lý để kiểm soát lạm phát – trong bối cảnh chỉ tiêu lạm phát năm 2010 gần như chắc chắn không thể đạt mức đã được QH phê duyệt, kể cả sau khi đã điều chỉnh – là một trong những vấn đề nóng hổi nhất tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Theo Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội đầu kỳ họp, năm 2010 kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng khá cao. GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 đạt khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD. Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP. Dự báo cả năm, giá tiêu dùng tăng khoảng 8%.

Vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng… nỗi lo còn đó


Khẳng định âm hưởng tích cực là chủ đạo, song ngay chính báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nhận định, tình hình kinh tế, xã hội vẫn còn những hạn chế, đe dọa sự phát triển bền vững. Hiệu quả đầu tư vẫn còn thấp, trong khi chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng cao và cao hơn một số nước trong khu vực. Quản lý giá một số mặt hàng nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh… chưa tốt. Sự phối hợp giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ chưa đồng bộ.

Như củng cố thêm những lo ngại này, trong tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp, Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng tới 1,05% so với tháng 9 (sau khi tháng 9 đã có mức tăng rất mạnh 1,31% so với tháng 8). Đây là mức tăng cao nhất của tháng 10 trong 15 năm trở lại đây và theo quy luật chung của đà tăng giá những tháng cuối năm, mức 8% chắc chắn khó có thể giữ được.

Trong khi đó, theo nhận xét của ĐBQH Trần Du Lịch, lạm phát là “thuế vô hình đánh vào toàn dân. Người thu nhập càng cố định thì thiệt hại càng lớn”. “Thoáng” hơn nhiều so với quan điểm của UB Kinh tế, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, trong năm 2010 mà giữ chỉ số CPI ở mức một con số là thành công. Ngay từ kỳ họp QH cuối năm 2009, ĐB Trần Du Lịch đã bày tỏ quan điểm, lạm phát 7% (như mục tiêu QH đề ra) hay 8% (như đề xuất điều chỉnh của Chính phủ) đều là những ý tưởng mang tính quyết tâm, nhưng thực sự là mục tiêu khó đạt.

“Bước vào năm 2010, trong khi các nước tập trung nới lỏng chính sách tài khóa - tiền tệ phục vụ mục tiêu phục hồi tăng trưởng, thì Việt Nam lại đứng trước một mâu thuẫn: vừa muốn phục hồi tăng trưởng, vừa muốn chống lạm phát. Lạm phát của Việt Nam xuất phát từ một cơ cấu kinh tế luôn phải ứng phó với nhập siêu, làm cho mất cân đối nghiêm trọng về cán cân thanh toán quốc tế tổng thể. Sự thâm hụt tài khoản vãng lai lớn như vậy tạo áp lực lên giá trị đồng tiền, áp lực lên tỷ giá; đó là chưa kể nền kinh tế của Việt Nam có chi phí đầu tư rất cao... Chính vì thế, kiềm chế lạm phát năm nay ở một con số là thành công” - ông Trần Du Lịch nói.

CPI sẽ là bao nhiêu?


Khi được đề nghị dự báo về CPI thực tế năm 2010, ông Lịch đáp: “xoay quanh 9%”. Theo ông, 2 tháng cuối năm là thời điểm những công trình đầu tư giải ngân, quyết toán giải ngân nên dòng tiền sẽ tăng mạnh hơn. “Nếu kiềm chế được CPI ở mức dưới 1%/tháng là giỏi”. Dự báo này khá trùng hợp với nhận định của TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hai chuyên gia kinh tế này cũng có cùng quan điểm cho rằng diễn biến chỉ số CPI 10 tháng trở lại đây không theo các quy luật những năm gần đây, do độ trễ của gói chính sách kích cầu năm ngoái; nguồn chi cho đầu tư phát triển, trong đó việc sử dụng các loại trái phiếu Chính phủ cũng có tác động rất lớn.

Trong số những giải pháp quan trọng để kiểm soát lạm phát, ông Lịch nhận định, gốc rễ của vấn đề là phải thay đổi phương thức, cách thức đầu tư ngân sách. Không thể dừng phát hành trái phiếu, bởi còn rất nhiều dự án đang dang dở cần tiếp tục đầu tư nhưng cần phải tuân thủ hai nguyên tắc đầu tư: Một là tận dụng cơ hội, cái gì có hiệu quả trước làm trước, làm có lựa chọn chứ không dàn đều. Hai là phải tuân thủ tính đồng bộ và phải làm nhanh. Thay vì chi ngân sách kiểu “rải mành mành” cho tất cả các tỉnh thành, các ngành và kéo dài dự án 3 năm, 5 năm, 7 năm mới hoàn thành; cần tập trung đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên trước. “Đây là vấn đề cần có biện pháp giải quyết một cách căn cơ từ năm 2011 đến năm 2015. Việt Nam được khen rất giỏi ứng phó với những vấn đề ngắn hạn, chẳng hạn như vượt qua ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng điều quan trọng là làm sao để không phải ứng phó nữa” - ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn nhận định.

Vẫn ĐB Du Lịch bình luận, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải hết sức nhịp nhàng. Cơ quan quản lý cần sẵn sàng “vi chỉnh” ngay khi cần thiết. Trong khi đó, dường như hai chính sách này đang có vẻ “đường ai nấy đi”: chính sách tiền tệ dường như có xu hướng “siết” lại, còn chính sách tài khóa lại đang “mở” quá, biểu hiện cụ thể ở việc đầu tư cho phát triển tăng đến 43% so với con số QH thông qua cuối năm ngoái. Thậm chí, đây có thể coi là khâu yếu nhất trong quản lý điều hành kinh tế.

(Doanh Nhân)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Chiến tranh tiền tệ - có hay không?
  • Chi tiêu quá tay đặt gánh nặng lên chính sách tiền tệ
  • Số phận mong manh của các dự án
  • Câu hỏi chưa có lời đáp
  • VND mất giá, thị trường cuối năm ‘ngập’ trong lo toan
  • Đang "nước sôi lửa bỏng", thông tin lại nhiễu loạn
  • Thế giới nên áp dụng chuẩn mực vàng để điều chỉnh tỷ giá
  • Khép chặt cánh cửa vay vốn tiền đồng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!