Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bắt 'bệnh' nền kinh tế

Khả năng dự báo lạm phát kém, vay nợ mới trả nợ cũ, thâm hụt ngân sách tăng mạnh so với GPD, đình đốn sản xuất… là những vấn đề khiến kinh tế vĩ mô bất ổn. Nếu không sớm tái cấu trúc nền kinh tế, lạm phát sẽ “bứt phá” vào cuối năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Tái cấu trúc nền kinh tế, bắt đầu từ đâu” do Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì ngày 25.8, tại TP.HCM, đã báo động về thực trạng bội chi ngân sách và những nỗi lo lớn của kinh tế vĩ mô.

Bất ổn theo chu kỳ tái diễn

Theo PSG. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nền kinh tế đang trong tình trạng báo động, bế tắc và lộ suy thoái. Theo ông Thiên, Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn, nền kinh tế luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhưng càng phát triển càng bị mất cân đối và lạm phát tăng cao, bất ổn vĩ mô kéo dài. Trong vòng 5 năm, từ 2006 - 2010, lạm phát đã tăng gần 60% trong khi tổng tăng trưởng GDP chỉ đạt 35,1%. Điều này cho thấy nền kinh tế hiện đang “bệnh” rất nặng.

Để đối phó với những bất ổn, hàng năm chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, các giải pháp chủ yếu mang tính ngắn hạn, tình thế, nặng hành chính, chưa tập trung xử lý các vấn đề cơ bản. “Trong ngắn hạn nền kinh tế tạm ổn định, đạt được một số mục tiêu cam kết chính hàng năm nhưng lại phải trả giá bằng hao tổn nguồn lực quốc gia rất lớn, rồi sau đó lại bước vào một chu kỳ ngắn hạn mới: tiếp tục đương đầu với bất ổn và lạm phát gay gắt hơn. Sự tái diễn hàng năm một chu kỳ như vậy chứa đựng nguy cơ tạo vòng xoáy bất ổn và xu ướng suy thoái rất đáng lo ngại”, ông Thiên cảnh báo.

TS. Phạm Đỗ Chí, nguyên chuyên gia kinh tế và đầu tư cao cấp của IMF, dẫn chứng trong 4 năm qua, chính sách đã thay đổi 1800 và có tính… giật cục. Nếu năm 2007 kích thích tăng trưởng bằng cách đầu tư công cao và mở rộng tín dụng, thì năm 2008 Chính phủ ban hành những chính sách kiểm soát lạm phát, đến năm 2009 lại nới lỏng để đối phó với suy thoái và năm 2010 chuyển sang ổn định kinh tế, năm nay lại siết để kiểm soát lạm phát. “Kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế không thể hiệu quả trong một môi trường như vậy”, TS. Chí nhận định.

Vòng xoáy nợ nần

TS. Vũ Đình Ánh, Học viện tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, thời gian qua, dự báo lạm phát là một thảm họa, không theo sát thực tế. Thâm hụt ngân sách triền miên và đáng lo ngại. Ông Ánh lo lắng đưa ra con số vay bù đắp thâm hụt ngân sách và trả nợ gốc từ năm 2006 - 2010. Theo chuẩn quốc tế, bội chi ngân sách của Việt Nam đã tăng vọt lên 10.000 tỷ đồng năm 2006 lên hơn gấp đôi trong năm 2007 và hơn 8 lần vào năm 2008. Đáng lo là để bù đắp bội chi, Việt Nam phải vay trong nước và nước ngoài. Và do số nợ vay không sử dụng vào mục đích sinh lời nên toàn bộ chi trả nợ gốc đều trông vào phát hành nợ mới. Vì thế, năm 2009 vay nợ trong nước vượt dự toán 24,15%, vay nước ngoài vượt tới 71,1%. Và năm 2010, vay trong nước giảm gần 17% dự toán nhưng lại vay nợ nước ngoài tăng tới 47,6% để bù lại. Như vậy, tính chung giai đoạn 2006 – 2010, tổng nợ phát hành của Việt Nam tương đương 409,857 tỷ VND, tương đương 21% GDP.

Cùng chung mối lo này, nhiều diễn giả cho biết, nếu so với GDP của Việt Nam, nợ công và nợ nước ngoài tăng cao bất thường. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính vào tháng 7.2011, tổng nợ công của Việt Nam là 1.122.000 tỷ đồng, tương đương 56,7% GDP và năm 2011 tổng nợ công sẽ khoảng 58,7% GDP. Dự kiến nợ nước ngoài của quốc gia sẽ ở mức 44,5% GDP năm 2011. “So với Mỹ, Nhật thì nợ công của chúng ta chưa đáng lo, nhưng nhìn vào vốn để trả nợ thì thực tế, chúng ta chỉ vay nợ mới để trả nợ cũ nên đang rơi vào vòng xoáy nợ nần”, ông Ánh nhận định.

Cấp tốc cân đối vĩ mô

Khả năng dự báo kém và một số vấn đề khủng hoảng niềm tin khiến ông Phạm Đỗ Chí, tính toán lạm phát cuối năm 2011, nếu “kỷ luật tốt” cũng nằm trong mức 19,5 - 20%/năm. Nếu không, dự báo lạm phát năm 2011 có khả năng từ 23 - 25%.

Theo ông Chí, trong ngắn hạn, lộ trình chính sách phải có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để đối phó với đình đốn sản xuất. Phải có quyết định rạch ròi, cương quyết về chính sách tài khóa thắt chặt để đỡ vai cho chính sách tiền tệ trong giảm tổng cầu, giảm chi tiêu ngân sách, nhất là đầu tư công. Đối với chính sách tiền tệ, trong 5 tháng cuối năm 2011, NHNN nên dựa nhiều vào chính sách thị trường mở, huy động thêm dự trữ bắt buộc, nhất là tín dụng ngoại tệ, hướng đến giảm lãi suất mạnh hơn trong thị trường tiền tệ, bỏ trần lãi suất huy động 14%/năm, giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4%.

Còn ông Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng tái cấu trúc tức là dân làm kinh doanh, nhà nước tạo điều kiện cho phát triển. Tái cấu trúc phải thực hiện toàn diện, hướng đến chất lượng, toàn cầu chứ không phải của riêng ai.

Mỹ Dung - Đình Sơn

Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

( Báo Đất Việt)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Phải giảm ngay lãi suất!
  • Vũ Thành Tự Anh:"Ổn định tỷ giá đáng lo hơn sốt vàng"
  • “Nút thắt” trong hợp đồng góp vốn
  • Vàng tác động thế nào đến nền kinh tế và thị trường tài chính?
  • Kinh tế Việt Nam: Chứng khoán lo tỉ giá
  • Vàng, đất, USD... chọn gì?
  • Bơm vốn qua OMO, ‘đòn đánh’ đầu tiên để giảm lãi suất?
  • Thị trường bất động sản: “Tuột dốc cũng tốt!”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!