Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, TS Vũ Thành Tự Anh, cho rằng thực tế cơn “sốt” vàng chỉ khu trú trong một bộ phận đầu cơ. Nếu tìm cách chạy theo tiền vàng và đô la, đó sẽ là cuộc chạy đua muôn thủa không bao giờ thắng.
Ông đánh giá thế nào về cách ứng xử với thị trường vàng của Việt Nam hiện nay?
Trước tiên phải xác định cho rõ vàng là hàng hóa hay tiền tệ. Đây chính là cái lấn cấn trong điều hành hiện nay. Trong thực tế, vàng ở Việt Nam là một dạng tiền tệ, vừa có giá trị tích trữ đồng thời cũng là tiền tệ. Khi NHNN không tách bạch được hai phạm trù hàng hóa và tiền tệ thì rất khó có biện pháp để quản lý. Nếu coi là hàng hóa thì NHNN không có cơ sở để can thiệp vì phải tuân theo quy luật thị trường.
Hiện NHNN đang can thiệp theo hướng coi vàng là tiền tệ. Với trường hợp này phải đặt vàng song hành với tiền đồng và đô la do sự liên thông giữa vàng và đô la rất rõ. Bất cứ khi nào cần nhập vàng là nhu cầu và giá đô la lại tăng theo. Chịu tác động lớn nhất hiện nay chính là tỷ giá và đây là cái đáng lo hơn trong khi chúng ta lại quá hướng tới ổn định giá vàng.
Điều khó hiểu là làm sao có chuyện mới nhập vàng khoảng 1 tỷ đô la mà đã làm lệch hẳn tỷ giá đi như vậy. Đây là điều đáng lo ngại hơn chuyện giá vàng. (Cách đây khoảng 2 tuần tỷ giá ở mức 20.600 đồng/USD giờ lên 20.800 – 20.900 đồng/USD- PV) Trách nhiệm quan trọng nhất với NHNN là đảm bảo việc người dân chạy theo cơn sốt vàng không ảnh hưởng tới tỷ giá chứ không nhất thiết phải tìm mọi biện pháp để thu gom, huy động hay giữ vàng.
Vậy trong giải pháp điều hành, theo ông, đây là lúc NHNN cần lưu ý điều gì?
Đến nay, NHNN can thiệp chủ yếu bằng cách cho phép xuất hay nhập khẩu vàng. Vấn đề là ai được nhập và quota phân bổ như thế nào, quản lý thời hạn nhập thực tế từ khi cho nhập đến khi vàng về ra sao. Thực tế có thể có việc doanh nghiệp dừng việc nhập vàng khi được hưởng lợi từ giá vàng cao. Vai trò của nhà nước ở đây là điều tiết và công cụ chính ở đây là trực tiếp nắm hoạt động xuất nhập khẩu để bình ổn giá vàng.
Tôi cho rằng việc này không minh bạch và không công bằng. Tốt nhất, NHNN phải đứng ra điều phối việc xuất khẩu vàng và lượng cung cầu như một loại tiền tệ trên thị trường. Việc ứng xử thiếu linh hoạt cũng góp phần tạo ra những cơn sốt đột ngột.
Về lâu dài, để điều tiết giá vàng NHNN cần bổ sung các hành lang pháp lý và các công cụ hỗ trợ. Còn về gốc, kinh tế vĩ mô của Việt Nam phải ổn định để người dân có niềm tin vào VND. Khi tiền đồng ổn định thì giá vàng có nhảy múa cũng không ảnh hưởng tới lãi suất, cung tiền của nền kinh tế vĩ mô và hoạt động chạy theo giá vàng chỉ khu trú trong lượng nhỏ giới đầu cơ.
Thống đốc NHNN đã đề cập việc ngân hàng có thể đứng ra giữ vàng cho dân thông qua hệ thống đại lý là các tổ chức tín dụng. Theo ông có nên hay không?
Việc giữ vàng cho dân sẽ đặt ra câu hỏi có trả lãi suất hay không. Nếu không có lãi suất người dân sẽ không gửi. Còn nếu chấp nhận trả lãi suất thì vô hình trung coi vàng như một loại tiền tệ. Mà thực tế, chỉ có tiền mới sinh ra tiền. Những biện pháp như vậy cần hết sức thận trọng.
--------------------------
Phạm Tuyên (theo Vietstock/Tiền Phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com