Hiện tại không phải là thời điểm phát triển thị trường, mà là lúc giữ thị trường bình ổn, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng trong tương lai - ông nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nói như thế trong cuộc trao đổi với TBKTSG.Ông Nguyễn Duy Hưng.
Ông cũng kiến nghị tạm dừng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của doanh nghiệp (IPO).
TBKTSG: Trả lời phỏng vấn của chúng tôi hai năm trước, ông nhấn mạnh mục tiêu của SSI là trở thành một ngân hàng đầu tư. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lần này, các ngân hàng đầu tư đã bị ảnh hưởng nhiều. Vậy ngân hàng đầu tư có còn là mô hình hướng tới của SSI?
- Ông Nguyễn Duy Hưng: Cuộc khủng hoảng đã tác động đến cách kinh doanh các sản phẩm của ngân hàng đầu tư, còn bản thân ngân hàng đầu tư vẫn là một mô hình để phát triển. SSI vẫn hướng tới đích là một ngân hàng đầu tư, kết nối các nguồn tiền và cơ hội đầu tư.
- Có phải cơ hội đầu tư đã bắt đầu, thưa ông, khi có người cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu gượng dậy khỏi suy thoái?
- Có thể những khó khăn lớn nhất gây suy giảm kinh tế đã qua, nhưng khả quan và tốt thực sự thì chưa thấy. Giống như người bệnh, đã qua cơn thập tử nhất sinh, tình trạng sức khỏe còn xấu, vì thế cần thời gian phục hồi. Cá nhân tôi cho rằng thời điểm phục hồi của kinh tế Việt Nam là giữa năm 2010.
- Nghĩa là cơ hội đầu tư, kinh doanh vẫn chưa rõ ràng?
- Dù khó khăn vẫn còn, các doanh nghiệp vẫn phải sản xuất kinh doanh. Khó khăn không có nghĩa là khoanh tay thụ động ngồi chờ. Bây giờ doanh nghiệp nào tồn tại được, trụ được thì sau này sẽ phát triển mạnh. Công ty chứng khoán cũng vậy. Năm kia năm kìa, chứng khoán lên, nhiều khách hàng, công ty nào cũng môi giới, cũng tư vấn, cũng bảo lãnh... Nay khó khăn mà vẫn duy trì được các nghiệp vụ đó, thực hiện hiệu quả hơn, thì uy tín, hình ảnh doanh nghiệp sẽ tăng lên trong mắt khách hàng. Cơ hội là ở chỗ đó.
- Thế nhưng nhiều công ty chứng khoán đang thua lỗ. Hầu hết các công ty đều lỗ quí 1-2009. Trong số những công ty hàng đầu, Bảo Việt lãi 3,7 tỉ đồng, SSI được kỳ vọng nhiều, nhưng lợi nhuận cũng chỉ đạt 38 tỉ đồng. Ông nghĩ sao về những con số đó?
- Thị trường xấu thì lợi nhuận của các công ty chứng khoán không thể tốt. Chúng tôi đang nỗ lực để luôn có lợi nhuận, còn lợi nhuận bao nhiêu thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Nếu thị trường còn xấu hơn, việc một số công ty chứng khoán phá sản sẽ xảy ra.
- Thị trường vừa qua đã có khởi sắc dù mang tính ngắn hạn. Ông đánh giá sự khởi sắc đó như thế nào?
- Sự tăng điểm vừa qua của thị trường chứng tỏ nhà đầu tư đang khao khát cơ hội đầu tư, rằng chúng ta đang thiếu các kênh đầu tư đủ sức hấp thụ nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Các kênh vàng, ngoại tệ, tiết kiệm, bất động sản... đều đang chựng lại hoặc quá rủi ro. Trong khi đó, việc nhiều loại cổ phiếu đã trở nên quá rẻ khi VN-Index rớt dưới 250 điểm cộng với tâm lý hơi thái quá của nhà đầu tư cho rằng thị trường sẽ phục hồi mạnh, đã đẩy chứng khoán tăng giá đồng loạt, bất kể doanh nghiệp tốt xấu, kết quả kinh doanh ra sao.
- Cổ phiếu của các công ty chứng khoán vừa qua đã tăng giá nhanh nhất và mạnh nhất thị trường. Cổ phiếu Bảo Việt tăng hơn 300% từ mức đáy, cổ phiếu SSI, KLS, HPS cũng tăng trên dưới 100%, gấp 2-3 lần mức tăng chung của VN-Index. Sự gia tăng đó cũng bất chấp kết quả lợi nhuận thấp. Nó nói lên điều gì, thưa ông?
- Khi thị trường phục hồi và giá chứng khoán lên quá nhanh người ta thường nghĩ các công ty chứng khoán là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất, chẳng hạn doanh thu phí môi giới tăng, giá trị danh mục đầu tư (tự doanh) tăng... Suy nghĩ đó dẫn đến hành động mua cổ phiếu công ty chứng khoán.
Thực tế công ty chứng khoán không thể có sự tăng trưởng lợi nhuận nào gấp 2-3 lần, tương ứng với tốc độ tăng giá của cổ phiếu trong một thời gian ngắn. Đâu đó trong vấn đề này nhà đầu tư chưa hiểu hết. Lẽ ra, các công ty phải công bố thông tin rõ ràng theo tiêu chí của pháp luật, đính chính lại những đồn thổi bên ngoài về sự biến động lợi nhuận này nọ, chứ không phải đợi đến khi cổ phiếu tăng giá 5-10 phiên liên tiếp, các sở giao dịch chứng khoán yêu cầu giải trình, mới công bố thông tin.
- Theo như ông giải thích, có vẻ tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thay đổi, tâm lý bầy đàn vẫn còn đó?
- Tâm lý bầy đàn là một đặc trưng gắn liền của thị trường chứng khoán. Ở thị trường Việt Nam, tính bầy đàn đã giảm so với trước, nhưng vẫn còn ở mức độ cao. Bên cạnh đó phải thấy rõ một thay đổi khác: trong đợt biến động vừa qua không ít tổ chức, nhà đầu tư lớn nhìn nhận thị trường theo dạng hedge fund (đầu tư mạo hiểm), tạo sóng cho các đợt lướt của họ.
- Sự đảo chiều của thị trường diễn ra từ đầu tuần này, theo ông có khởi nguồn từ sự tạo sóng và lướt đó?
- Đảo chiều là tất yếu khi dòng vốn cơ hội, của cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, đã hoàn tất “nhiệm vụ” của nó trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên với những người đầu tư giá trị, có kế hoạch mua và giữ cổ phiếu dài hạn, thì sự đảo chiều không ảnh hưởng nhiều đến họ.
- Thời gian qua, dù muốn hay không, động thái của các nhà đầu tư ngoại vẫn được thị trường để ý đến. Ông có nghĩ rằng bây giờ nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn tầm ảnh hưởng bao phủ thị trường?
- Nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn. Nếu không đầu tư ở Việt Nam, họ có thể đầu tư ở những nước khác. Họ là những tổ chức kinh doanh nên cũng tham gia tạo sóng. Khi thị trường lên, họ có thể mua vào, đẩy thị trường tăng thêm và chọn thời điểm trong sự tăng thêm đó để bán ra, cơ cấu lại danh mục.
Bây giờ, họ vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại danh mục đầu tư, không phải chỉ từ cổ phiếu này chuyển sang cổ phiếu khác, từ cổ phiếu sang trái phiếu hay ngược lại, mà từ danh mục, tỷ lệ danh mục dành cho thị trường quốc gia này sang thị trường quốc gia khác. Phạm vi đầu tư của họ khác nhà đầu tư trong nước. Cho nên, nhìn vào động thái mua bán của khối ngoại để làm theo là điều không nên.
- Dòng vốn ngoại đã từng là một trong những nguyên nhân tạo sự tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam những năm 2006-2007. Chúng ta có nên tạo sự hấp dẫn để thu hút sự quay lại của dòng vốn đó?
- Thị trường chứng khoán biến động trên cơ sở và theo tốc độ phát triển của nền kinh tế. VN-Index tăng trưởng 40% trong vòng hơn một tháng liệu có phù hợp với sự phục hồi kinh tế? Nếu nền kinh tế của ta phát triển bền vững thực sự so với các nước khác, tôi tin nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào.
- Nhiều nước xung quanh Việt Nam đang cố gắng tạo những lợi thế cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp. Đã có những ý kiến đề nghị Nhà nước phải tăng cường IPO, cổ phần hóa và thay đổi cơ chế xác định giá trị doanh nghiệp để tạo sự hấp dẫn cho thị trường. Ông có chia sẻ những ý kiến đó?
- Tôi cho rằng bây giờ phải dừng IPO, vì nếu IPO có bán rẻ cũng không ai (tổ chức nước ngoài) mua. Hiện tại là thời điểm giữ thị trường bình ổn, chứ không phải phát triển thị trường. Chính sự bình ổn của thị trường lúc này là cơ sở cho sự phát triển của thị trường trong tương lai.
- Ở vị trí doanh nghiệp, ông trông mong gì ở thị trường lúc này?
- Minh bạch thông tin. Cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý thị trường đừng bị gò bó bởi những quy định để giải thích cho sự thiếu trách nhiệm của mình. Đừng để có sự chênh lệch quá lớn lợi nhuận doanh nghiệp trước và sau kiểm toán chỉ vì không trích đủ dự phòng rủi ro với lý do này nọ. Chỉ riêng quy định về việc đưa doanh nghiệp niêm yết vào diện cảnh báo, kiểm soát, sàn Hà Nội, sàn TPHCM mỗi nơi làm một cách, rồi lại chuẩn bị bỏ không kiểm soát nữa... nhà đầu tư biết tin vào đâu? Thị trường đang cần lòng tin và lòng tin chỉ có thể có từ sự minh bạch.
(Theo Hải Lý - Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com