Bỏ trần lãi suất: Không sợ tạo ra cuộc đua lãi suất
(Tác giả: MINH TƯỜNG // theo TuanVietNam)
Xung quanh việc Ngân hàng Nhà nước nên hay không nên bỏ lãi suất trần huy động (lãi suất tiền gửi vào các tổ chức tín dụng) hiện có hai chiều ý kiến: Một, nên bỏ quy định về lãi suất trần huy động để giải tỏa ách tắc trong hệ thống tiền tệ; Hai, quan ngại việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ tạo ra một cuộc đua lãi suất trong hệ thống ngân hàng như năm 2008 sẽ lặp lại.
Phó Tổng Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) John Lipsky ngày 22/3, tại Hà Nội, khi trả lời phỏng vấn Reuters, cho rằng: "tiền Đồng Việt Nam hiện nay, xét trung hạn, là không có vấn đề" và "bây giờ là lúc cần có chính sách để củng cố niềm tin vào ổn định vĩ mô".
Nhận định của Tuần Việt Nam: hiện có đủ yếu tố thị trường để thay đổi lãi suất trần huy động và khả năng có một cuộc chạy đua lãi suất là khó diễn ra.
Lãi suất chạm đỉnh
Lãi suất cho vay trên thị trường hiện đang phổ biến ở mức 15-17%, lãi suất huy động thực tế của nhiều ngân hàng cũng vượt khá xa so với trần 10.5%. Mức lãi suất này được xem là khá cao so với những năm trước đây (trừ năm 2008), đồng thời cao hơn rất nhiều so với lãi suất tái chiết khấu (7%) và tái cấp vốn (6%). Ngoài ra, lãi suất cho vay cũng cao hơn khá nhiều so chỉ số giá tiêu dùng hiện tại.
Giải thích tình trạng lãi suất cao hiện nay có thể đưa ra một số lý do sau:
Thứ nhất: Lãi suất được đẩy lên cao là do trong thời gian qua xuất hiện tình trạng chênh lệch khá lớn giữa tốc độ tăng trưởng vốn huy động và cho vay. Tình trạng này kéo dài suốt từ năm 2007 đến nay. Cụ thể, năm 2007, tăng trưởng tín dụng là 53.9%, trong khi đó tăng trưởng huy động chỉ đạt 46.1%; năm 2008 hai chỉ số này lần lượt là 25.4% và 20.3%; năm 2009 lần lượt là 37.4% và 28.7%. Hai tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng 1.4%, trong khi đó tăng trưởng tiền gửi lại giảm 0.17%.
Mức chênh lệch kéo dài và quá lớn trên buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để hút tiền, đồng thời tăng lãi suất cho vay để giảm cầu tiền.
Thứ hai: Lãi suất huy động và cho vay vượt xa lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn của NHNN. Đây là một sự nghịch lý vì thông thường lãi suất chiết khấu là công cụ quan trọng trong điều hành lãi suất trên thị trường. Giải thích cho điều này có thể là do NHNN đang rất hạn chế cung tiền qua thị trường mở. Trong trường hợp này công cụ lãi suất chiết khấu đã giảm đi rất nhiều vai trò của nó. Lý do NHNN hạn chế việc cung tiền qua thị trường mở có thể xuất phát từ những lo ngại về lạm phát tiền tệ.
Thứ ba: Việc nâng lãi suất huy động và cho vay là một hệ quả của việc tăng trưởng tín dụng nóng năm 2009. Gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất đã tạo ra hơn 400.000 tỷ đồng vốn giá rẻ cho người đi vay. Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để vay tiền bất chấp nhu cầu thực tế khiến tăng trưởng tín dụng năm 2009 lên mức 37.4%, vượt xa mục tiêu 25% của NHNN. Năm 2010, áp lực trả nợ đè nặng lên nhiều doanh nghiệp bởi việc chi tiêu "quá đà" trong năm trước. Ngoài ra, NHNN đặt mục tiêu kiểm soát tín dụng ở mức 25% để phòng ngừa nguy cơ lạm phát khiến cho nguồn vốn ngân hàng càng trở nên khan hiếm.
Sự khác biệt giữa hiện nay và thời điểm xảy ra cuộc đua lãi suất 2008
Cuộc đua lãi suất năm 2008 diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt bởi nhiều yếu tố hội tụ. Lúc đó hệ thống ngân hàng căng thẳng thanh khoản khi NHNN thắt chặt các chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ: Ngày 17/03/2008, NHNN phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc kỳ hạn 1 năm. Sau đó tỷ lệ dự trữ bắt buộc được nâng lên 11%, lãi suất tái cấp vốn 15%, tái chiết khấu lên 13%, lãi suất cơ bản 14%.
Trong khi hiện tại, lãi suất thực tế huy động và cho vay đã cao hơn khá nhiều so với lạm phát và lãi suất chiết khấu của NHNN. Khả năng về mức lạm phát cao trong năm nay cũng khó diễn ra do mục tiêu kìm chế lạm phát được ưu tiên trong chỉ đạo của Chính phủ và cầu hàng hóa chưa có dấu hiệu tăng đột biến. Đợt bán Trái phiếu chính phủ ngày 18/3 vừa qua đã đạt 60% tổng giá trị chào bán với lãi suất 12%, do vậy, lãi suất huy động cân bằng trong dài hạn có thể ở quanh mức 11%-12%.
Xét về phía ngân hàng, họ chỉ thực sự tăng lãi suất huy động khi gặp vấn đề khó khăn trong thanh khoản. Sức ép thanh khoản hiện nay của các ngân hàng không lớn như thời điểm 2008. Các ngân hàng có thể vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất khá thấp để giải quyết vấn đề thanh khoản của mình sẽ hiệu quả hơn so với việc tăng lãi suất huy động. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang giữ ở mức ổn định, lãi suất qua đêm quanh mức 7%, lãi suất các kỳ hạn 6 tháng tháng đến 1 năm quanh mức 11.5%.
Xét về điều kiện vĩ mô, thời điểm diễn ra cuộc chạy đua lãi suất lạm phát đang ở mức rất cao, một số nhận định còn cho rằng lạm phát có thể trên 30% vào cuối năm 2008. Trong khi đó tính đến tháng 3/2010, lạm phát chỉ vào khỏang 4%. So với các kênh đầu tư khác: bất động sản, ngọai tệ, chứng khóan, kỳ vọng của các nhà đầu tư năm nay cũng không thể vượt quá 11 - 12% do tình hình nền kinh tế không hồi phục nhanh như phỏng đóan, đồng USD tiếp tục mất giá, Nhà nước cấm họat động kinh doanh vàng trên sàn giao dịch tự do... Dự báo của nhiều tổ chức tài chính trong và ngòai nước cho thấy: đến cuối năm 2010, mức tăng CPI của Việt Nam chỉ ở dưới mức 2 con số.
Một số khác biệt giữa thời điểm diễn ra cuộc chạy đua lãi suất năm 2008 và hiện nay
Năm 2008 | Tháng 3/2010 |
- Ngày 17/03/2008, Phát hành tín phiếu bắt buộc 20,300 tỷ đồng - 1/04/2008 tỷ lệ dự trữ bắt buộc nâng lên 11%, lãi suất cơ bản điều chỉnh tăng từ 8.75 lên 12%. - 19/05/2008, lãi suất tái chiết khấu tăng từ 11 lên 13%. - Ngày 1/06/2008, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 13 lên 15%, lãi suất cở bản điều chỉnh tăng lên 14%. - Lạm phát trung bình năm 22.97%, lãi suất cho vay trung bình trong năm 13.46%. Tăng trưởng tín dụng 25.4%, tăng trưởng GDP 5.19%. | - Không còn tín phiếu bắt buộc, tiếp tục các chính sách tiền tệ mở rộng. - Tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1% đối với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng, không kỳ hạn và dưới 12 tháng 3%. - Lãi suất cơ bản 8%, lãi suất tái cấp vốn 7%, lãi suất tái chiết khẩu 6%. - Lãi suất chiết khấu, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiếp tục duy trì ở mức thấp. - Lạm phát mục tiêu 7%, tăng trưởng tín dụng mục tiêu 25%, tăng trưởng GDP mục tiêu 6.5%. |
Bỏ trần lãi suất huy động không tạo ra cuộc đua lãi suất
Những phân tích và lập luận trên cho thấy, rất ít có khả năng xảy ra một cuộc đua lãi suất như lo ngại của nhiều người khi trần lãi suất huy động. Nguyên nhân là do lãi suất trên thị trường đã tiệm cận mức cân bằng và có thể nhiều lý do để giảm trong thời gian tới.
Nếu tiếp tục coi mục tiêu kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của chính sách năm nay, NHNN có thể bỏ lãi suất trần hoặc, thực hiện phương án thận trọng, như nâng mức lãi suất trần huy động lên mức 12% đến 13%. Giải pháp này giúp khơi thông dòng chảy tín dụng huy động để hút tiền trở lại hệ thống ngân hàng, lập lại cân bằng cung cầu trên thị trường tiền tệ.
Việc thay đổi trần lãi suất huy động cũng đồng thời giúp cho ngân hàng chính thức hóa được những khoản chi phí để thu hút tiền gửi đã vượt trần trong thời gian qua, minh bạch hoạt động ngân hàng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế. Ngoài ra, đây cũng là một bước đi cần thiết trên con đường tự do hóa lãi suất của Việt Nam trong thời gian tới.
Thị trường tiền tệ đang chờ đợi quyết định của NHNN về việc có dỡ trần lãi suất huy động như kiến nghị của các NHTM. Tuy nhiên, theo TS. TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, hiện nay chưa phải là thời điểm bỏ trần lãi suất. Ông lịch nhận định: Theo tôi, trong thời điểm hiện nay cần phải giữ trần lãi suất huy động. Bởi lẽ thị trường tiền tệ nước ta chưa ổn định, nếu dỡ trần sẽ tạo điều kiện để các NH nhỏ chạy đua lãi suất huy động, có thể đẩy lãi suất lên đến 14-15%/năm. Điều này sẽ khiến các NH lớn đang duy trì lãi suất ổn định cũng lao vào cuộc đua để giữ chân khách hàng. Hơn nữa, chính sách tiền tệ phải bảo đảm một mức lãi suất dương phù hợp với CPI, thúc đẩy người dân lựa chọn kênh đầu tư hợp lý. Thí dụ, năm nay dự kiến lạm phát 8%, và lãi suất huy động 10%, mức chênh lệch lãi suất thực dương 2% là phù hợp. Theo tôi, NHNN cần xử lý nghiêm trường hợp các NH vi phạm trần lãi suất huy động, dù bất cứ hình thức nào. Theo đó, NH nào vi phạm vượt trần huy động, NHNN tăng dự trữ bắt buộc đối với NH đó. Xử lý nghiêm việc này, tình trạng lách trần huy động sẽ không diễn ra. Giao dịch tại Sacombank. Ảnh: LÃ ANH PV: Nhưng nếu khống chế trần lãi suất huy động, các NH khó hút vốn để cho vay? TS. TRẦN DU LỊCH: Khi NH khó huy động vốn buộc phải giảm đầu ra, không thể ồ ạt chạy đua tín dụng trong điều kiện tăng trưởng kinh tế còn thấp. Năm ngoái tăng trưởng kinh tế chỉ 5% mà dư nợ tín dụng tăng 37% là bất hợp lý. Năm nay tăng trưởng tín dụng 25% là cao nếu tăng trưởng kinh tế 5-7%. Những năm trước 2006, kinh tế tăng trưởng 8,5%, dư nợ tín dụng bình quân 24% do huy động được từ nhiều nguồn vốn trực tiếp khác. Nhưng năm nay nếu chỉ số lạm phát 8% mà huy động 12-13% sẽ gây áp lực với cổ đông, bởi cổ đông sẽ so sánh thiệt hơn giữa việc góp vốn để nhận cổ tức với việc gửi tiền vào NH trong bối cảnh lãi suất tiền gửi cao. Vì vậy, không nên để mức lãi suất thực dương quá cao mà cần phát triển thị trường vốn trực tiếp để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh chứ không thể chỉ tìm vốn từ NH. - Theo ông duy trì cơ chế lãi suất cho vay hiện nay có phù hợp? - Việc cho phép hình thành và tồn tại 2 loại lãi suất trên thị trường, một nơi bị khống chế 150% lãi suất cơ bản, một nơi cho vay theo lãi suất thỏa thuận là không phù hợp, sẽ xuất hiện tiêu cực khó kiểm soát. Lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay đối với các NHTM trung bình 15-17%/năm, thậm chí lên đến 18-20%/năm. Trong điều kiện tín dụng phi chính thức còn tồn tại quy mô lớn, có những phi vụ doanh nghiệp thu lãi rất cao. Nếu thời cơ đến, họ chấp nhận vay lãi cao, nhưng đó chỉ là cá biệt, còn thực tế các doanh nghiệp làm ăn bài bản không thể vay mức lãi suất cao như vậy. Một trong những thay đổi cần thiết là cơ chế điều hành, không chỉ dừng ở việc cho vay thỏa thuận đối với tín dụng trung-dài hạn, tiêu dùng mà phải mở nút thắt cho vay ngắn hạn để các NHTM cạnh tranh với nhau. Lãi suất cơ bản lúc này mang tính định hướng thị trường, là lãi suất trung bình của các NH lớn hình thành. - Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng năm nay các NHTM đối mặt với nhiều khó khăn trong tăng trưởng tín dụng vì nguồn tiền gửi không tăng? - Thực tế khi mở cửa cho áp dụng lãi suất thỏa thuận đã có nhiều NH nhỏ đổ xô tìm cách đẩy tín dụng cho vay lãi suất cao để tìm kiếm lợi nhuận. Điều này dẫn đến mất cân đối trong huy động và cho vay. Hai năm rồi, khi kinh tế khủng hoảng, các NHTM nước ta vẫn thu lãi rất cao, được xếp vào loại ngành có lợi nhuận tốt nhất. Đã đến lúc các NHTM phải tính bước phát triển dài hạn và ổn định. Bởi tăng trưởng tín dụng bằng cách đẩy lãi suất cho vay ngất ngưỡng tất yếu sẽ dẫn đến rủi ro cao. Mục tiêu nhắm đến khi mở cửa cho vay lãi suất thỏa thuận phải nên hiểu theo hướng thúc đẩy cạnh tranh giảm lãi suất cho vay. NHNN cũng cần phải tăng cường thanh tra, giám sát bằng các chỉ tiêu, quy định về an toàn tín dụng. Việc NHNN sẽ thanh tra các NHTM nào huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng cao hơn 20% so với huy động vốn từ thị trường tiền gửi sẽ ngăn chặn tình trạng các NHTM tăng trưởng tín dụng quá nóng, dễ gây rủi ro thanh khoản và bất ổn thị trường. - Xin cảm ơn ông.
Dỡ bỏ trần lãi suất: Thời điểm chưa thích hợp
(Tác giả: Dịu Ngân // Theo Sài Gòn Giải Phóng)
Nên có trần khống chế lãi suất thỏa thuận
(Tác giả: An Hạ// Theo Dân Trí)
Cơ chế cho vay trung và dài hạn theo lãi suất thỏa thuận đã giúp mặt bằng lãi suất sát với cung cầu vốn hơn; nhưng theo giới chuyên gia, vẫn nên có một mức trần khống chế, tránh tình trạng mặt bằng lãi suất cho vay bị đẩy lên quá cao…
Ngày 26/2/2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 07 mở rộng cơ chế cho vay lãi suất thoả thuận bằng Việt Nam đồng đối với tín dụng trung - dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống. Nhiều nhận định cho rằng, dòng vốn trung - dài hạn sẽ được khơi thông với ngân hàng và cả người vay qua cơ chế này.
Trong nửa cuối năm 2009 và đầu năm 2010, do khống chế mức trần lãi suất cơ bản một thời gian dài, tín dụng trung - dài hạn của các ngân hàng thương mại tăng trưởng rất chậm, hầu như các ngân hàng thương mại không mặn mà cho vay do lãi suất cho vay thấp, chi phí quản lý cao, rủi ro lớn.
Chính vì vậy, quyết định cho phép các ngân hàng được thoả thuận lãi suất cho vay trung và dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh đã giải quyết được một phần vấn đề ách tắc dòng vốn hiện nay, các ngân hàng chủ động mở rộng cho vay hơn, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, khi trần lãi suất cho vay bị khống chế, không được quá 150% lãi suất cơ bản (tức 12%/năm), nhiều tổ chức tín dụng đã tìm cách lách luật để thu về khoản lãi suất cao hơn bằng việc thu thêm các khoản phí (có thời điểm lên tới 16%/năm).
Còn với cơ chế mới này, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đây là điều được lường trước và là giải pháp hợp lý để giải quyết tình trạng "tù mù" về lãi suất hiện nay: "Khi chưa cho họ thỏa thuận, họ tự áp lãi suất cao mà mình cũng không kiểm soát được. Quyết định này sẽ giúp hình thành mặt bằng lãi suất sát với cung cầu về vốn".
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết sau khi cho phép thoả thuận lãi suất đối với khoản vay trung và dài hạn. Đó là việc lãi suất cơ bản vẫn còn có tác dụng đối với lãi suất huy động của ngân hàng.
Và khi các ngân hàng được phép cho vay trung và dài hạn với lãi suất cao, có thể dao động từ 16 đến 20%/năm thì người gửi tiền sẽ khó chấp nhận lãi suất tiền gửi của họ chỉ được giới hạn ở mức 10,5%/năm.
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Tôi nghĩ điều này cũng nên có sự xem xét và điều chỉnh cho phù hợp. Bởi vì một khi đã chấp nhận cho vay trung và dài hạn với lãi suất thoả thuận thì cũng nên cho huy động với lãi suất phù hợp tương ứng”.
Trên thực tế, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 07 mở rộng cơ chế cho vay lãi suất thoả thuận bằng đồng Việt Nam đối với tín dụng trung - dài hạn, một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ hiện đã đẩy lãi suất cho vay thỏa thuận đối với doanh nghiệp lên mức 18 - 20%/năm.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh hiện nay ở mức 12%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn theo cơ chế thỏa thuận khoảng 14 - 15%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, khoảng 15 -17%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần; cá biệt có một số ngân hàng quy mô nhỏ cho vay với lãi suất khá cao khoảng 18 - 20%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi theo khống chế từ Ngân hàng Nhà nước là không được vượt quá 10,5%/năm. Tuy nhiên, để kích thích nhu cầu gửi tiền của khách hàng, các ngân hàng đã tìm cách lách luật, tăng lãi suất huy động bằng các chương trình khuyến mãi, tặng thưởng bằng tiền mặt và các giải thưởng giá trị ngay cho khách hàng gửi tiền với giá trị tương đương 1 -2,5% số tiền khách hàng gửi. Và như vậy, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay có thể lên tới 13%/năm.
Một điều đáng lưu tâm hiện nay là, thay vì có đường cong lãi suất hợp lý, nhiều ngân hàng duy trì đường thẳng lãi suất, với mức 10,49% đối với tất cả các kỳ hạn.
Theo các chuyên gia, dù cho phép ngân hàng được thoả thuận lãi suất cho vay nhưng vẫn nên có một mức trần khống chế, tránh tình trạng mặt bằng lãi suất cho vay bị đẩy lên quá cao, kéo lãi suất huy động lên theo gây nhiều áp lực lên lạm phát. “Nên có trần khống chế đối với lãi suất thỏa thuận, kiều dao động +/-% như kiểm soát với tỷ giá”, ông Vũ Văn Hoá, chuyên gia kinh tế gợi ý.
( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn )
Bài thuộc chuyên đề: Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam ?
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com