Khi giá dầu vẫn tăng không ngừng nghỉ, nỗi lo suy thoái kép tưởng như đã được loại bỏ nay lại có dấu hiệu trở lại.
Cuối tuần qua, giá dầu thô ngọt nhẹ đã có lúc tăng vượt 112,48 USD/thùng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi đồng đô la Mỹ tiếp tục mất giá. Giá dầu đã bước vào ngưỡng không ổn định và giá cả gần đây cho thấy các chỉ báo về giai đoạn đầu của bong bóng giá dầu.
Công ty tư vấn đầu tư CheckRisk cảnh báo rằng, việc giá dầu tăng có thể làm kinh tế toàn cầu mất 3% tăng trưởng trong năm nay và khiến những nước như Ireland và Hy Lạp chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế.
CheckRisk có đưa ra 4 kịch bản cho giá dầu trong năm 2011 với xác suất cao nhất là 135 USD/thùng và khả năng cao tiếp theo là 150 USD/thùng. Với viễn cảnh này, 2-3% tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ “biến mất” với nhiều vấn đề và hiệu ứng phụ khác.
“Các hiệu ứng phụ sẽ ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế châu Âu vốn nợ nhiều khi nhu cầu sẽ giảm mạnh và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Thị trường nhà đất ở Anh sẽ chịu nhiều sức ép khi lạm phát đình đốn (stagflation) xảy ra”, CheckRisk nhận định.
CheckRisk cũng chỉ ra rằng, hệ thống ngân hàng ở châu Âu sẽ chịu thêm nhiều sức ép mới và cảnh báo nợ Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland sẽ rõ ràng hơn nếu viễn cảnh giá dầu trên là hiện thực. Điều này là không chủ quan khi các cú sốc giá dầu là không thể dự báo do kinh tế toàn cầu còn bất ổn.
“Bất ổn tiếp tục ở Trung Đông, rủi ro thay đổi chính phủ và nội chiến kéo dài ở Libya sẽ đẩy giá dầu cao hơn và chắc chắn hướng kinh tế thế giới vào suy thoái kép”, CheckRisk nói.
Theo CheckRisk, giá dầu tăng ổn định 10 USD/thùng trong 3 tháng, kinh tế toàn cầu sẽ mất 0,5% và lạm phát tăng 1%. Tại mức giá 108 USD/thùng, kinh tế toàn cầu đã mất 1% (tăng trưởng chậm lại trong năm 2011). Nếu giá dầu ở quanh 115-120 USD/thùng, cầu sẽ giảm mạnh, kéo theo sản xuất giảm.
Nếu giá dầu duy trì ở mức hiện tại trong vòng vài tuần, các nền kinh tế yếu như Anh có thể suy thoái trở lại, kinh tế Mỹ và nước tiêu thụ nhiều dầu thô như Trung Quốc sẽ chậm lại nhanh hơn.
Đầu tuần trước, các bộ trưởng khối OPEC đã cảnh báo giá dầu cao sẽ tạo sức ép lên người tiêu dùng. Trước đó một ngày, Bộ trưởng dầu mỏ Ả Rập Xê út cho biết, có thể cắt giảm sản lượng khai thác do nhu cầu giảm.
Nobuo Tanaka, Giám đốc điều hành Tổ chức Năng lượng thế giới (IEA), nói rằng, nếu giá đầu tiếp tục đứng cao như hiện nay, nó có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế tương tự như năm 2008. “Chúng tôi đang nhìn thấy vài chỉ báo về suy giảm cầu và đó là lời cảnh báo”, Tanaka nói.
Bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi đã “ủng hộ” xu hướng giá dầu tăng. Mối quan hệ giữa Ả rập Xê út và Iran, hai nước sản xuất dầu lớn nhất OPEC, cũng đã rất căng thẳng bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bahrain, khiến Iran mếch lòng khi Ả rập Xê út đem quân tới.
Nouriel Roubini, giáo sư kinh tế và kinh doanh quốc tế tại Trường đại học New York, nói rằng, bất chấp việc kinh tế toàn cầu đang hồi phục, giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng sẽ có ảnh hưởng rất xấu và ảnh hưởng có thể lớn như đã từng xảy ra khi giá dầu đạt 147 USD/thùng năm 2008.
Hơn thế nữa, giá dầu cao có thể là chất xúc tác cho một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn cuộc khủng hoảng mà chúng ta đã chứng kiến trong giai đoạn 2007-2010.
Nhà đầu tư Jim Rodgers cũng nói rằng, giá dầu có thể tiến lên ngưỡng 150 USD/thùng, thậm chí 200 USD/thùng và những phức tạp, phiền toái kinh tế sẽ xảy ra.
“Sự thực là dầu chính là máu của nền kinh tế. Không có dầu, không gì hoạt động và kinh tế sẽ đình trệ. Giá dầu tăng sẽ gây sức ép lên lạm phát cho xã hội và khi giá dầu giảm, toàn bộ trò chơi sẽ thay đổi”, Rodgers nói.
Thực khó dự báo mức giá dầu như thế nào sẽ được coi là mức nguy hiểm đối với nền kinh tế toàn cầu. Nariman Behravesh, Kinh tế trưởng tại IHS Global Insight, nói rằng, phải tới ngưỡng 150 USD/thùng, ngưỡng mà sau khi để cho các nước xuất khẩu dầu thô “kiếm đủ”, thì “tai họa” kinh tế mới xảy ra.
“Sự nguy hiểm chính là khi giá tiếp tục tăng, sự chậm lại của tăng trưởng sẽ nghiêm trọng hơn và có thể dẫn tới suy thoái nhanh hơn”, Richard Batty, nhà phân tích tại Standard Life Investments, nói.
Thời gian sẽ trả lời liệu giá dầu cao có phải là nguyên nhân chính gây ra suy thoái kinh tế hay không nhưng các cú sốc giá dầu thập niên 1970 và đầu 1980 (vốn đã gây ra suy thoái kinh tế trầm trọng) là một biến cố lịch sử mà chúng ta phải thừa nhận là bất cứ sự tăng giá dầu nào là không tốt cho tăng trưởng và ngược lại, giảm là tốt cho tăng trưởng.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com