Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc tăng lãi suất cơ bản: Bài học nào cho Việt Nam?

Việc Trung Quốc thực thi 2 quyết định quan trọng liên tiếp trong 2 ngày (6 và 7/4) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài khu vực bởi nó không những liên quan trực tiếp tới đồng tiền bát gạo của từng công dân quốc gia hơn 1,34 tỷ người, mà còn ảnh hưởng nhất định tới những nước hữu quan.

Từ tăng lãi suất

Theo quyết định ký ngày 6/4, kể từ 7/4, giá xăng bán lẻ tăng thêm 500 NDT/tấn, tương đương 76 USD/tấn, tức 1,05 USD/lít, giá dầu diesel tăng thêm 400 NDT/tấn, tương đương 60,8 USD/tấn. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2011 Trung Quốc tăng giá xăng và là lần thứ năm kể từ đầu năm 2010. Giải thích về việc này, cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết, đợt tăng giá xăng là do giá dầu thế giới đã tăng cao trong một thời gian khá dài bởi những cuộc bạo loạn tại Trung Đông và Bắc Phi.

Và để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định bù giá xăng cho người dân khi sử dụng các phương tiện công cộng. Trước đó (tối 5/4), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo, kể 6/4, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm sẽ tăng thêm 0,25% lên 3,25%, còn lãi suất cho vay một năm tăng 0,25% lên 6,31%. Đây là lần thứ hai PBOC tăng lãi suất kể từ đầu năm 2011 và lần thứ tư kể từ năm 2010 đến nay.

Quyết định tăng lãi suất được đưa ra trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI - chỉ số chính đo tỷ lệ lạm phát) của Trung Quốc trong tháng 2 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2010 và vượt mức trần quy định của cả năm do chính phủ đề ra (4%). Nhiều người nhận định, mục đích của việc này nhằm giảm thiểu tín dụng ngân hàng, kiềm chế lạm phát, đồng thời làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cách đây gần 1 tháng (9/2), lãi suất cho vay kỳ hạn một năm tăng từ 5,81% lên 6,06%, còn lãi suất tiền gửi thời hạn một năm tăng từ 2,75% lên 3%. Khi đưa ra quyết định này, PBOC cho biết, đây là biện pháp nhằm đối phó với tình trạng lạm phát không ngừng gia tăng và điều này cũng đồng nghĩa với việc bắt đầu một chu kỳ thắt chặt tiền tệ mới.

Ngoài việc thắt chặt chính sách tiền tệ, Trung Quốc cũng áp dụng một loạt biện pháp nhằm hạ nhiệt giá nhà vốn đang liên tục leo thang ở nước này. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, khi báo cáo về chỉ số lạm phát tháng 1/2011, người ta đã thấy sự bất ổn bởi CPI tăng mạnh nhất trong 30 tháng qua. Giá thực phẩm trong tháng 1/2011 đã tăng 4,3% so với tháng 12/2010, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 2/2008 đến nay. Theo thống kê công bố hôm 11/12/2010 cho thấy, CPI tháng 11 của Trung Quốc đã tăng 5,1%, cao nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây và là mức tăng vượt dự báo của hầu hết các chuyên gia. CPI năm 2010 của Trung Quốc cũng tăng 3,3%, vượt mục tiêu 3%.

Ngày 19/10/2010, Trung Quốc đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 3 năm (kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu) nhằm hạn chế thanh khoản đã gây lạm phát cũng như khiến giá bất động sản tăng cao. Đến 25/12/2010, Trung Quốc tăng lãi suất lần thứ hai và đến ngày 8/2/2011 tăng lần thứ ba. Gần 4 năm trước (21/7/2007), PBOC đã quyết định tăng lãi suất tiền gửi và tiền vay cũng nhằm ổn định giá, giảm nguy cơ lạm phát cho dù trước đó (tháng 3 và tháng 5/2007) cũng có điều chỉnh nhẹ đối với tăng lãi suất.

Theo giới phân tích, tình trạng dư thừa tiền mặt trong nền kinh tế Trung Quốc (một phần xuất phát từ thặng dư thương mại khổng lồ) là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự leo thang giá cả của quốc gia hơn 1,34 tỷ dân. Lạm phát gia tăng khiến PBOC phải nâng lãi suất và ngay lập tức việc này đã tác động tới thị trường hàng hóa của Trung Quốc cũng như những quốc gia hữu quan.

Một số nhà kinh tế nhận định, lần tăng lãi suất hôm 6/4 cho thấy, Chính phủ Trung Quốc tự tin trước chiều hướng tăng trưởng cơ bản của nền kinh tế. Giới kinh tế đang có những nhận định khác nhau xung quanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc: đang chậm lại hay chính phủ đang áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn nền kinh tế phát triển quá nóng.

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2010 đạt 10,3% và chính phủ nước này muốn giảm tốc với mong muốn tăng trưởng cân bằng và lâu dài. Cách đây khoảng nửa tháng (23-3), Phó Thống đốc PBOC từng tuyên bố, nước này đang phải đối mặt với áp lực lạm phát mạnh, nhưng sẽ có bước đi thận trọng trong việc tăng lãi suất. Phó Thống đốc PBOC cũng cho rằng, nếu lãi suất được tăng quá cao sẽ thu hút dòng vốn nóng chảy vào đất nước. Giới chuyên môn quan ngại về sự gia tăng của dòng vốn đầu cơ bắt nguồn từ chênh lệch lãi suất ở mức lớn bên cạnh kỳ vọng vào giá trị của đồng NDT, có thể làm phức tạp những nỗ lực đối phó với lạm phát của Trung Quốc.

Được biết, đồng NDT đã tăng giá khoảng 4% so với đồng USD hồi tháng 6/2010, nhưng mới tăng 0,5% trong năm nay. Giới kinh tế nhận định, hiện là thời điểm thích hợp để Trung Quốc tăng giá đồng NDT nhanh hơn vì nền kinh tế nước này đã tăng trưởng vững chắc trong khi nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một số nhà kinh tế cho rằng, tốc độ tăng tỷ giá đồng NDT so với đồng USD phụ thuộc vào tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc.

Một động thái của PBOC cũng khiến giới chuyên môn quan tâm khi cho phép đồng NDT giao dịch rộng hơn với các loại tiền tệ khác ngoài những loại tiền tệ đã có trong "giỏ tiền tệ" của nước này kể từ ngày 8/4. NDT hiện được phép giao dịch với 7 loại tiền tệ chính là USD, euro, yên Nhật, đôla Hongkong, bảng Anh, ringgit Malaysia và rub Nga.

Đến những cảnh báo

Giới chuyên môn tuy theo dõi rất sát vấn đề này, nhưng vẫn bị bất ngờ về thời điểm cũng như khả năng bảo mật của quyết định tăng lãi suất. Tuy nhiên, dư luận chung đều cho rằng, việc tăng lãi suất cơ bản tiền gửi và tiền vay của PBOC nhằm ứng phó trước sức ép vật giá có thể lại đạt mức cao kỷ lục và lãi suất âm gia tăng. Giới kinh tế đang tính tới những ảnh hưởng cũng như các tác động (cả tích cực lẫn tiêu cực) của việc tăng liên tục lãi suất thời gian gần đây.

Theo đó, việc tăng lãi suất liên tục tạo điều kiện làm dịu tình hình lãi suất âm đối với người gửi tiết kiệm ở Trung Quốc, cũng như nâng giá thành huy động vốn của các doanh nghiệp cũng như sức ép trả tiền của người mua nhà. Giới chuyên môn cho rằng, việc ổn định vật giá là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác năm nay của Chính phủ Trung Quốc bởi dự kiến chỉ số vật giá rất có thể lại đạt mức cao kỷ lục, đột phá 6% vào tháng 5 hoặc tháng 6. Dự kiến, tỷ lệ lạm phát trong tháng 6 hoặc tháng 7 sẽ đạt đỉnh. Một số nhà kinh tế nhận định, các biện pháp kích thích kinh tế mà chính phủ áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính đã gây dư thừa tín dụng ngân hàng và đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát hiện nay.

Giới kinh tế cho rằng, chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng giá nhiều mặt hàng với khối lượng giao dịch lớn trên thị trường quốc tế đã không ngừng leo thang khiến giá thành lao động gia tăng, giá nông sản cũng tăng theo tạo nên sức ép lạm phát ở Trung Quốc ngày càng lớn. Tình hình này khiến PBOC buộc phải tăng lãi suất cơ bản tiền gửi và tiền vay. Nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, dấu hiệu lạm phát toàn cầu đang hiện rõ qua những tuyên bố mới đây của các quan chức cấp cao thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh… điều này đồng nghĩa với việc phải tăng lãi suất tại nhiều quốc gia. Và Trung Quốc cũng sẽ không nằm ngoài ảnh hưởng này: PBOC có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai.

Nhưng điều đáng nói là tuy PBOC tiếp tục nâng lãi suất, nhưng lợi nhuận từ các khoản cho vay của ngân hàng sau khi điều chỉnh tỷ lệ lạm phát vẫn có giá trị âm. Trong khi nhiều quốc gia lo lắng, giá cả leo thang sẽ gây mất kiểm soát và phá hủy sự ổn định xã hội thì Trung Quốc vẫn khẳng định, việc kiềm chế lạm phát là trọng điểm công tác trong năm 2011.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vừa khẳng định, lạm phát giống như một con hổ, nếu thả nó ra sẽ rất khó bắt lại. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã và đang đưa ra những biện pháp để hạn chế giá tiêu dùng tiếp tục gia tăng khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc bị chững lại. Nhiều chuyên gia cho rằng, tuy việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể hãm phanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không giảm tốc mạnh - sẽ tăng 9,3% trong năm 2011, giảm 1% so với mức tăng 10,3% trong năm 2010.

Tại những phiên họp Quốc hội (diễn ra trong tháng 3), Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định, kế hoạch 5 năm tới của Chính phủ Trung Quốc chủ yếu tập trung vào 2 ưu tiên: đó là duy trì sự ổn định giá cả, tăng cường chi tiêu và thúc đẩy tiêu dùng. Với trọng tâm kiềm chế lạm phát nên cần phải tăng lãi suất sớm để sớm ổn định tình hình. Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Capital Economics, ông Mark Williams cho rằng, thời điểm tăng lãi suất đã gây ngạc nhiên với các quan chức cao cấp thời gian gần đây, nhưng tốc độ nâng lãi suất không hoàn toàn bất ngờ.

Các chuyên gia của Goldman Sachs dự đoán, Trung Quốc sẽ duy trì chính sách thắt chặt rộng rãi trong nửa đầu năm nay, khi chỉ số CPI của nước này có thể sẽ tăng cao. Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính lại nhận định, vấn đề lớn nhất của Trung Quốc hiện nay không phải là lạm phát, mà là tái cơ cấu nền kinh tế để tăng trưởng bền vững và phát triển cân bằng hơn. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, tuy đã soán ngôi Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 10% trong vòng 3 thập kỷ (tốc độ chưa từng có trong lịch sử), nhưng thời kỳ tăng trưởng mạnh của Trung Quốc có thể sẽ kết thúc bởi nước này đang đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh sau khi ngân hàng thắt chặt thanh khoản.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa quyết định nâng lãi suất từ 1% lên 1,25% và đây là lần đầu tiên kể từ tháng 7/2008, ECB nâng lãi suất nhằm ngăn chặn đà leo thang mạnh của lạm phát. Giới kinh tế nhận định, tình hình kinh tế thế giới trong năm 2011 đang có những dấu hiệu giống với thời điểm 2008 trước khi Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ, mở ra thời kỳ leo thang của khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn cầu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang phát đi thông điệp: lạm phát, chứ không phải vấn đề nợ công là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế châu Âu. ECB khẳng định, đối phó với lạm phát là rất quan trọng để ngăn tình trạng vật giá leo thang theo hình xoắn ốc.

Dư luận cũng khá quan tâm tới thông báo của Hội đồng vàng thế giới (WGC) bởi riêng trong 2 tháng đầu năm 2011, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua 200 tấn vàng và đây được coi là một trong những cách hữu hiệu để tránh lạm phát.

Sở dĩ nói như vậy vì theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, trong năm 2010, nước này chỉ nhập hơn 300 tấn vàng. Theo thống kê của WGC, trong 10 năm trở lại đây, thị trường vàng ở Trung Quốc khá sôi nổi và riêng trong năm 2010, giao dịch đạt 580 tấn, gấp gần 3 lần so với năm 2001. WGC cho rằng, nhu cầu vàng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2011 chứng tỏ nhiều nhà đầu tư hạn chế đổ tiền vào bất động sản hay thị trường xe hơi, chuyển hướng sang vàng.

Ngày 19/10/2010, Trung Quốc tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 3 năm (kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu) nhằm hạn chế thanh khoản đã gây lạm phát cũng như khiến giá bất động sản tăng cao. Đến ngày 25/12/2010, Trung Quốc tăng lãi suất lần thứ hai và ngày 8/2/2011 tăng lần thứ ba. Gần 4 năm trước (21/7/2007), PBOC đã quyết định tăng lãi suất tiền gửi và tiền vay cũng nhằm ổn định giá, giảm nguy cơ lạm phát cho dù trước đó (tháng 3 và tháng 5/2007) cũng có điều chỉnh nhẹ đối với tăng lãi suất. Ngày 9/2/2011, lãi suất cho vay kỳ hạn một năm tăng từ 5,81% lên 6,06%, còn lãi suất tiền gửi thời hạn một năm tăng từ 2,75% lên 3%. Và ngày 5/4/2011, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm tăng 0,25% lên 3,25%, còn lãi suất cho vay một năm tăng 0,25% lên 6,31%.

(Báo Công an nhân dân điện tử)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Lỗ hổng lớn trong cho thuê tài chính
  • Doanh nghiệp FDI với những lỗ hổng (Kỳ 1)
  • Lãi vay rủ nhau lên… giời
  • ‘Méo mặt’ vì bó tay với vốn
  • Thẻ tín dụng lao đao vì lãi suất
  • BĐS sinh thái vùng ven: Sức hút ngày càng mạnh
  • Thẻ thanh toán quốc tế: Tiện nhưng... không lợi
  • Thị trường ngoại tệ chuyển biến tích cực
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!