Ttheo thống kê của VCCI, năm 2011 cả nước có hơn 79.000 DN giải thể và ba tháng đầu năm 2012, hơn 12.000 DN giải thể. Nhưng không ai có thể đưa ra một con số rõ ràng, hoặc đưa ra dự đoán ước tính là đã có bao nhiều phần trăm trong số các DN ngừng hoạt động, giải thể, có thể được giải cứu nếu có cơ may bán được nợ, tái cơ cấu tài chính và tiếp tục vận hành trở lại.
Nhìn lại quá khứ
Khi gặp nguy nan, nhiều DN đã chọn phương đệ đơn, trình lên các cấp cơ quan có thẩm quyền cao nhất, với một kỳ vọng DN mình sẽ được chú ý, quan tâm, được “lọt” vào “mắt xanh” của một tổ chức NHTM, định chế tài chính nào đó, để được hỗ trợ giải quyết tín dụng, nợ nần, bán nợ và có thể cơ cấu lại DN.
Trong quá khứ, cũng đã có nhiều trường hợp nhờ hoạt động MBN, mà các khoản nợ xấu của DN đã được giải quyết dứt điểm, thậm chí có những trường hợp sau khi được giải cứu, DN đã ăn nên làm ra và ngày càng tấn tới. Trường hợp của Minh Phụng - Epco trong vụ án năm 1997 với khoản nợ NH Công thương VN (Vietinbank) lên tới 11.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của NH này lúc đó chỉ có 1.000 tỉ đồng và gần như bên bờ vực phá sản, nhưng sau đó đã được Vietinbank “xoay xở” và xử lý thành công, dù thời gian xử lý các tài sản thế chấp kéo rất dài, là một ví dụ cho thấy sở hữu năng lực quản trị tốt, có nghiệp vụ xử lý nợ xấu, các NH sẽ có một tài sản vô giá để xử lý nợ xấu tồn đọng có hiệu quả, để giúp DN nhưng cũng là giúp chính mình.
Một trường hợp khác, kế sau thời điểm vụ án Minh Phụng vừa bung ra gây chấn động nền kinh tế, là trường hợp Cty TNHH May - Xây dựng Huy Hoàng do doanh nhân Lê Văn Kiểm làm giám đốc lâm vào cảnh vay nợ NH do giá bất động xuống thấp, lại khó bán, lĩnh vực dệt may cũng rơi vào tình trạng hàng hoá tồn kho vào năm 1998. Do nợ đọng, hàng tháng Cty phải chi lương cho hàng ngàn nhân công, nên khoản nợ tồn đọng ngày càng tăng lên. Sau 2 năm cố gắng duy trì, doanh nhân Lê Văn Kiểm đã quyết định trình bày những khó khăn của Cty và đề xuất cách giải quyết lên lãnh đạo các cấp có thẩm quyền, xin được giúp đỡ, khắc phục. Không chỉ riêng Huy Hoàng với tính mạng của một DN có liên quan đến hơn 2.000 nhân công lao động, trước khó khăn chung của các DN lúc đó, Bộ Chính trị đã quyết định duyệt phương án của Chính phủ và NHNN cho phép các DN có tài sản thế chấp, đủ đảm bảo với số nợ vay được phép giãn nợ trong 3 năm để có thời gian củng cố lại sản xuất, khôi phục hoạt động, đồng thời giải quyết công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Tận dụng hết mọi nguồn lực sẵn có từ chính sách giãn nợ, sau 3 năm nỗ lực, Huy Hoàng đã trả hết nợ gốc và lãi cho NH, tránh thất thoát cho Nhà nước hơn 500 tỉ đồng. Qua chặng khó khăn, làm ăn bài bản trở lại, Huy Hoàng nhanh chóng lấy lại uy danh của một thương hiệu sáng chói trong những năm cuối của thập niên 90 - thế kỷ XX. Ngày nay, dù đã đứng đầu CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành – chủ đầu tư một trong những sân golf đẹp nhất Đông Nam Á, DN Lê Văn Kiểm vẫn không quên những ngày “nợ đọng” xưa cũ. Ông vẫn thường nói với báo chí là nếu không có chính sách giãn nợ của Chính phủ năm xưa, nếu lúc đó bị phá sản hoặc các quan hệ kinh tế bị hình sự hoá, thì có lẽ ông đã không còn đủ sức để tiếp tục đam mê kinh doanh, đẩy mạnh làm kinh tế và trở thành Anh hùng lao động được như hôm nay…
Vấn đề không chỉ là tiền...
Như vậy, lý do khó tăng trưởng vốn điều lệ để kinh doanh của các Cty MBN mới chỉ là một vế. Nội tại tài chính, hoạt động sản và bản chất nợ của các DN đang có nhu cầu giải quyết nợ xấu, lại là một vế khác. Không dễ khớp hai vế này lại với nhau khi ngoài hành lang pháp lý cho thị trường MBN vẫn chưa thực sự thông thoáng, sân “MBN” hiện vẫn chỉ là nới của các định chế tài chính trong nước “đá với nhau”, các dịch vụ kèm theo việc MBN như tư vấn, hỗ trợ tài chính, làm sạch tài sản để bán… cũng chưa phát triển. Và quan trọng nhất, với tỉ lệ nợ xấu chưa thực sự được làm rõ trong hệ thống NH VN hiện tại, với tài sản thế chấp có giá trị nhất và đa phần vẫn là bất động sản, trong bối cảnh thị trường bất động sản lại chưa thực sự tan băng, sẽ là những rào cản để hoạt động MBN của các tổ chức có nhu cầu và chức năng, bị hạn chế.
Giải pháp thiết thực nào “cứu” DN ?
MBN không dành cho đại trà, vậy, có giải pháp nào tốt hơn để cứu các DN “không đáng bị chết” lúc này?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề xuất, nên thành lập ngay một Quỹ mua nợ xấu DN. Giải thích thêm với DĐDN, ông nói: Trong tình trạng nguy ngập, phá sản, đình trệ sản xuất của DN hiện nay, cần có một Quỹ mua nợ xấu DN mua nợ những DN có thị trường, có công nghệ tiên tiến, có hoạt động sản xuất kinh doanh quy mô lớn, sử dụng nhiều nhân công lao động.., qua đó giúp DN tiếp cận được vốn NH, trở lại hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Khi hồi phục và tăng trưởng tốt, DN có thể niêm yết cổ phần trên TTCK, Nhà nước có thể bán cổ phiếu và thu hồi vốn đã mua nợ”. Như vậy, một Quỹ mua nợ xấu DN phải được sự hỗ trợ vốn từ phía nhà nước, và có lẽ cũng chỉ có nhà nước mới có thể hỗ trợ được DN lúc này.
Ông Cao Tiến Vị - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Giấy Sài Gòn đồng thuận với quan điểm này. Theo ông, một Quỹ mua nợ xấu DN lúc này, chính là sự phát sinh từ cung – cầu của thị trường. Hiện nay, cung cho thị trường MBN đã có. Nhu cầu của DN đã sẵn sàng. Nhưng lực mua vẫn phải trông đợi vào sự chia sẻ, bảo trợ DN của nhà nước. Điều này là thuận theo nguyên lý tự nhiên! “Nhưng cần lưu ý rằng khi hình thành, Quỹ phải được sự hỗ trợ của các cơ chế, đảm bảo tính thanh khoản, và sự thống nhất, đồng bộ với việc hoàn thiện hoặc điều chỉnh các Luật có liên quan như Luật phá sản, pháp luật định giá… Điều DN quan tâm nhất hiện nay là có người mua nợ xấu. Điều thứ hai là họ quan tâm việc định giá DN như thế nào để phù hợp cho nhu cầu các bên. Đã và đang có nhiều DN và NH vẫn xúc tiến thoả thuận MBN, nhưng không công bố, cũng đang có nhiều DN chuyển nợ cho các DN có tiềm lực tài chính mạnh hơn, nhưng một sự thoả thuận và định giá hợp lý, không “ép” DN đang vướng nợ là điều không dễ đạt tới” - ông Vị nói.
Trong khi một Quỹ mua nợ xấu DN chưa thể lập tức hình thành, nguồn vốn nào để bổ sung và tài trợ cho Quỹ này cũng chưa thực sự được các chuyên gia hiến kế rõ ràng, có lẽ sẽ còn nhiều DN phải mòn mỏi chờ cơ hội bán nợ, như số phận của nhiều DN bất động sản đã và đang dài cổ chờ một Quỹ mua nợ xấu BĐS, theo đề xuất từ năm 2008, sớm được ra đời.
“ Một cây làm chẳng nên non... ” Trao đổi qua điện thoại với phóng viên DĐDN, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương TS Lê Đăng Doanh đã nhận định: “Với năng lực tài chính hiện có, một DN như DATC không thể nào thực thi được trọng trách hỗ trợ, giải cứu các DN VN! DATC chỉ có thể giải cứu được một vài DN, theo một số mục tiêu, chỉ đích mà Bộ Tài chính đặt ra, nhưng chắc chắn sẽ phải bỏ qua khá nhiều DN vẫn còn có tiềm năng hồi sinh, có thể lấy lại cơ hội làm ăn lành mạnh, nếu họ được cứu trong cơn nguy khốn lúc này” - TS Doanh nói. Trên thực tế, không chỉ DATC mà nhiều Cty xử lý và MBN của các NHTM (AMC), hay của một số CTCP Quản lý Quỹ hiện nay, cũng đều có năng lực tài chính khá khiêm tốn. Hoạt động của các Cty này khá giống nhau, chủ yếu chuyên mua nợ và tài sản tồn đọng DN, xử lý nợ và tài sản khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi DN nhà nước, hay mua lại các khoản nợ xấu từ các NHTM, NHNN, từ các chủ nợ, DN và cơ cấu lại bán cho thị trường. Tuy nhiên, nếu như DATC chỉ với số điều lệ hạn chế hơn 2.000 tỉ đồng và hoạt động lâu nay vẫn chủ yếu là MBN một số NHTM trong lần tái cơ cấu thứ nhất giai đoạn 2001-2004, thì các AMC ngoài MBN, còn có một số nghiệp vụ repo tài sản như là hoạt động tín dụng, nhưng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, thì hoạt động MBN của AMC dành cho NHTM như vậy cũng là rất hạn chế, trong khi đó ở VN quy mô nợ xấu của các NHTM lại rất lớn. |
Lê Mỹ // DDDN
---------------------------------------
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2012, đã có nhiều tổ chức mua bán nợ của các NHTMCP xúc tiến giao dịch bán nợ để giải quyết nợ xấu của các DN, chủ yếu là giúp DN bán nợ thoát khỏi những khoản nợ vay không thể trả và cũng là giúp NH hạn chế tỉ lệ nợ xấu, trong bối cảnh DN không còn khả năng vay nợ NH hoặc đảo nợ từ NH để tạm ổn định dòng tiền.
Từ hai hiện tượng
Tuy nhiên, thông tin được dư luận quan tâm nhất hiện nay vẫn là hai giao dịch xúc tiến mua bán nợ thời gian gần đây, một của CTCP Thuỷ sản Bình An (Binhanfishco) và một của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ (Vinashin).
Với các khoản nợ của Bianfishco, việc Cty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của DN (DATC) thuộc Bộ Tài chính đưa ra dự tính mua nợ, căn cứ trên đối chiếu nợ của DN mà xây dựng các phương án mua nợ để cứu Cty xuất phát từ quan điểm “không để bà con nhân dân bị thiệt”, được dư luận khá đồng tình, ủng hộ. Có thể thấy trong cái rủi của Bianfishco vẫn còn có cái may. May nhất của DN chính là nợ nông dân - những người đã yêu cầu DN phải mở thủ tục phá sản để thanh toán nợ tồn đọng – nhưng cũng là những đối tượng đang được hỗ trợ từ phía Chính phủ để đảm bảo đời sống, an sinh xã hội nhiều nhất.
Với các khoản nợ của Vinashin, thì ngay từ cuối năm 2011, những khoản nợ của tập đoàn đã được các chủ nợ trong nước và quốc tế đặt lên bàn thương lượng. Trước mắt, dù đã đi vào tái cấu trúc nhưng tập đoàn này cũng chưa thể đưa ra các phương án trả nợ, nhất là những khoản nợ quốc tế không dễ khất “đến hẹn lại lên” ngày trả vốn lẫn lãi. Biện pháp hay nhất có thể giúp Vinashin tránh được áp lực kiện tụng, giúp các chủ nợ thu hồi được nợ, là ráp nối cùng bên thứ 3 – bên mua nợ của tập đoàn, với giá hợp lý, được chủ nợ chấp nhận. Mới đây, một tờ báo đã đưa tin một tập đoàn trong nước đã đạt được thoả thuận mua nợ của Vinashin, với hình thức trả tiền mặt tương đương mức giá mà một NHTM trong nước đã đưa ra, nhưng có thêm nhiều phương thức trả nợ qua các công cụ tài chính, với những kỳ hạn linh hoạt.
Một nguồn tin riêng của DĐDN tiết lộ, tập đoàn mua nợ của Vinashin không chỉ là một tập đoàn đa ngành, có tiềm lực tài chính, quản trị tốt, tăng trưởng và lợi nhuận ổn định mà còn là một tập đoàn tư nhân với chiến lược kinh doanh đa quốc gia, hiện đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM. Và cũng theo nguồn tin không chính thức này, tổ chức tư vấn, “ráp nối” cho thương vụ giao dịch mua nợ trên, là một Cty chứng khoán có hội sở tại TP HCM, cũng là đơn vị đã thực hiện nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập DN, đồng thời chuyên tư vấn, cung ứng các dịch vụ tài chính DN cho tập đoàn kể trên. Nếu nguồn tin này là xác thực thì đây là một thương vụ ngoạn mục, không chỉ giúp Vinashin thoát khỏi một vụ tranh tụng tại toà án London, mà còn góp phần lấy lại chỉ số tín nhiệm nợ của DN VN, trong khi tổ chức mua nợ lại không phải “người của nhà nước”.
Không chỉ là may mắn
Vấn đề là không phải DN nào cũng được may mắn như Bianfishco hay Vinashin. Cũng đã có dư luận cho rằng có một sự “bất bình đẳng” giữa việc chọn Bình An, thay cho chọn DN A, B, C… nào đó để cứu. Khi người dân, và cả giới chủ DN đặt dấu hỏi về sự lựa chọn giải cứu Bình An, thay cho việc giải cứu hàng ngàn DN khác cũng đang trên đường đi tới phá sản, thì đương nhiên trách nhiệm đặt lên vai DATC càng nặng. Làm thế nào để chứng minh được DATC không chỉ phục vụ mục đích giải cứu DN, góp phần ổn định công việc làm cho một lực lượng lớn người lao động, mà còn không lấy tiền vốn nhà nước – thuế của nhân dân – để “giải cứu” DN tư nhân chỉ theo chỉ định của Nhà nước, không quan tâm đến việc thất thoát nguồn vốn, làm mất vốn, là yêu cầu không nhỏ đối với DATC lúc này; mặc dù trong lịch sử 8 năm hoạt động, DATC đã mua được gần 7.000 tỉ đồng nợ tồn đọng, trong đó hơn 90% là nợ được mua từ các NHTM nhà nước và khoảng 92% được mua từ năm 2007 đến nay gắn với tái cơ cấu DN khách nợ.
Nhưng cũng cần phải thấy rằng mọi sự không chỉ là may mắn. Bình An là một DN xuất khẩu thuỷ hải sản lớn của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bình An có cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ tiên tiến, nhân công lao động thuần thục tay nghề, và đặc biệt đã xây dựng được một chuỗi cung ứng nguyên vật liệu – sản xuất – khai thác thị trường khá hoàn chỉnh. Đây vốn là khâu quan trọng nhưng cũng là điểm yếu của nhiều DN thuỷ sản VN. Không phải ngẫu nhiên mà ông Trần Văn Trí - tân Tổng giám đốc Bianfishco “mạnh miệng” cho biết DN đang xúc tiến với các nhà đầu tư quốc tế để bán Cty trả nợ (trước khi DATC xem xét mua nợ). Cách đây khoảng 3 tuần, một chuyên gia giao dịch hàng hoá trên thị trường quốc tế nói với DĐDN là ông vừa dẫn một đoàn DN nước ngoài xuống Cần Thơ khảo sát Bình An, mục tiêu vẫn là mua lại DN này để tổ chức gia công hàng thuỷ sản cho chính DN trước là nhà nhập khẩu của Bình An, có trụ sở đóng ở Mỹ. “DN nhập khẩu nước ngoài đánh giá cao tiềm năng “sống lại” của Bianfishco, vấn đề trước mắt chỉ là giải quyết nợ tồn đọng và tái cấu trúc lại tài sản, đầu tư, xây dựng lại hệ thống quản trị DN. Nhưng tiếc là việc định giá tài sản DN để đưa ra một mức giá phù hợp, thuyết phục được bên bán khớp với kỳ vọng bên mua, không hề đơn giản” - vị chuyên gia cho hay.
Rõ ràng, Bình An đang có khá nhiều cơ hội hồi sinh. Do đó, không hoàn toàn chỉ vì mục tiêu an sinh xã hội mà DATC mới “vào” với Bianfishco. DATC hẳn cũng đã nhìn thấy tiềm năng của Bianfishco sau khi cấu trúc lại, giải quyết nợ đọng, lành mạnh tài chính và có một định hướng hoạt động hợp lý hơn.
Tương tự, với tập đoàn Vinashin, mặc dù các khoản nợ là những con số khá “khổng lồ” và chưa thể trả nổi, nhưng cũng không phải tập đoàn này hoàn toàn mất phương án trả nợ. Còn nhớ trong quá trình thương thảo với Vinashin vào năm 2011, các chủ nợ cũng từng đưa phương án: hoán đổi hợp đồng cũ thành hợp đồng vay mới kỳ hạn 15 năm với lãi suất Libor cộng 1,5% một năm. Lãi suất sẽ tăng thêm 0,5% nữa từ năm thứ 11 đến năm thứ 15. Như vậy, các chủ nợ vẫn kỳ vọng Vinashin trả được nợ trong tương lai 10-15 năm tới. Vấn đề chỉ là thời gian cộng chi phí lãi và liệu Vinashin có gồng gánh được đến lúc đó? TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương phân tích: Để giải quyết số nợ tồn đọng như trong trường hợp của Vinashin đúng thời hạn là không có, nhưng việc một số tập đoàn nào đấy có khả năng thanh toán có thể mua lại nợ đó với tỉ lệ không phải là 100% mà thấp hơn rất nhiều, thí dụ như là 30 hay 40%, thì một thị trường nợ như vậy rất có lợi đối với Vinashin. Đồng thời cũng mở ra một khả năng giải quyết các nợ đó đối với các chủ nợ, mà các Cty, tập đoàn nào đó ở VN có khả năng trả nợ, thì họ có thể đứng ra làm và cũng được lợi".
Cần cơ chế hỗ trợ
Từ những hiện tượng mua nợ của Bianfishco và Vinashin, dưới góc nhìn người mua nợ, có thể thấy dù tổ chức mua nợ là DN thực hiện các mục tiêu, chỉ định của Nhà nước hay tập đoàn tư nhân, thì quy luật “ông mất chân giò bà thò chai rượu” vẫn được áp dụng triệt để. Ngay cả với DATC, DN mua bán nợ thuộc Bộ Tài Chính, cũng không đi ngược lại với những nguyên tắc kinh doanh cơ bản, không thể tuỳ ý mua đắt bán rẻ.
Nói cách khác, chỉ những DN mà bên mua nợ thấy lợi, mới có cơ may được mua nợ. Và những, DN nào mà chủ đầu tư không nhìn thấy tiềm năng sống lại, sinh lợi trong tương lai, hoặc bên mua được trả một khoản lợi nào đó từ việc mua nợ, thì khó có cơ may “gán” nợ cho người khác.
Tuy nhiên, trong số các DN đã phải giải thể, phá sản thời gian qua, có rất nhiều DN “chết oan” vì thiếu thông tin và cách thức tiếp cận những tổ chức mua bán nợ trên thị trường, để “marketing” về các tiềm năng, thế mạnh của DN, về khả năng sống lại và các kế hoạch trả nợ nếu được mua nợ và được tái cấu trúc. Bởi trên thị trường mua bán nợ VN hiện nay, ngoài DATC, chỉ có khoảng 20 tổ chức là thực hiện nghiệp vụ mua bán nợ nhưng lại chủ yếu mua bán nợ trong hệ thống tín dụng. Bên cạnh đó, theo ông Phạm Mạnh Thường - P.TGĐ DATC, hiện nay, cơ chế, chính sách về hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đồng bộ và thị trường hoạt động mua bán nợ hiện nay diễn biến rất phức tạp, khó mua bán, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến giá mua bán nợ cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Một chuyên gia chỉ ra rào cản lớn nhất khiến thị trường mua bán nợ khó hoạt động mạnh mẽ và phát huy vai trò của mình hiện nay, là NHNN đang không có quy định buộc các NHTM phải bán nợ nếu họ để tỉ lệ nợ xấu cao hoặc họ không đủ năng lực xử lý nợ xấu, do đó đa số NHTM còn e ngại trong bán nợ, nếu có chào bán nợ thì với giá cao phi thực tế. Với những DN bán được nợ thì sau đó đi vào tái cấu trúc, nếu không được bảo lãnh cũng không dễ dàng vay vốn để tái khởi động sản xuất, kinh doanh, khó trả được nợ theo đúng tiến độ khiến các tổ chức mua bán nợ càng co cụm lại. “Năm 2012, một trong những trọng tâm của tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế là tái cấu trúc DN nhà nước. Theo NHNN đến cuối tháng 9/2011, dư nợ cho vay DNNN là khoảng 416.000 tỉ đồng, tương đương 17% tổng dư nợ tín dụng, trong đó có một tỉ lệ nợ xấu không nhỏ. Ngày 17/12/2011, NHNN công bố dư nợ xấu ở mức 3,4% tổng dư nợ, quy ra khoảng 85.000 tỉ đồng. Đáng tiếc là không có sự tách bạch và công bố về nợ xấu đối với DNNN nói riêng, nhưng chắc chắn con số này cũng không hề nhỏ và nếu không có những cơ chế hỗ trợ các tổ chức mua bán nợ, hỗ trợ DATC cả về quy định, nghị định chính sách lẫn vốn liếng, thì đừng nói là các DN tư nhân, ngay cả DNNN cũng khó có thể được xử lý nợ” - vị chuyên gia nói.
Lê Mỹ // DDDN
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com