Điều rất cần cho doanh nghiệp là không phải thái độ quy thuận như trước đây, mà sắp tới họ cần phải mặc cả với ngân hàng, về từng khoản vay và cả từng điều khoản vay, với thái độ không phải của kẻ sắp chết đuối, mà là người cầm dao đằng chuôi.
Ngân hàng và chuyện nhân - quả
Vào lần hạ lãi suất này, rất nhiều khả năng luồng ý kiến cho rằng Ngân hàng nhà nước chỉ thuần túy "mị dân" là thiếu cơ sở. Không thật nhanh chóng, nhưng khá nhiều ngân hàng đang giảm dần mặt bằng của hai loại lãi suất huy động và cho vay. Tất nhiên tâm lý đánh đố vẫn bao phủ thị trường tín dụng như thời gian hai tháng 2-3/2012, nhưng không khí doanh nghiệp vào lúc này có vẻ như lạc quan hơn. Ít ra, họ cũng "cảm nhận" được ý nghĩa thực thụ của câu sấm "Trạng chết, chúa cũng băng hà".
Thực tế, nhóm ngân hàng đang vướng vào "vòng lao lý" bởi chính họ gây ra. Do đã siết thị trường tín dụng quá lâu và quá khắc nghiệt, dẫn đến cái chết thực thể cho hàng chục ngàn doanh nghiệp và hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác vẫn đang lâm vào trạng thái chết lâm sàng, lòng tham cố hữu và quá quắt của nhóm lợi ích ngân hàng đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp, hoặc đã gần như kiệt sức mà không còn tự tin để vay vốn, hoặc mất lòng tin đến độ luôn bị ám ảnh bởi cú đo ván từ phía ngân hàng - đã xảy ra và có thể sẽ xảy đến bất kỳ thời điểm nào.
Nhưng lần này, khác hẳn với giai đoạn quý 4/2011 và cũng khác nhiều với tháng 3/2012, khối ngân hàng lại tỏ ra nhiệt tình và sốt sắng hơn hẳn trong việc chủ động giảm lãi suất. Vào 2 tháng đầu của năm nay, nếu như chỉ có một số không nhiều những ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbak, và tất nhiên cả BIDV nữa, giảm nhỏ giọt lãi suất, với đương nhiên lượng vốn cung cho vay cũng nhỏ giọt theo, thì nay đã có những ngân hàng loại vừa như DongABank đã giảm lãi suất kỳ hạn 13-36 tháng chỉ còn 10%. Đồng thời, cũng có thông tin về vài ba ngân hàng khác cũng đã áp kỳ hạn gửi tiền dài hạn chỉ còn dưới 10%. Hiện tượng này nói lên cái gì?
Bài toán đặt ra với khối ngân hàng đang trở nên vừa nan giải vừa dễ hiểu. Vừa phải nhận lãnh hậu quả do chính mình gây ra, họ vừa thấm nhuần một "đạo lý" là muốn cho vay thông thoáng thì chỉ còn cách giảm lãi suất huy động, một khi NHNN không áp trần lãi suất cho vay.
Mà cơ chế áp trần lãi suất cho vay thì lại có vẻ không được NHNN chấp thuận. Phải chăng vì phương châm "điều hành tín dụng linh hoạt" nên NHNN cũng thả cho lãi suất cho vay dao động trong trạng thái "uyển chuyển"? Riêng trong giới ngân hàng, nhiều người lại thừa hiểu là tính "linh hoạt" của lãi suất cho vay mà không cần áp trần sẽ ít nhất làm cho mục tiêu điều phối và chi phối của NHNN về thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng dễ dàng hơn nhiều so với một cơ chế nào đó mang tính cố định.
Đã đến lúc mặc cả với ngân hàng
Tuy vậy, tình thế hiện thời đã khác cơ bản với thời kỳ "làm mưa làm gió" của NHNN và nhóm lợi ích ngân hàng. Điều kiện then chốt cho sự thay đổi đột ngột về tình thế như vậy không phải bắt nguồn từ lòng hảo tâm của nhóm ngân hàng khi nhìn thấy các doanh nghiệp rơi vào thế kiệt quệ, mà chính bởi khối doanh nghiệp đã thật sự bị tống vào một đường hầm tối tăm không lối thoát, để từ đó, doanh nghiệp sản xuất đã có điều kiện tốt nhất để nhận ra "gót chân Asin" của nhóm lợi ích ngân hàng.
Sẽ không thể có bất kỳ lối thoát nào cho doanh nghiệp nếu chính sách tín dụng không được nới lỏng một cách hợp lý. Nhưng giờ đây, cái tính hợp lý như vậy lại được hầu hết các doanh nghiệp nhận ra: nếu ngân hàng không mở hầu bao thì tất cả sẽ cùng chết. Sự khác biệt chỉ còn là người chết trước và kẻ chết sau. Liệu các ngân hàng sẽ cầm cự được bao lâu sau khi nhiều doanh nghiệp "chết trên đống tài sản khổng lồ"? Chỉ biết rằng đến một thời điểm nào đó, ngân hàng cũng phải quỵ ngã.
Hãy nhìn vào sự hào phóng của BIDV: đây là ngân hàng đầu tiên hạ lãi suất cho vay xuống còn 16% với bất động sản! Trước đó, chưa có một ngân hàng nào, kể cả ACB hay An Bình, dám liều lĩnh như thế. Để có thể đưa ra cơ chế cho vay khá phiêu lưu trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn còn chìm ngập trong vô vàn khó khăn, hẳn BIDV đã nhận được những sự "đảm bảo" nào đó từ ít nhất NHNN.
Mà sự đảm bảo trên, nếu đã diễn ra hoặc manh nha xuất hiện, cũng đã có cơ sở cho sự tồn tại của nó. Đó là công cuộc giải cứu BĐS đã được công bố như một "tuyên ngôn". Để về sau này, người ta có thể nhìn về tháng Tư năm nay như một mốc thời điểm đầy ấn tượng của thị trường BĐS, có thể mang ý nghĩa như một thời điểm chuyển tiếp từ tuyệt vọng sang hồi sinh có thị trường này.
Một "tuyên ngôn" bất thành văn khác cũng đã từ lâu lan truyền trên vỉa hè của giới kinh doanh: làm thế nào mà nhóm doanh nghiệp sản xuất được vay vốn nếu chính doanh nghiệp BĐS không được cứu? Còn giờ đây, hẳn nhiên là doanh nghiệp BĐS đang tràn đầy hy vọng được tiếp tục bơm vốn cho những dự án vẫn còn nguyên dang dở, và do vậy không nhiều thì ít, dòng vốn từ ngân hàng tuôn ra cũng phần nào làm giảm nhẹ hình ảnh "ruộng khô lúa cháy" mà chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã dùng để mô tả tình trạng doanh nghiệp Việt Nam vào đầu năm nay.
Trước mắt trong quý 2 năm nay, như thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã chuyển thông điệp cho nhóm ngân hàng, sẽ là thời gian giảm lãi suất và đẩy mạnh cho vay. Do vậy các doanh nghiệp sản xuất, nông nghiệp và xuất khẩu cũng nên tận dụng cơ hội này để "tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ".
Vấn đề còn lại chỉ là "rẻ" đến mức độ nào mà thôi. Mà muốn đạt đến sự hợp lý như thế, điều rất cần cho doanh nghiệp là không phải thái độ quy thuận như trước đây, mà họ cần phải mặc cả với ngân hàng, về từng khoản vay và cả từng điều khoản vay, với thái độ không phải của kẻ sắp chết đuối, mà là người cầm dao đằng chuôi.
-----------------
Tác giả: Việt Thắng // Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com