Để nợ công thực sự an toàn, tránh lặp lại những bài học đắt giá từ cuộc khủng hoảng nợ công đang đè nặng ngay cả nhiều nước phát triển nhất trên thế giới, Việt nam cần chú ý một số nguyên tắc.
Thứ nhất, chủ động tự cảnh báo," phòng bệnh hơn chữa bệnh"...
Thực tế cho thấy chiếc bẫy nợ công diễn biến nhanh và nặng nề hơn sự tính toán chủ quan của bất kỳ Chính phủ và quốc gia, tổ chức quốc tế nào, thậm chí dễ vượt qua sự định liệu và quản lý của cả chủ nợ và con nợ. Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy, ngăn chặn và phòng ngừa nợ công gia tăng từ đầu sẽ rẻ và dễ hơn khi để bùng vỡ quả bom nợ công.
Vì vậy, dù tự tin và thận trọng, muốn hay không thì cũng phải rung chuông tự cảnh cảnh báo rằng mức nợ công, nhất là nợ nước ngoài của Việt Nam đã tiếp cận giới hạn chịu đựng của nền kinh tế so với khả năng trả nợ, vì rõ rằng đã ở chấp chới dưới mức cảnh báo an toàn của WB như trên đã nêu; vấn đề càng nhậy cảm hơn trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang bao phủ toàn cầu và đe dọa nhấn chìm nền kinh tế thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng tồi tệ mới vô tiền khoáng hậu...Cần tỉnh táo thấy rõ sự thực trần trụi rằng, nếu khủng hoảng nợ công xẩy ra, Việt Nam sẽ phải "một mình vượt cạn", khó trông cậy vào sự cứu trợ "giá rẻ "hay vô tư nào từ các chủ nợ, các khối kinh tế hay tổ chức tài chính khu vực và quốc tế như chuyện của EU hiện tại....
Trong xu thế cần tiếp tục gia tăng trần nợ công, trước mắt, cần tiếp tục khai thác các nguồn vốn ưu đãi quốc tế để tăng nguồn vốn rẻ và an toàn cho Việt Nam.
Tin mừng là, trong cuộc gặp với TT.Nguyễn Tấn Dũng sáng 4/11/2011 tại Hà Nội, nhân dịp Hội nghị quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WB, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) James Adams đã khẳng định, WB tiếp tục duy trì vốn vay ưu đãi cũng như tăng hạn mức tài trợ nguồn vốn IDA cho Việt Nam trong đầu tư phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu và đề nghị Việt Nam sớm xây dựng các dự án cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu để WB tài trợ triển khai trong năm 2012...Ngoài ra, nợ nước ngoài đang có xu hướng giảm và nợ trong nước tăng, đây là xu hướng tốt để Việt Nam giảm được sự phụ thuộc vào nước ngoài, chủ động hơn trong việc vay nợ. Chính phủ cũng chỉ đạo hoàn thiện cơ chế công khai minh bạch, tăng cường công tác quản lý nợ. Hiện tình hình nợ công được cập nhật 3-6 tháng/lần trên các bản tin quản lý nợ. Bộ Tài chính đã thành lập Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, giúp cho việc quản lý tập trung thống nhất vấn đề về nợ công; đồng thời đang chủ trì xây dựng đề án xếp hạng tín nhiệm quốc gia để nâng mức xếp hạng tín nhiệm đảm bảo cho việc vay nợ của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp trong thời gian tới một cách tổng thể nhất.
Thứ ba, cần phát triển thị trường mua- bán nợ công
Trong thời gian tới, cần phát triển thị trường mua-bán nợ công có sự tham gia một số công ty mua bán nợ của Nhà nước và một số tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước. Trước mắt, cần đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và thông thoáng cho hoạt động của DATC (sửa đổi Thông tư 39/2004/TT-BTC và Thông tư 38/2006/TT-BTC có liên quan đến nội dung này), nâng cao tính chủ động trong hoạt động kinh doanh của DATC, đồng thời vẫn bảo đảm sự giám sát của chủ sở hữu. DATC cần mở rộng phạm vi hoạt động xử lý nợ đúng với tầm vóc của công ty xử lý nợ quốc gia và cần đảm bảo lợi ích của công ty khi phải thực hiện nhiệm vụ công ích, mua bán nợ theo chỉ định...
Thứ tư, đổi mới mô hình tăng trưởng, công tác kế hoạch, phân cấp, tăng cường tái cấu trúc và quản lý hiệu quả đầu tư công
Tại hội nghị ra mắt Hội đồng lý luận TW mới (tháng 10/2011), TBT Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi sự thay đổi tư duy lý luận để phù hợp với bối cảnh lịch sử mới, cũng như không để các lợi ích nhóm và cục bộ, nhiệm kỳ chi phối quá trình phát triển đất nước ...
Theo tinh thần đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, cơ chế phân cấp ngân sách, phân cấp đầu tư theo hướng tôn trọng tính năng động, trách nhiệm và sáng tạo trong tự phát triển của địa phương và sự phát triển tổng thể nền kinh tế, tăng cường hơn vai trò tổng cân đối chung của Chính phủ; Đồng thời, cùng với việc giảm thu, giảm chi, tái cơ cấu thu chi ngân sách theo hướng giảm bớt chức năng "nhà nước kinh doanh", tăng cường chức năng "nhà nước phúc lợi", giảm quy mô đầu tư và tỷ trọng đầu công tư, chuyển mạnh từ mô hình tăng trưởng "nóng", dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư và gia công sản xuất kiểu cũ sang mô hình phát triển theo chiều sâu, gắn tái cấu trúc nền kinh tế với tái cấu trúc và nâng cao kỷ luật tài khóa, nâng cao hiệu quả đầu tư công...
Trước mắt, cần thực hiện tốt Chỉ thị 1792/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số nguyên tắc và giải pháp tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Theo đó, việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ phải bám sát mục tiêu và định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của cả nước và của các ngành, các địa phương; Từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công; Tăng cường các biện pháp huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng thu hồi vốn.
Trong khi chưa sửa đổi phân cấp quản lý đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương phải tuân thủ đúng quy chế hiện hành về quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư (kể cả dự án mới và dự án điều chỉnh quyết định đầu tư). Đồng thời, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt, chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.
Những dự án được quyết định đầu tư mà không xác định rõ nguồn vốn, mức vốn thuộc ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, làm cho dự án thi công phải kéo dài, gây lãng phí thì người ký quyết định phải chịu trách nhiệm về những tổn thất do việc kéo dài này gây ra. Đặc biệt, từ năm 2012, tất cả các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao để không gây nên nợ đọng xây dựng cơ bản.
Việc bố trí vốn từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ phải được lập theo kế hoạch đầu tư 5 năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được phân khai ra kế hoạch đầu tư từng năm. Riêng kế hoạch vốn đầu tư của giai đoạn 2011 - 2015 thì lập kế hoạch đầu tư hàng năm cho năm 2011, 2012 và kế hoạch đầu tư 3 năm (2013 - 2015). Việc xây dựng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012 phải tính đến cân đối chung của cả giai đoạn 2011 - 2015.
Việc bố trí vốn NSNN năm 2012 thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau: Tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dự kiến cần phải hoàn thành năm 2012 (theo tiến độ trong quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn và khả năng thực hiện trong năm 2012) và vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án. Số vốn còn lại (nếu có) bố trí cho một số dự án đang thực hiện hoặc dự án mới nhưng phải hạn chế tối đa.
Dự án mới phải là dự án thực sự cấp bách, có quyết định đầu tư, thiết kế cơ sở, tổng dự toán được duyệt trước ngày 25/10/2011. Đối với các dự án đang được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước nhưng không bố trí được vốn kế hoạch năm 2012 sẽ phân làm 2 nhóm: Thứ nhất, nhóm các dự án có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác (như BOT, BT, PPP...); Thứ hai, nhóm các dự án không thể chuyển đổi được sang các hình thức đầu tư khác thì các Bộ, ngành, địa phương chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Trường hợp không có nguồn vốn hợp pháp khác thì phải tạm dừng thực hiện năm 2012.
Trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch năm 2012, việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện nghiêm túc chủ trương không bổ sung thêm dự án mới và theo thứ tự ưu tiên: Tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn; Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cần phải hoàn thành năm 2012; nếu còn nguồn vốn sẽ xem xét bố trí cho các dự án có khả năng hoàn thành năm 2013.
Đặc biệt, cần nhấn mạnh rằng, đã chín muồi điều kiện và đòi hỏi bức xúc về sự ra đời và thực thi hiệu lực, hiệu quả trên thực tế Một Luật đầu tư công và Luật về Nợ nước ngoài, cũng như Luật về khai thác và bảo vệ tài nguyên-môi trường, bảo vệ người hiền tài và các lợi ích quốc gia khác của Việt Nam, để góp phần phát triển bền vững đất nước, bình ổn vững chắc đời sống kinh tế -xã hội và con cháu mai sau không phải chịu cảnh "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước"...
--------------------------------
Tác giả: TS Nguyễn Minh Phong // Nguồn: Tuần Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com