Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bung trái phiếu để hút vốn

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sử dụng một phần nguồn vốn từ phát hành trái phiếu chuyển đổi để đầu tư vào lĩnh vực cao su, thủy điện… ở Lào, Campuchia. Ảnh: M.THẢO
Doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chuyển đổi.
 
Thay vì đi vay vốn ngân hàng, phát hành cổ phiếu thì nhiều doanh nghiệp, nhất là các đơn vị niêm yết trên sàn đang mạnh dạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chuyển đổi để tìm vốn.

Trái phiếu lên ngôi

Nếu các năm trước việc phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi là bài toán cân nhắc thì từ đầu năm đến nay, việc này được nhiều doanh nghiệp ưu tiên trong phương án tìm vốn. Phương thức này đang được nhiều doanh nghiệp xem là công cụ tìm vốn thay cho các hình thức huy động như vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu…

Đi tiên phong và mạnh dạn nhất là các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội. Ghi nhận trong tháng 5 này, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sức hút như Xi măng Công Thanh, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam. Công bố thông tin của Xi măng Công Thanh cho biết doanh nghiệp đã phát hành thành công 700.000 trái phiếu doanh nghiệp (mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu), tương đương tổng giá trị phát hành là 700 tỉ đồng. Việc hút vốn này là để đầu tư dự án dây chuyền nhà máy xi măng của doanh nghiệp.

Mới đây Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam cũng thông báo đã phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu (mệnh giá 1 tỉ đồng/trái phiếu) để tài trợ cho các dự án đầu tư trọng điểm và tăng quy mô vốn hoạt động của đơn vị.

Chuyện tìm vốn không chỉ dừng lại ở trái phiếu đơn thuần mà còn mở rộng khi nhiều doanh nghiệp niêm yết phát hành thêm trái phiếu chuyển đổi. Nghĩa là mua loại trái phiếu này thì đến một thời gian nhất định nhà đầu tư sẽ được doanh nghiệp hoán đổi thành cổ phiếu. Hình thức này cũng đang được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng vì có tính thanh khoản cao. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu lớn ở kênh chứng khoán đẩy mạnh phát hành như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn VinCom…

Lãi suất hấp dẫn

Theo các chuyên gia kinh tế, trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra hiện nay hấp dẫn công chúng đầu tư là ở chỗ lãi suất cao và tính thanh khoản lớn. Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, chuyên gia chứng khoán, phân tích lấy lãi suất huy động vốn trong dân của các ngân hàng thương mại hiện là 11,5%/năm thì cách tính lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp cao hơn rất nhiều.

Lãi suất trái phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam là một ví dụ. Trong năm đầu tiên, lãi suất là 14%/năm và lãi suất năm sau cũng hấp dẫn vì bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của bốn ngân hàng thương mại ở Hà Nội rồi cộng biên độ 3,4%/năm. Thậm chí lãi suất trái phiếu của Xi măng Công Thanh còn cao hơn. Như trái phiếu có kỳ hạn năm năm của đơn vị này thì lãi suất năm đầu là 15,5%/năm. Lãi suất các năm tiếp theo thả nổi và còn cộng biên độ 4%/năm. Riêng trái phiếu có kỳ hạn tám năm thì lãi suất năm đầu là 16%/năm. Như vậy nếu so sánh về lãi suất thì việc mua trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn hơn việc gửi tiết kiệm ngân hàng vì lãi hưởng chênh nhau đến 4%-5%.

Đó là trái phiếu đơn thuần, riêng trái phiếu chuyển đổi còn hấp dẫn hơn vì người mua vừa hưởng lãi suất cao vừa có thể chuyển thành cổ phiếu. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi đã tính lãi suất trả cho người mua lên hơn 10%/năm. Thậm chí một số doanh nghiệp còn ưu ái nhà đầu tư mua trái phiếu chuyển đổi bằng cách cho hoán đổi thành cổ phiếu trước thời hạn ấn định khi mà cổ phiếu đang lưu hành có giá cao. Vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã cho hoán đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu trước hạn.

Tuy các loại trái phiếu đang được nhiều doanh nghiệp bung ra để hút vốn nhưng theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần cân nhắc xem đơn vị phát hành đó như thế nào, có tiềm lực, đầu tư trọng tâm… hay không. “Vì chỉ cần đơn vị đó sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu không hợp lý, đầu tư không đúng chỗ thì đó cũng là một rủi ro lớn cho việc trả lãi, trả vốn khi đến hạn. Hoặc như trái phiếu chuyển đổi, nếu việc hoán đổi thành cổ phiếu đúng lúc thị trường đi xuống thì cổ phiếu doanh nghiệp rớt giá. Như vậy việc đầu tư sẽ không an toàn” - giám đốc một quỹ đầu tư tại TP.HCM phân tích.

(Theo Bùi Nhơn - PL)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • "Tỉ lệ nợ công của Việt Nam vẫn ở mức an toàn"
  • Tìm biện pháp thúc đẩy tiến độ các dự án ODA
  • Đồng euro yếu có lợi cho châu Âu
  • Các siêu dự án và nguy cơ nợ nần
  • Tìm biện pháp thúc đẩy tiến độ các dự án ODA
  • Giải mã vấn đề nóng chính sách tiền tệ
  • Nợ nước ngoài: Số phận những "con nghiện" không biết điểm dừng
  • Thanh toán phi tiền mặt: Ì ạch ở vạch xuất phát
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!