Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59/2006/NĐ-CP vừa được Bộ Công thương hoàn thiện lần 2, đã quy định cấm kinh doanh vàng trên tài khoản khiến giới kinh doanh kinh ngạc. Bởi lẽ, quy định cấm này được luật hóa, thể hiện sự thụt lùi trong công tác quản lý về lĩnh vực kinh doanh này.
Tháng 10/2008, ngân hàng Nhà nước đã thành lập tổ liên ngành để xây dựng dự thảo quản lý sàn vàng. Sau hơn một năm “nghiên cứu”, tổ đã cho ra… 11 dự thảo, nhưng cuối cùng đều xếp xó. Khoảng thời gian cuối cùng trong những ngày gần với thời điểm sàn vàng bị kết liễu số phận, đã có ý kiến là cho hoạt động nhưng buộc tỷ lệ ký quỹ là 100%, rồi sau đó hạ xuống 50%, 15%, 10%, rồi cuối cùng… đóng cửa!
Chỉ riêng cái việc một năm có tới 11 bản dự thảo đã cho thấy sự lúng túng đến tột độ, và việc nâng lên đặt xuống các mức tỷ lệ ký quỹ cho thấy hiểu biết về kinh doanh và cả luật của những người tham mưu này hãy còn hết sức… thô sơ. Bởi những con số này không biết lấy căn cứ vào đâu, chuẩn tính toán nào, tiêu chí khoa học nào cả! Công việc của cơ quan chức năng là quản lý sàn vàng, nhưng cách xây dựng này có vẻ lại không đi theo hướng quản lý, mà có vẻ đã “lấn sân” sang can thiệp vào hoạt động đầu tư.
Các nhà quản lý, nhà soạn luật gần như hoàn toàn không hiểu, đặc điểm của sàn vàng phải là sử dụng đòn bẩy tài chính, nếu tiêu diệt cái đòn bẩy thì sàn vàng sẽ không cấm cũng tự tan. Trên thế giới có hàng trăm sàn môi giới (brocker) về giao dịch vàng và ngoại hối, mỗi sàn đưa ra một tỷ lệ đòn bẩy khác nhau, từ 1:100 đến 1:500, mà không bị cơ quan quản lý can thiệp. Tuy nhiên để bảo vệ nhà đầu tư, Hiệp hội giao dịch tương lai (NFA, hay còn gọi là Hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư) ra quy định chỉ sử dụng đòn bẩy 1:100, sàn giao dịch môi giới nào muốn được NFA kết nạp vào làm hội viên thì phải theo tỷ lệ này. Như vậy, việc cân bằng này do các Hiệp hội và thành viên tự thảo luận với nhau chứ không phải cơ quan quản lý Nhà nước quy định, vì đây là hoạt động thuần túy kinh doanh.
Những bất ổn trên các sàn vàng, trong các giao dịch vàng tài khoản ở Việt Nam nguyên nhân do tỷ lệ đòn bẩy rất ít mà nguyên nhân chính là do chính hành động điều khiển sàn của các ông chủ sàn là nhiều, trong khi đó nhà nước lại hoàn toàn không kiểm soát được các hành động đó. Phải nói, chưa có lĩnh vực kinh doanh nào mà hỗn độn, náo loạn và đầy bất ổn, rủi ro và đầy thiệt hại như kinh doanh vàng tài khoản ở Việt Nam. Thời gian qua đã có hàng loạt vụ kiện tụng, xung đột, tranh chấp, mà kết cục là 100% hại nhà đầu tư đều thua cuộc, tiền bạc mất trắng cho sàn vàng, cũng vì không có pháp luật và không có người hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực này đứng ra bảo vệ.
Một minh họa đơn giản: Hiện cả thế giới người ta đều giao dịch với nhau chỉ một giá vàng duy nhất, trong khi ở tại Việt Nam, giá vàng của mỗi sàn mỗi khác, và do chính chủ sàn… đưa ra! Các chủ sàn vẫn cứ leo lẻo nói rằng, giá trên sàn là do nhà đầu tư quyết định, từ giá đặt mua đặt bán mà ra. Nhưng điều đó thật khó thuyết phục khi tất cả các sàn vàng trong nước không có một trung tâm nối kết, một đơn vị cung cấp dịch vụ độc lập trung gian. Sàn ACB có giá khác sàn Eximbank, Eximbank cũng khác Techcombank, Techcombank lại khác Sacombank…
Thật là rủi ro khi tham gia kinh doanh với một cái chợ, mà ông chủ chợ cũng giành mua giành bán, trong khi kỹ thuật tin học thì của ông ta, công cụ giao dịch do ông ta vận hành và “cung cấp”, tiền bạc của mình ông ta giữ, “bí mật” thông tin tài khoản của mìn ông ta nắm, giá cả do ông đưa ra, mà giá cả, khối lượng và trật tự mua bán ông đều có thể can thiệp, điều chỉnh… Tức ông chủ chợ này nắm toàn bộ sinh mệnh của mình, và có thể ra quyết định bất cứ lúc nào. Ví dụ khi giá vàng lên quá cao, khi nhà đầu tư đang tranh nhau đặt lệnh bán thì màn hình điện tử đột nhiên… đổ bệnh, treo toòng teng; hoặc có lần một ông Giám đốc sàn vàng ra lệnh rút dây điện CPU, thẳng cánh tắt giao dịch; rồi có sàn kia tự doanh, bán hớ bị người ta mua mất, thế là vào luôn tài khoản của nhà đầu tư, lấy lại số vàng mình đã bán hớ, đem bán ra đúng với cái giá mình bán bị hớ, rồi chính mình… mua lại! (may mà sàn vàng này không bán vàng của nhà đầu tư ra với giá thấp hơn, rồi tự mua lại!).
So sánh với bên lĩnh vực chứng khoán: Hai sở là Sở GDCK TP.HCM (HoSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) là hai cái chợ, cung cấp dịch vụ độc lập chứ không hề mua bán, các lệnh mua bán đều gặp nhau và khớp chung nhau trên hai cái sàn này. Như thế là hoàn toàn minh bạch! Thế nhưng thời gian qua giới đầu tư cũng không ngớt lời kêu ca về tính thiếu minh bạch trong công bố thông tin, trong giao dịch ngầm, trong làm giá… Điều đó cho thấy, trong lĩnh vực kinh doanh vàng ở Việt Nam như trong thời gian qua, có biết bao điều bất minh, bao nhiêu trò lừa đảo.
Có lẽ, các quy định lý nên căn cứ vào các yếu tố trên đây nhiều hơn là chỉ đi chăm chắm vào cái đòn bẩy tài chính, vì nó không đúng trọng tâm quản lý. Và hiện thực đã rõ ràng, việc quy định mức độ đòn bẩy cuối cùng đã không áp dụng được, các sàn vàng vẫn tự tung tự tác với hàng trăm chiêu gian lận, và cuối cùng nhà nước quản không nổi, đã phải ra lệnh dẹp tiệm.
Gần đây, khi sàn vàng đã bị cấm, người ta đã lập lờ đánh lừa nhà đầu tư là mời kinh doanh… bạc, platin, đồng, chì, kẽm…! Thực tế, Nhà nước cấm sàn vàng thực chất là cấm phương thức giao dịch bằng đòn bầy, chứ không phải là cấm một mặt hàng nào, nên dù có đồng, chì, kẽm hay platin cũng không có gì khác. Và khi bị cấm về sử dụng đòn bẩy, các “sàn” chui này đã “lách ngôn ngữ” là giao dịch tiền thật 100%, nhưng “sàn” cho nhà đầu tư ứng trước 97%! Những chiêu lừa, lách ngô nghê đó mà đến giờ ta vẫn không quản nổi, thì có lẽ việc kinh doanh vàng bị cấm là phải!
Trên thế giới, kinh doanh giao dịch ngoại hối và vàng tài khoản đã tồn tại ở các nước cả trăm năm nay cả thế giới liên thông từ năm 1973 khi sàn giao dịch vàng và ngoại hối thế giới được thành lập. Đến nay, trên thế giới mỗi ngày giao dịch vàng và ngoại hối đạt 3.000 tỷ USD. Không chỉ vàng và ngoại hối, mà người ta còn giao dịch hàng hóa, nông sản (commodity) qua sàn cũng với phương thức dùng đòn bẩy, và có lẽ đây là thị trường lớn nhất hiện nay, với 9.000 tỷ USD giao dịch/ngày.
Vậy thì tạo sao thế giới người ta làm bình yên mà ta lại bất ổn dữ vậy? Câu trả lời có vẻ đơn giản và dễ hiểu là ngoài sự hiểu biết non kém, còn là sự thiếu trách nhiệm, bàng quan của của các “chuyên gia” quản lý, soạn luật. Giả sử có câu hỏi cắc cớ: “Nhà soạn luật có biết… đánh vàng không?” Hoặc: “Trước khi soạn luật, ông đã từng gặp và lắng nghe trực tiếp từ một (chỉ một) nhà đầu tư nào không?”, thì chắc chắn nhà quản lý sẽ lúng túng đến đỏ mặt!
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com