Khi đà phục hồi kinh tế chững lại, các nước đua nhau phá giá nội tệ làm nảy sinh cơ chế bảo hộ.
Cách đây 20 năm, các bộ trưởng tài chính G5 gồm các nước Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, và Tây Đức đã họp mặt tại New York, thông qua Thỏa ước Plaza Accord giảm giá đô la Mỹ.
Năm 1987, chỉ 2 năm sau khi Thỏa ước được ký kết, giá trị đô la Mỹ đã giảm 50% so với đồng Mác Đức và Yên Nhật.
Động thái can thiệp thị trường ngoại hối nay lại tiếp tục xuất hiện. Tuy nhiên đó không phải là sự can thiệp trên cơ sở hợp tác giống như trước kia mà là sự can thiệp đơn phương, một chiều.
Tại cuộc họp diễn ra hôm 21/9, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED tỏ ra lo ngại về mức lạm phát thấp, đồng thời cũng khẳng định sẽ tiếp tục hành động để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Việc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ đã làm giá đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối lao xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2010.
Đô la Mỹ suy yếu cũng có nghĩa các loại tiền khác sẽ mạnh hơn. Hôm 22/9, đồng euro đã leo lên mức cao kỷ lục trong 5 năm so với đồng đô.
Hiện nay, rất nhiều nước đang ra sức ghìm đà tăng của đồng nội tệ.
Nhật thậm chí đã bán ra 2 nghìn tỷ Yên (23,6 triệu USD) hôm 15/9, đánh dấu lần can thiệp thị trường ngoại hối đầu tiên sau 6 năm, trong một nỗ lực nhằm ghìm giá đồng Yên sau khi đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 1995.
Nhật cũng không phải là trường hợp duy nhất trong số các nền kinh tế phát triển có động thái can thiệp thị trường.
Trong vòng 15 tháng tính đến tháng 6/2010, Thụy Sỹ đã tăng dự trữ ngoại hối của mình lên 4 lần, tương ứng đạt 219 tỷ USD nhằm ghìm giá Franc.
Tuy nhiên, nếu nói về can thiệp sâu phải kể đến các nền kinh tế mới nổi, mà điển hình là Trung Quốc.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện là 2,54 nghìn tỷ USD do nước này quyết định giữ giá Nhân dân tệ so với đô la Mỹ.
Một số nước thậm chí đồng nội tệ của họ không mạnh, nhưng họ vẫn can thiệp vì cho rằng đồng nội tệ lên giá sẽ gây áp lực không cần thiết.
Từ ngày 13-16/9, ngân hàng trung ương Brazil đã tăng cường mua vào đô la Mỹ, trung bình 1 tỷ USD/ngày.
Khi đà phục hồi kinh tế thế giới chững lại, ngày càng có nhiều người tỏ ra quan ngại về việc các nước đua nhau phá giá nội tệ làm nảy sinh cơ chế bảo hộ mậu dịch.
Tuy nhiên, những người lạc quan thì vẫn cho rằng xu thế này cũng mang lại những lợi ích nhất định.
Theo họ, can thiệp thị trường ngoại hối có thể là một phương cách không chính thống có thể giúp khôi phục hệ thống tiền tệ.
Nếu tất cả các ngân hàng trung ương đều coi in tiền là giải pháp để ghìm giá nội tệ và không hút bớt thanh khoản bằng việc phát hành trái phiếu, thì sau đó, tỷ giá hối đoái có thể vẫn không biến chuyển.
Mặc dù các chính phủ đều có chung mục đích là can thiệp thị trường để ghìm giá nội tệ, nhưng điều kiện và động cơ của họ lại hoàn toàn khác nhau.
Việc giữ giá Nhân dân tệ của Trung Quốc được xem là hiệu quả nhất.Nhờ có tài khoản vốn khép kín, cộng với sự điều tiết của chính phủ, các ngân hàng của Trung Quốc có khả năng mua đô la Mỹ với khối lượng lớn, mà không gây lạm phát.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) sử dụng chính sách hút bớt thanh khoản bằng việc tăng dự trữ ngoại hối, buộc các ngân hàng duy trì dự trữ vốn ở tỷ lệ thấp.
Tuy nhiên, đối với hầu hết các nền kinh tế mới nổi, can thiệp thị trường ngoại hối dẫn đến nguy cơ lưu chuyển vốn biến động thất thường. Một phần nhờ lãi suất ở các nước phát triển tương đối thấp, nên dòng vốn ngoại có xu hướng chảy vào các nền kinh tế mới nổi.
Thông qua can thiệp thị trường, ngân hàng trung ương ở các nước này có thể ghìm đà tăng của nội tệ, nhưng đổi lại họ phải trả giá cho việc làm đó. Nếu can thiệp không thể ghìm giá nội tệ sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát.
Ở các nước phát triển, can thiệp ghìm giá nội tệ được xem là một cách vừa nhằm ngăn chặn nội tệ lên mạnh, vừa nhằm đối phó với nguy cơ giảm phát (cũng là động cơ chính cho việc can thiệp của Thụy Sỹ).
Với trường hợp của Nhật, giả thuyết thứ nhất – ngăn đồng nội tệ lên giá không có có ý nghĩa gì. Nhờ giảm phát, giá trị Yên Nhật đã giảm xuống dưới mức trung bình kể từ năm 1990 (Xem biểu đồ).
Còn với giả thuyết thứ hai, Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) thực sự không muốn phải hút bớt thanh khoản.
Tuy nhiên, bằng cách khác, Nhật vẫn có thể khôi phục hệ thống tiền tệ mà không gây ra những rủi ro chính trị do đã đơn phương can thiệp thị trường.
Những rủi ro chính trị này là nguyên nhân chủ yếu để quyết định không nên đơn phương can thiệp. Tuy nhiên, điều này có thể cũng gây ra khó khăn trong việc buộc Trung Quốc tiếp tục nâng giá Nhân dân tệ.
Các nước phát triển cần khôi phục hệ thống tiền tệ, trong khi đó, kinh tế toàn cầu cũng cần tái cân bằng, và do vậy đòi hỏi đô la Mỹ phải yếu hơn.
Các bộ trưởng tài chính G5 đã nhận thức được điều này, và hiện tại, đã đến lúc G20 cần tiếp tục công việc ấy.
(Báo điện tử Doanh Nhân Việt Nam toàn cầu)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com