Hôm qua (2.7), tại phiên họp hàng tháng của tổ điều hành thị trường trong nước, nhiều thành viên của tổ này cho rằng, giá cả nhiều loại hàng hoá và dịch vụ có xu hướng tăng như xăng dầu, sắt thép, gas, thức ăn chăn nuôi…, xuất hiện những yếu tố tạo ra nguy cơ tái lạm phát nhưng khả năng bùng phát lạm phát từ nay đến cuối năm là khó xảy ra.
Ông Nguyễn Đức Thắng, phó vụ trưởng vụ Thương mại, dịch vụ – giá cả, tổng cục Thống kê) nói rằng, trong sáu tháng đầu năm 2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới đạt 2,68%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Từ quý 2, CPI tăng dần qua từng tháng, nếu theo tốc độ tăng giá như hiện nay, dự đoán CPI các tháng cuối năm sẽ cao hơn. Nhưng khả năng lạm phát tăng cao là khó xảy ra. Ông Thắng cũng cho rằng, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến CPI trong hai quý tới như: sự phục hồi của kinh tế thế giới có thể sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều loại hàng hoá, nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường. Hiện nay, kim ngạch nhập khẩu bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt là nhập khẩu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất. Cho nên, nhập siêu vì vậy có thể tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ (giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) và kích cầu đầu tư, tiêu dùng góp phần đưa tín dụng tăng trở lại.
Theo ông Hoàng Thọ Xuân, vụ trưởng vụ Thị trường trong nước, bộ Công thương, về cân đối các mặt hàng trọng yếu thì bảo đảm đủ, không có dấu hiệu thiếu nguồn hàng. Giá cả có thể tăng do chi phí đẩy bao gồm: sản xuất gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; việc tăng lương tối thiểu cho các nhóm lao động; giá một số yếu tố đầu vào (than, điện, nước...) đã được điều chỉnh tăng; nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu như xăng dầu, sắt thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh... cao hơn. Nhưng theo cả hai ông Xuân và ông Thắng, cộng tất cả các yếu tố trên cũng chưa khiến CPI trong các tháng cuối năm tăng đột biến. Dự báo, chỉ số giá sáu tháng cuối năm sẽ cao hơn sáu tháng đầu năm nhưng CPI cả năm sẽ chỉ dừng lại một con số. Tái lạm phát khó có thể quay trở lại trong năm nay mà có thể ảnh hưởng sâu và chậm hơn đến các năm tiếp theo.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến khác trong tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng, phải rất cảnh giác với nguy cơ tái lạm phát. Ông Đinh Văn Thành, viện trưởng viện Nghiên cứu thương mại, bộ Công thương cho rằng, lạm phát hiện nay là tình hình chung của thế giới sau khi nhiều nước thực hiện các gói kích thích kinh tế. Mức độ lạm phát ở nhiều nước đã cao hơn dự đoán nên nguy cơ tái lạm phát là có thể xảy ra. Hơn nữa, các tháng cuối năm, hàng loạt công trình trong nước phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ngoài ra việc đồng USD đang mất giá với hầu hết các đồng tiền khác sẽ làm cho giá cả nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu vào Việt Nam cao hơn sẽ đẩy giá các mặt hàng thiết yếu lên cao. Giám đốc trung tâm Thông tin công nghiệp – thương mại, bộ Công thương cũng nói rằng hiện nay, giá dầu thô có xu hướng tiếp tục tăng, dự báo sẽ tăng lên 85 – 90 USD/thùng vào cuối năm nay; giá phôi thép, thép thành phẩm, phân bón... cũng tăng mạnh. Trong khi, dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong nước đã xuống mức rất thấp, tình trạng nhập siêu sẽ tái diễn trong các tháng cuối năm là không thể tránh khỏi. Ông Chiến cho rằng, mức độ tăng chỉ số giá tiêu dùng có thể nhanh hơn dự đoán.
Một số chuyên gia trong tổ Điều hành thị trường trong nước cho rằng, để ngăn chặn nguy cơ tái lạm phát, cần tập trung vào ba nhóm giải pháp: thứ nhất kiểm soát tốt nhập siêu. Thứ hai là phải ngăn chặn nguy cơ tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng còn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, thậm chí khi cần thiết có thể áp dụng cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp giữ giá bán. Ba là, cần nghiên cứu giải pháp nào để các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, các hộ nghèo tiếp cận nhanh chóng gói kích cầu của Chính phủ.
( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com