Theo ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho dòng vốn FDI suy giảm đáng kể so với năm 2008 - năm có mức tăng đột biến về FDI. Tuy nhiên, với dự kiến trong 10 năm tới, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ ở mức khoảng 600 tỷ USD, chiếm đến 70% vốn đầu tư của nền kinh tế. Do đó, một vài chuyên gia cho rằng cần phải tính toán thay đổi chiến lược thu hút đầu tư để bảo đảm tự chủ cho nền kinh tế... Mất cân đối giữa đầu tư trong và ngoài nước Năm 2008 kết thúc với đỉnh cao kỷ lục mới về thu hút FDI của Việt Nam với ngưỡng 64 tỷ USD. Bước sang năm 2009, thu hút FDI có xu hướng giảm mạnh do kinh tế thế giới. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2009 lượng vốn FDI sẽ giảm, nhưng sau khi nền kinh tế được phục hồi, lượng FDI sẽ tăng trở lại. Trong 10 năm tới tổng số FDI có khả năng đạt mức 500 đến 600 tỷ USD. Theo các chuyên gia, GDP của Việt Nam năm 2008 được ước tính khoảng 91 tỷ USD và tỷ lệ đầu tư là 44,5% GDP, tức là khoảng 41 tỷ USD gồm cả đầu tư của Chính phủ và tư nhân. Với đà phát triển giả định là 5% mỗi năm, thì tổng nguồn vốn đầu tư nội địa sẽ đạt đến con số khoảng 400 đến 500 tỷ USD trong 10 năm tới và phần đầu tư tư nhân sẽ chiếm khoảng 250 tỷ USD. Một vài chuyên gia cho rằng, theo chiều hướng này vốn FDI sẽ chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng số vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Và lúc đó Việt Nam đứng trước nguy cơ mất chủ quyền kinh tế. Vì vậy, các chuyên gia này khuyến nghị, thay vì thúc đẩy kêu gọi đầu tư trực tiếp bằng mọi giá, Việt Nam cần nhanh chóng tổ chức hệ thống các quỹ đầu tư gián tiếp vì tại các thị trường tài chính quốc tế lớn, có thể huy động vốn với số lượng lớn, từ 5 đến 10 tỷ USD mỗi năm, 50 đến 100 tỷ USD trong 10 năm sắp tới. Theo ước tính trên, trong 10 năm tới Việt Nam cần khoảng 750 đến 1.000 tỷ USD để phát triển. Phần tiết kiệm nội địa nhàn rỗi để đầu tư ước tính khoảng từ 30 - 40%, phần còn lại từ 60 - 70% là đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, trong tổng số vốn đầu tư cho một dự án khoảng 70 - 80% là vốn vay, phần vốn tự có thường chỉ chiếm từ 20 - 30%. Vậy trong số 500 - 600 tỷ USD FDI nói trên, phần vốn tự có của các nhà đầu tư nước ngoài ước tính khoảng 150 tỷ USD. Nếu Việt Nam tự huy động được 50 đến 100 tỷ USD vốn tự có, tự xây dựng và phát triển dự án, thì lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giảm xuống đến một mức tương đối an toàn. Cần có chiến lược mới Theo chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành, các nhà đầu tư nước ngoài không nhất thiết phải tự mình xây dựng dự án, làm chủ dự án, phát triển dự án. Quỹ đầu tư là phương tiện để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư “thụ động” của phần lớn các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, vì khung pháp lý của Việt Nam chưa đủ bảo đảm cho quyền lợi của nhà đầu tư, nên các quỹ này cần phải được thành lập ở một nước ngoài với hệ thống luật pháp được quốc tế chấp nhận. Còn Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng sẽ có những xu thế di chuyển quan trọng trong đó cần phải chú ý là sự di chuyển công nghệ thấp đến các nước đi sau kém phát triển. Đây là điểm Việt Nam phải đặc biệt cảnh giác, nếu không có định hướng rõ thì chúng ta sẽ bị mê hoặc bởi giá cả cho không vì phía sau giá rẻ của công nghệ thấp, là nguồn nhân lực chất lượng thấp, sẽ là thảm họa lâu dài cho quốc gia và dân tộc. Chính vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược thu hút đầu tư mới. Bởi lẽ sau khủng hoảng mọi việc sẽ không còn như cũ. Sau khủng hoảng nhu cầu tiêu dùng hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục yếu đi. Đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ bị chia sẻ, giảm đi do cơ hội đầu tư vào các nước tương đối rộng. |
(Theo Thành Sơn/Bình Dương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com