Hai quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng và hạ lãi suất huy động ngoại tệ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chú ý của dư luận cũng như tạo ra không ít xáo trộn trong đời sống kinh tế, tài chính.
Nhiều nhận định cho rằng, xét về mặt kỹ thuật, đây là những điều chỉnh mang tính quyết liệt nhằm thực hiện chủ trương thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát và giảm thiểu tình trạng "đô-la hóa" nền kinh tế. Cũng có ý kiến tỏ sự hài lòng khi NHNN thể hiện sự chủ động của mình trong việc đối phó với các tình huống về thanh khoản, về nguy cơ tỷ giá giai đoạn cuối năm…
Những nhận định nói trên chẳng phải không có lý. Việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong thời điểm hiện tại là một biện pháp khôn ngoan của nhà quản lý nhằm kiềm chế sự phát triển nóng của tín dụng, giảm phần nào hoạt động cung tiền ra thị trường. Việc hạ lãi suất huy động ngoại tệ cũng là một biện pháp "chẳng đặng đừng" nhằm thu hút nguồn ngoại tệ cho những thâm hụt thương mại do nhập siêu tăng cao của 5 tháng đầu năm mang lại. Tuy nhiên, tinh ý một chút có thể thấy, chính NHNN lại đang "kẹt" trong việc tìm ra một đáp số duy nhất cho cả 2 bài toán: Bài toán thắt chặt tín dụng, giảm cung tiền chống lạm phát và bài toán giảm nhập siêu, tăng dự trữ ngoại hối.
Có thể không đến mức như ai đó nói rằng, NHNN đang cố gắng "thu về" những gì mình đã "xả ra" trong thời gian trước đây. Tuy nhiên, những công bố gần đây cho thấy, trong tháng 5 vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 1,2 tỷ USD tăng cường cho nguồn dự trữ ngoại hối. Và, số tiền VNĐ tương ứng được "bơm" ra thị trường để thực hiện việc này vào khoảng 25.000 tỷ đồng. Thêm quá trình "lai rai" trong thời gian 4 tháng trước đó, lượng tiền cung ra thị trường không phải nhỏ. Chưa kể, khi hạ lãi suất huy động ngoại tệ, việc các doanh nghiệp xuất khẩu và người dân nắm giữ mang ngoại tệ đi bán, chuyển hóa thành tiền đồng thì lượng cung tiền đồng sẽ tiếp tục phải cao thêm tương ứng.
Khi việc cung tiền diễn ra nhiều, khi tăng cường dự trữ ngoại hối, chống "đô-la hóa" nền kinh tế phải được thực hiện, yêu cầu thắt chặt tín dụng sẽ gặp khó, bài toán chống lạm phát sẽ dễ thành "dang dở". Nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc được coi là một giải pháp nhưng chẳng giải quyết được nhiều lắm trong thời điểm hiện nay. Bài toán chống lạm phát đang "kẹt" vào thế khó!
(Giadinh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com