Kết thúc thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, châu Phi đã bỏ lại đằng sau thời kỳ u ám và đen tối. Nơi từng được biết đến với nội chiến, kinh tế trì trệ, tình trạng nghèo đói, gánh nặng bệnh tật…và trở thành “một vết sẹo trong lương tâm của thế giới”.
Từ một lục địa đầy đau thương, 10 năm qua châu Phi đã đi lên, vượt qua ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế châu Phi đã lấy lại đà tăng trưởng 5%/năm. Dự báo mức tăng trưởng ở khu vực Nam Sahara là 5% (2010), cao hơn so với dự báo 4,75% và IMF dự tính mức tăng trưởng có thể lên tới 5,5% trong năm 2011. Điều này dường như minh chứng cho việc châu Phi tự vượt qua chính mình để trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Thành công đầy ấn tượng của World Cup 2010 lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi và Festival Thanh niên thế giới vừa được tổ chức tại Nam Phi (12/2010) cũng như việc Nam Phi chính thức gia nhập khối BRIC… cho thấy châu Phi đã hội đủ điều kiện, tự tin để tổ chức các sự kiện quốc tế và tham gia vào khối các nước đang phát triển BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc). Theo đánh giá của IMF dựa trên cơ cấu dân số dự phòng và tác động của cơ cấu dân số vào lực lượng lao động và năng suất lao động thì tiềm năng của 11 nền kinh tế lớn nhất châu Phi (Ai Cập, Maroc, Sudan, Ethiopia, Kenya, Tanzania, Uganda, CH Dân chủ Congo, Nigeria, Nam Phi và Zimbabwe) sẽ tạo ra GDP của toàn châu Phi đạt 13.000 tỷ USD vào trước năm 2050. Khi đó nền kinh tế châu Phi sẽ vượt qua Brazil, Nga nhưng vẫn còn kém Trung Quốc, Ấn Độ. Một điều thú vị hơn nữa, đó là gần một nửa GDP của châu Phi sẽ do Ai Cập và Nigeria đóng góp, vì thế sự phát triển của hai quốc gia này sẽ là điều thiết yếu đối với tiềm năng chung của châu lục.
Sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh chóng ở châu Phi, sau khủng hoảng tài chính thế giới châu Phi đang lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), dòng vốn đầu tư tư nhân đổ vào châu Phi ước đạt 55 tỷ USD (2010), so với 49 tỷ USD (2007), tập trung vào lĩnh vực viễn thông, dịch vụ tài chính, tài nguyên… Không chỉ có các nhà đầu tư tư nhân, các công ty đa quốc gia cũng sẵn sàng thay đổi tư duy khi các chính trị gia vẫn tồn tại suy nghĩ coi châu Phi là một địa điểm từ thiện. Hãng Sojitz đã có mặt tại Angola, Nigeria và Gabon, tập đoàn Tata của Ấn Độ đầu tư 1 tỷ USD sản xuất xe bus tại Kenya, Zambia và Algeria. Walmart đã bước vào thị trường châu Phi năm 2010 bằng việc mua lại hệ thống Massmart Holdings Inc của Nam Phi với giá 4.6 tỷ USD để thâu tóm 290 cửa hàng tại 13 nước châu Phi. Đây là một trong những thương vụ sáp nhập lớn nhất của Walmart để thực hiện mong muốn phục vụ cho khoảng 40% dân số của lục địa châu Phi đang sống ở các đô thị, tỷ lệ này gần bằng với Trung Quốc và lớn hơn Ấn Độ. Các nhà kinh tế cho rằng người tiêu dùng châu Phi có khả năng chi trả sẽ lên tới 132 triệu người vào năm 2020 và mức chi tiêu khoảng 584 tỷ USD/năm. Hiện tại, châu Phi có trên 50 thành phố với dân số khoảng 1 triệu dân, tương đương với Tây Âu hiện nay. Vì vậy đây chính là “nơi đổ bộ” của các nhà đầu tư khi châu Phi không còn là “lục địa vô vọng”.
Một câu hỏi tại sao thị trường châu Phi trong những năm qua vẫn còn ở tình trạng “nhiều tiềm năng” đối với các doanh nghiệp Việt Nam? Nhiều ý kiến cho rằng, châu Phi là thị trường mới, thông tin về thị trường còn hạn chế, trình độ phát triển của khu vực này chưa cao, khả năng tài chính yếu, cước vận tải cao, khoảng cách địa lý xa… Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đã thành công tại châu Mỹ, một khu vực về mặt địa lý còn xa hơn châu Phi! Có lẽ đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn và có kế hoạch cụ thể đối với thị trường này khi thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Châu Phi với dân số khoảng 1 tỷ người (2009), các quốc gia châu Phi phần lớn đều là những nước đang hoặc chậm phát triển nên nhu cầu nhập khẩu của châu Phi rất lớn, gần 200 tỷ USD/năm. Cơ cấu nhập khẩu của các nước châu Phi khá đa dạng và nhìn chung phù hợp với cơ cấu xuất khẩu hàng của Việt Nam như máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, các sản phẩm điện, điện tử, cơ khí, các sản phẩm công nghệ cao đến các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân như hàng giày dép (châu Phi nhập 600 triệu đôi/năm), dệt may, thực phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng. Nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu và tránh bị phụ thuộc vào các nước xuất khẩu, các nước châu Phi có mong muốn liên doanh hợp tác sản xuất tại bản địa. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn nghiên cứu hướng đầu tư tại chỗ để tận dụng nguồn nguyên liệu, lao động địa phương và hưởng các ưu đãi về thuế và phi thuế quan mà Mỹ, EU dành cho các nước châu Phi hoặc các ưu đãi nội vùng.
Nhìn vào cơ cấu kinh tế của châu Phi, có thể thấy còn rất nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có đất để dụng võ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự thiếu vắng trên thị trường những mặt hàng vật liệu xây dựng, các loại máy sản xuất nông nghiệp cầm tay, đồ gỗ dân dụng hoặc cao hơn là các thiết bị điện tử dân dụng, xe máy, xe đạp…cũng có thể là những gợi ý cho các doanh nghiệp tiến tới lập các cơ sở sản xuất tại chỗ hoặc thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm ở lục địa châu Phi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu khả năng triển khai các dự án liên danh hoặc thuê đất lập trang trại trồng lúa, cây công nghiệp, các loại cây trái mang lại hiệu quả kinh tế cao đáp ứng nhu cầu của châu Phi hiện nay và để xuất khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp có thể nghiên cứu lồng ghép các dự án này với những dự án trong các lĩnh vực khác như khai thác, chế biến nông-lâm- thuỷ sản hoặc thăm dò và khai thác dầu khí... Nếu những dự án dưới dạng này được thực hiện, Việt Nam sẽ giúp các nước châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và thực hiện được Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Hội thảo quốc tế Việt Nam – châu Phi lần thứ 2 (8/2010) đã tạo ra cơ chế hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi. Cần phải khẳng định rằng, Chính phủ đang tích cực tạo hành lang pháp lý và các điều kiện thuận lợi để hợp tác với châu Phi, còn các doanh nghiệp mới thực sự là các chiến sĩ xung kích, chủ động tham gia và phát triển quan hệ thương mại với các nước này. Thị trường châu Phi có tiềm năng lớn và nhiều nước giống Việt Nam thời mới mở cửa. Do vậy, sẽ có rất nhiều cơ hội mới để doanh nghiệp khai thác, vấn đề hiện nay phụ thuộc vào quyết tâm và sự nhanh nhạy của doanh nghiệp, doanh nhân đối với thị trường này.
Để khai thác những tiềm năng to lớn và hấp dẫn giữa Việt Nam và châu Phi, chỉ có các doanh nghiệp hai bên mới biết họ đang có thế mạnh gì, nhu cầu gì và cần làm gì để có thể mở rộng hợp tác và phát triển trong thời gian tới.
(VCCI)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com