Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng trưởng ngoại tệ áp đảo

Tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm dường như đang lặp lại kịch bản của năm 2010 khi mức tăng gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng tín dụng tiền đồng. Diễn biến này dấy lên lo ngại về sức ép lên tỉ giá, đặc biệt vào thời điểm cầu ngoại tệ trả nợ có thể tăng mạnh.

Vượt mặt tiền đồng

Số liệu chính thức được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày hôm qua (23.6) cho thấy, trái ngược với tín dụng tiền đồng chỉ tăng 2,72% so với cuối năm 2010 (tính đến ngày 10.6), tín dụng bằng ngoại tệ lại tăng tới 22,21%. Đây là mức tăng rất cao trong bối cảnh tín dụng chung đối với nền kinh tế tính đến ngày 10.6 chỉ tăng 7,05% và so với trần tăng trưởng tín dụng chung cho cả năm 2011 là dưới 20%.

Lãi suất cho vay ngoại tệ hấp dẫn, trong lúc lãi vay tiền đồng lên đến đỉnh điểm tiếp tục được cho là nguyên nhân chính khiến nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng qua, bất chấp những lo ngại về rủi ro tỉ giá.

Nhìn nhận về tốc độ tăng này, người đứng đầu NHNN – ông Nguyễn Văn Giàu - cho rằng, không có gì bất thường trong câu chuyện tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong các tháng qua. Việc mở rộng tín dụng ngoại tệ không phải chỉ mới xuất hiện trong các tháng qua, mà thực tế tăng mạnh ngay trong năm 2010 với mức tăng trưởng cho cả năm lên đến 48%. Mức tăng 22,21% của tín dụng ngoại tệ tính đến nửa đầu tháng 6 theo đó được cho là bình thường.

Song vẫn có những ý kiến lo ngại rằng, tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong các tháng đầu năm sẽ tạo nhu cầu ngoại tệ trả nợ lớn trong các tháng cuối năm và gây áp lực mạnh lên tỉ giá. Trước ý kiến này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vẫn bình thường và cũng không có chuyện lại có chu kỳ tín dụng ngoại tệ tăng mạnh vào cuối năm.

Thực tế như đánh giá của nhiều tổ chức đầu tư, hàng loạt các biện pháp mang tính hành chính đã được NHNN áp dụng trong tháng 5 nhằm làm giảm tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ. Trong đó, có các chính sách đáng lưu ý như hạ trần lãi suất huy động USD từ 3% xuống còn 2%, nâng tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng USD lên 7%, bắt buộc các DN có vốn nhà nước trên 50% phải bán lại ngoại tệ cho các TCTD.

Đồng thời trong tháng 5, NHNN cũng tăng cường mua vào USD nhằm nâng cao dự trữ ngoại hối. Theo nhiều đánh giá, các chính sách này về ngắn hạn sẽ hạn chế được rủi ro vay nhiều ngoại tệ tại thời điểm đầu năm và giảm căng thẳng cầu về ngoại tệ trong những tháng cuối năm. Trong dài hạn, quan hệ vay mượn sẽ được chuyển sang quan hệ mua bán ngoại tệ và theo đó giảm nguy cơ tích trữ USD trong nền kinh tế.

Ngoại hối ổn định

Trong khi đó, trên thị trường ngoại hối được nhìn nhận tương đối ổn định và VND lại lên giá nhẹ so với USD do NHNN tiếp tục thực hiện những biện pháp chống đôla hóa và tăng cường dự trữ ngoại hối. Điều đáng nói là khi thị trường tự do bị thu hẹp, chênh lệch tỉ giá với thị trường chính thức giảm thiểu và tỉ giá cơ bản có xu hướng giảm, tạo thời cơ để NHNN mua vào ngoại tệ ròng từ đầu năm đến nay.

Số liệu chính thức vừa được NHNN công bố là từ đầu năm đến nay, cơ quan này mua ròng được 877 triệu USD bổ sung vào nguồn dự trữ ngoại hối của VN. Với một loạt các biện pháp của NHNN, các DN và người dân bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng và bước đầu chuyển dần quan hệ huy động và cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua, bán ngoại tệ giữa ngân hàng với khách hàng.

Diễn biến này khiến trạng thái ngoại tệ của các NHTM được cải thiện đáng kể và lượng ngoại tệ các NHTM mua được lớn hơn nhiều so với lượng ngoại tệ bán ra. Trạng thái này tác động trực tiếp khiến tỉ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng có xu hướng giảm và tỉ giá mua bán của các ngân hàng có nhiều thời điểm thấp hơn tỉ giá bình quân liên ngân hàng.

Thị trường ngoại tệ ổn định còn mang đến tác động ổn định thị trường vàng và làm giảm giá mặt hàng này từ đỉnh điểm sát 39 triệu đồng/lượng xuống quanh mức 38 triệu đồng/lượng. Theo đánh giá chính thức của NHNN, thị trường vàng trong nước tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ và có nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới do việc nắm giữ vàng giảm bớt sức hấp dẫn so với thời điểm trước đây. Thị trường ngoại hối bình ổn được cho là điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô VN, vốn đang phải chịu nhiều sức ép của lo ngại lạm phát và mặt bằng lãi suất lên cao.

(Báo Lao Động)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Vẫn cần dè chừng cơn sốt tỷ gi
  • Cổ đông “hai vai”
  • Nhu cầu vốn ngoại tệ vẫn cao
  • Không phải cứ cho vay bất động sản là siết!
  • Tín dụng tăng trưởng chậm
  • Tác động hai mặt khi tỷ giá USD giảm
  • Đã có cơ sở để hạ lãi suất tiền đồng?
  • Chính sách thắt chặt tiền tệ: Sức ép giảm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!