Đó là nhận định của ông Hisatsugu Furukawa, Chuyên gia Chính sách tiền tệ, Văn phòng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua.
Theo ông, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2008 có những điểm hạn chế gì?
Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đi đúng hướng. Lãi suất đã được thay đổi linh hoạt và kịp thời. Lãi suất của dự trữ bắt buộc cũng được thay đổi linh hoạt. Tính thanh khoản của thị trường cũng được tăng lên thông qua việc Ngân hàng Nhà nước mua lại trái phiếu đã phát hành cho các định chế tài chính hồi tháng ba.
Chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát lạm phát một cách thành công.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chính sách trong tháng 10 và bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc ổn định hoạt động kinh tế trong nước.
Điểm hạn chế của chính sách tiền tệ trong năm 2008 là ở thị trường ngoại hối. Theo hệ thống tỷ giá hối đoái ít biến động hiện nay, nhiều lúc, khoảng cách giữ tỷ giá hối đoái chính thức và tỷ giá hối đoái trên thị trường phi chính thức đã dao động và bị nới rộng ra.
Sự “chênh” giữa cung và cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối đã cản trở rất nhiều đến sự vận hành thông suốt và việc mở rộng lĩnh vực ngoại thương một cách ổn định. Ngân hàng Nhà nước cần phải xem lại việc quản lý hệ thống tiền tệ hiện nay để duy trì tính thông suốt trong các giao dịch hàng ngày.
Bên cạnh những vấn đề liên quan trực tiếp đến thị trường tài chính, một điểm yếu khác của Việt Nam là hiệu quả đầu tư, kết quả là giá thành tăng cao.
Một trong những lý do dẫn đến tình trạng lạm phát ở Việt Nam cao hơn những nước láng giềng có lẽ là năng lực sản xuất thấp trong so sánh với nhu cầu trong nước và hiệu quả đầu tư thấp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gặp những khó khăn gì khi ra quyết định đối với các chính sách tiền tệ, thưa ông?
Để điều hành chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cần phải có một thị trường tiền tệ hoạt động đầy đủ. Nhưng thị trường tiền tệ Việt Nam chưa phát triển tốt và Ngân hàng Nhà nước đã gặp khó khăn trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách linh hoạt trên thị trường.
Giới hạn về chủng loại và khối lượng các giấy tờ có giá được giao dịch trên thị trường tiền tệ, thiếu hệ thống môi giới minh bạch, thiếu luật điều chỉnh, trong khi sự thống trị của đồng tiền quốc gia bị giới hạn vì đồng USD chiếm phần lớn trong lưu lượng tiền tệ trên thị trường... là những căng thẳng mà Ngân hàng Nhà nước đang gặp phải trong việc điều hành chính sách tiền tệ một cách hiệu quả.
Điều chỉnh thông tin một cách có hệ thống và tin cậy, một hệ thống số liệu thống kê cũng chưa được trang bị tốt cho Ngân hàng Nhà nước.
Nhiệm vụ trước mắt của Ngân hàng Nhà nước là phải cân bằng giữa áp lực lạm phát của nền kinh tế trong nước và yêu cầu về các biện pháp cần thiết để làm dịu bớt tác động tiêu cực của sự suy giảm sâu hoạt động
kinh tế thế giới.
Xuất khẩu của Việt Nam đang giảm nhanh và FDI đang chuyển hướng. Số lượng khách du lịch đến Việt Nam đang giảm. Lượng kiều hối cũng có thể sụt giảm. Để hỗ trợ hoạt động kinh tế, Chính phủ đã công bố gói giải pháp kích thích kinh tế.
Gói giải pháp này sẽ giúp nền
kinh tế Việt Nam năng động trở lại. Nhưng năng lực sản xuất trong nước của Việt Nam chưa đáp ứng kịp với nhu cầu trong nước, vì vậy, chúng ta cần thận trọng, tránh để xảy ra tình trạng tái phát và nhập khẩu lớn.
Ông có bình luận gì về chính sách nới lỏng tiền tệ gần đây của Ngân hàng Nhà nước?
Chính sách nới lỏng tiền tệ cho thấy Ngân hàng Nhà nước có khả năng có thể điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt. Chuyển từ mục tiêu kiềm chế lạm phát, tốc độ thay đổi chính sách tiền tệ hơi quá nhanh, vì lạm phát vẫn ở mức cao trên 20%.
Nhưng nhìn chung, có thể nói rằng sự điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước là kịp thời.
Những thay đổi chính sách nhanh chóng gần đây cho thấy rằng Ngân hàng Nhà nước đang thiết lập hệ thống thu thập thông tin tốt và nhiều cơ hội để đối thoại với các thành viên chính của thị trường, đó là một yếu tố rất quan trọng để chính sách tiền tệ được điều hành thật sự hiệu quả.
Theo ông, triển vọng của thị trường tiền tệ Việt Nam trong năm tới là gì?
2009 sẽ là một năm khó khăn cho kinh tế thế giới và Việt Nam. Tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ lan rộng trên khắp thế giới, không chỉ một vài quốc gia, cả những quốc gia đã phát triển và đang phát triển đều có thể phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, sự sụt giảm kinh tế lớn và những khó khăn trong việc quản lý các món nợ và nợ xấu (NPL).
Kinh tế thế giới đang đối mặt với áp lực giảm phát lớn và có thể trải qua tình trạng lạm phát trì trệ (stagflation). Nhưng tôi cho rằng, tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam có thể giới hạn vì liên tục có nhu cầu đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Việt Nam cũng là nước có nguồn nhân lực và tài nguyên khá tốt. Hệ thống chính trị của các bạn ổn định.
Câu hỏi cần đặt ra là làm thế nào quản lý và dành ưu tiên cho các khoản đầu tư đó, xét dưới góc độ hiệu quả đầu tư.
Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc lĩnh vực tài chính của Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu của Nghị định 112 và chuẩn bị cơ sở hạ tầng tài chính hiệu quả cho Việt Nam. 2009 sẽ là một năm có vai trò quyết định đối với lĩnh vực tài chính của Việt Nam.