Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Chính sách tiền tệ là thành công lớn nhất của năm 2008”

“Khuyết điểm 4 phần, thành công 6 phần”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trả lời khi được VnEconomy đề nghị đưa ra một đánh giá cô đọng nhất về chính sách điều hành kinh tế - xã hội năm 2008.

Vậy thì theo ông, thành công nhất trong các thành công là gì?

Đó là chính sách tiền tệ. Do tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng cuối 2007 và những tháng đầu năm 2008 tăng cao nên đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2008 một loạt ngân hàng mất tính thanh khoản.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chính sách tiền tệ thông qua điều hành lãi suất tiền gửi và lãi suất dự trữ bắt buộc kịp thời đã giúp ngân hàng vượt qua được thời kỳ sóng gió đó. Đến bây giờ cơ bản các ngân hàng hoạt động ổn định, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần đã dần trở lại gần như cuối năm 2007.

Chính sách tất nhiên chưa thể nói là cực chuẩn nhưng việc điều hành đã đúng quy luật của kinh tế thị trường, đó là thành công.

Nền tài chính quốc gia không sụp đổ, bảo đảm cho sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội. Đó là mối quan hệ nhân quả của chính sách tiền tệ đúng. Đó cũng là cơ sở để khẳng định năm 2008 chúng ta đã thành công nhiều hơn thất bại.

Thử tưởng tượng xem, nếu chúng ta không làm được việc đó thì không lường được toàn bộ nền kinh tế  những tháng đầu năm 2008 sẽ như thế nào và bây giờ nền kinh tế và xã hội nước ta đi đến đâu?

Vậy ông nghĩ thế nào khi nhiều ý kiến, nhất là của doanh nghiệp phê phán chính sách tiền tệ đã “phanh” gấp quá, thắt chặt quá, dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp?

Đó có thể là những nhận xét theo cảm tính từ kinh nghiệm của một số ít, chứ chưa nhìn sâu vào bản chất của vấn đề và chưa có tính đại diện cao cho cả nền kinh tế.

Cuối tháng 10/ 2008, trong cuộc giao trực tuyến trên VnEconomy, một số bạn đọc cũng “kêu” với tôi là doanh nghiệp đã bị thiệt hại do biến động tỷ giá. Câu trả lời của tôi là những doanh nghiệp mà người điều hành chưa “đủ tầm” thì thường bị thiệt hại nhiều vì cùng một điều kiện tác động, nếu xử lý bằng cảm tính, bằng tâm lý “bầy đàn” mà bỏ quên yếu tố khoa học trong các vấn đề kinh tế thì thiệt hại cho doanh nghiệp bao giờ cũng lớn.

Khi đánh giá về chính sách tiền tệ phải đứng ở góc độ của toàn dân chứ không thể chỉ đứng trên quan điểm của doanh nghiệp.

Đã hoạt động trong nền kinh tế thị trường thì doanh nghiệp không thể  đòi hỏi ngân hàng - cũng là doanh nghiệp - phải phục vụ mình vô điều kiện. Cũng nên đặt câu hỏi, tại sao các doanh nghiệp liên doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không kêu về vấn đề vay vốn ngân hàng mà  chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu. Đấy là vì bản thân doanh nghiệp có 2, 3 đồng thì tiêu 10 đồng, tức là phụ thuộc quá lớn vào ngân hàng. Điều này dẫn đến nền kinh tế phát triển nóng.

Khuyết điểm lớn nhất: Chính sách phát triển kinh tế nóng

“Kinh tế phát triển nóng” phải chăng  xuất phát từ những yếu kém trong “4 phần” mà ông đã phân định ở trên?

Tôi xin chia sẻ nhận xét này. Khuyết điểm lớn nhất trong điều hành năm 2008 là  đặt ra chính sách phát triển kinh tế nóng.

Tháng 11/2007 tuy đã có tiếng nói cảnh báo nhưng Chính phủ vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 8,5- 9%, tạo việc làm cho 1,7 triệu lao động, xuất khẩu vẫn tăng…

Việc đặt chỉ tiêu như vậy đã tạo ra hoàn cảnh khó khăn hơn cho nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2008. Cùng bị tác động mặt bằng giá kinh tế thế giới thì nền kinh tế nước ta khó khăn hơn do chính sách vĩ mô không dự báo được xu hướngcũng như bối cảnh kinh tế  khu vực và thế giới.

Thứ hai nữa là Chính phủ đã  không đánh giá kịp thời tác động của khủng khoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam khi  nhận định ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới không ảnh hưởng đến Việt Nam, trong khi độ mở của nền kinh tế nước ta lớn, doanh số xuất khẩu + nhập khẩu gấp 1,6 lần GDP.

Kinh nghiệm của cuộc khủng khoảng tài chính khu vực năm 1997 đã chỉ ra nền kinh tế Việt Nam luôn có độ trễ so với khu vực và quốc tế do chúng ta đang chuyển đổi. Đánh giá này góp phần làm lệch biện pháp điều hành dẫn đến khó khăn hơn cho nền kinh tế.

Xét về góc độ lập chính sách cũng phản ánh việc chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc phát triển các loại thị trường trong kinh tế thị trường. Ví dụ như đối với thị trường bất động sản. Vì muốn mở rộng thị trường bất động sản nên trong Luật Nhà ở quy định là chỉ cần 20% vốn của dự án là được khởi công và huy động các nguồn vốn khác (nói cụ thể là có quyền bán nhà dự án khi vừa khởi công). Song điều đó chỉ phù  hợp trong điều kiện nền kinh tế phát triển bình thường.

Còn trong nền kinh tế khó khăn, vì sức ép đáp ứng 80% vốn còn lại còn lại cho doanh nghiệp đã đẩy nhanh tổng phương tiện thanh toán ra quá nhiều và quá nhanh, dẫn đến đẩy lạm phát lên. Đến nay khi cầu giảm thì doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bán hàng, ngân hàng gặp khó khăn trong thu hồi nợ làm nợ xấu của ngân hàng tăng cao hơn.

Chứ nếu doanh nghiệp đã có 6 đồng, chỉ đi vay 4 đồng thì vấn đề không căng thẳng như bây giờ.

Đúng, vẫn không dễ thuyết phục

Nhưng không lẽ tại thời điểm đó, không có bất cứ ý kiến nào phản biện những nhận định chưa chính xác đó sao? Còn vai trò giám sát của Quốc hội nữa mà, thưa ông?

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế vào tháng 11/2007 cũng đã nói rõ mặt bằng giá 2007 sẽ tạo áp lực tăng giá và có thể gây tăng chỉ số giá tiêu dùng  rất lớn trong năm 2008.

Tại báo cáo trình bày trong kỳ họp thứ 3 (tháng 5/ 2008), Ủy ban đã đề nghị xem xét để không chỉ điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ số lạm phát, vì các chỉ tiêu còn lại của nền kinh tế có liên quan mật thiết với nhau.

Ví dụ như về chỉ tiêu tạo việc làm mới  của năm 2008, theo quan điểm của Ủy ban thì con số  1,7 triệu việc làm là không thể thực hiện được trong 2009. Không thể đầu tư giảm, xuất khẩu giảm mà việc làm lại tăng, đó là nghịch lý.

Song lúc đó mình tiếng nói của Ủy ban không thể nào thuyết phục được cả ba bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, ba người phải hơn một người. Và Quốc hội vẫn quyết, còn Ủy ban thì không thể bác.

Nhưng sau đó thực tế đã chứng minh ý kiến của Ủy ban Kinh tế là đúng?

Trong khoa học kinh tế thì chưa chắc đa số đã đúng. Nhưng hiện nay Quốc hội vẫn hoạt động theo đa số, biểu quyết thì phải theo số đông.  Khi nghe lần lượt bốn người phát biểu thì ba người bày tỏ đồng ý, một người bày tỏ sự nghi ngại thì các đại biểu Quốc hội làm sao mà theo một ông được, phải theo ba ông chứ.

Có lý do các đại biểu Quốc hội còn thiếu thông tin không, thưa ông?

Nếu thiếu thông tin là do các đại biểu chưa thực hiện hết quyền của mình, vì một trong năm quyền của đại biểu là quyền được thông tin. Muốn phát biểu vấn đề gì đó thì đại biểu cần tìm đủ thông tin để nói. Còn nếu không thì rất dễ gây áp lực  không cần thiết đến anh em làm công tác điều hành.

Ví dụ như việc đánh giá về tập đoàn kinh tế. Ủy ban Kinh tế chưa hề được đại biểu nào yêu cầu cung cấp thông tin về tập đoàn kinh tế. Nhưng mới chỉ qua một số thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có rất nhiều ý kiến phê phán nặng nề, gay gắt dễ gây những ấn tượng không chính xác.

Vì thông tin từ những bài báo sẽ cung cấp những góc nhìn khác nhau, đa chiều về một vấn đề, nhưng không có tính định hướng. Những người sử dụng thông tin đó phải kết hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau để phân tích, đối chiếu trước khi sử dụng.

Tuy nhiên, để tìm được sự đồng thuận của gần 500 đại biểu Quốc hội là cực kỳ khó. Vì thế chúng tôi đã chọn cách làm việc nhanh hơn. Đó là đổi mới phương pháp làm việc của Ủy ban với các bộ.

Đổi mới như thế nào, xin ông nói cụ thể hơn?

Tăng cường tính tranh luận, trao đổi của các ủy ban của Quốc hội với Chính phủ và các bộ, nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động thẩm tra để  thực hiện tốt hơn quyền giám sát.

Trước mỗi vấn đề mới, Ủy ban Kinh tế đều chủ động bày tỏ quan điểm và kiến nghị giải pháp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và trình bộ Chính trị. Kết luận của Bộ Chính trị về 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 được hình thành trên cơ sở đó, tức là trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách phản biện, bổ sung..

Khi có 8 nhóm giải pháp thì điều hành phải linh hoạt. Tháng 5/2008, khi tính thanh khoản của các ngân hàng khó khăn, Ủy ban Kinh tế đã có văn bản gửi Thường trực Chính phủ về vấn đề này. Tất nhiên các cơ quan điều hành đã nhìn thấy việc đó, sẽ thực hiện, nhưng khi có tác động của các cơ quan Quốc hội thì việc xử lý nhanh hơn và rốt ráo hơn.

Năm 2008, lần đầu tiên Ủy ban Kinh tế chủ động đăng ký gặp Thường trực Ban bí thư và Chủ tịch, các phó chủ tịch Quốc hội để báo cáo (cả trực tiếp và cả bằng văn bản) tình hình kinh tế và đề xuất giải pháp mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn lớn cần tháo gỡ.

Mặc dù vậy, khuyết điểm lớn nhất của chúng tôi trong năm qua là nhiều vấn đề cảm thấy mình đúng mà vẫn không thuyết phục được mọi người. Qua đó chúng tôi tự nhận thấy các thành viên Ủy ban phải tiếp tục nghiên cứu để khi đề xuất các vấn đề mới đưa ra được các luận cứ khoa học có tính thuyết phục hơn. Cần tận dụng chất xám của các chuyên gia trong và ngoài nước khi nghiên cứu các vấn đề kinh tế - xã hội trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chúng tôi đã có thỏa thuận hợp tác với Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trong năm nay, chúng tôi sẽ ký tiếp thỏa thuận với Kiểm toán Nhà nước và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để phát huy được chất xám của các nhà khoa học, các doanh nhân trong xử lý các vấn đề quan trọng.

Như vậy có thể nói đã có cọ xát, có tranh luận, có phản biện, nhưng đúng chưa hẳn đã dễ thuyết phục, phải không ạ?

Chính xác. Chắc là tại tính thuyết phục của chúng tôi chưa cao.

Đã đến lúc cơ cấu lại nền kinh tế!

Chuyện cũ đã khá dài. Xin phép ông  chuyển sang chuyện mới - chuyện của 2009. Liệu với cách đổi mới phương pháp làm việc như đã nói trên thì Ủy ban Kinh tế và các cơ quan tham mưu của Chính phủ có đạt được sự thống nhất về nhận định  tình hình kinh tế năm 2009?

Riêng về nhận định thì hai bên đều thống nhất là năm 2009 tình hình kinh tế của nước ta sẽ khó khăn hơn 2008 rất nhiều.

Theo quan điểm riêng của Ủy ban Kinh tế thì khó nhất là gì?

Khó nhất là nhận thức đó chưa được thể hiện được bằng hành động kịp thời. Nhận thức đúng nghĩa là  trong năm 2009 phải chấp nhận các doanh nghiệp phá sản, chấp nhận sự mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Như vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm “đỡ” cho những người thất nghiệp để họ có thể tái tạo việc làm. Đồng thời phải xem xét lại hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về phá sản để tạo thuận tiện cho việc đăng ký phá sản gắn với trách nhiệm của người chủ doanh nghiệp.

Muốn “đỡ” thì phải có chính sách, nhưng đến giờ này chưa có những nghiên cứu, tổng kết và đề xuất chính sách loại này, chưa thấy ai tiến hành thống kê trong số 400 ngàn doanh nghiệp đã có bao nhiêu phải đóng cửa và số lượng người lao động mất việc từ tháng 9/2008 đến nay là bao nhiêu?

Bộ Lao động và Thương binh - Xã hội cũng chỉ vừa mới có văn bản yêu cầu các tỉnh thống kê số lao động thất nghiệp. Còn quy định bảo hiểm thất nghiệp thì vừa mới ra đời.

Chính sách thì luôn có độ trễ. Từ lúc ban hành đến khi có kết quả có khi mất vài năm. Muốn rút ngắn thời gian thì phải có tác động và chi phí tất yếu từ phía cơ quan quản lý nhà nước.  Ví dụ cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp vay tiền để hỗ trợ ngay cho những người thất nghiệp.

Đã là nhận thức đúng thì phải chuyển thành hành động. Hành động chậm thì thời gian hồi phục nền kinh tế kéo dài ra. Nó giống như khi chúng ta bị thương mà băng bó ngay thì đỡ chảy máu. Đằng này băng bó chậm thì sau này vừa phục hồi vết thương vừa phải tiếp máu.

Với nhìn nhận chủ quan của ông thì trong gần 400 ngàn doanh nghiệp hiện có  bao nhiêu doanh nghiệp đang "ngắc ngoải"?

Có cơ sở để khẳng định nhiều doanh nghiệp đang ngắc ngoải, nhưng không đủ căn cứ để đưa ra con số cụ thể là bao nhiêu phần trăm. Vì  từ trước đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức.

Vậy nên chỉ có thể nhìn gián tiếp qua dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng. Vì doanh nghiệp phá sản đi kèm theo nợ xấu của ngân hàng. Hoặc là thông qua cơ quan thuế để xem có bao nhiêu doanh nghiệp trong năm 2008 đã không thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế.

Những khó khăn trên đang là thách thức lớn của  khả năng hồi phục nền kinh tế, thưa ông?

Tôi nghĩ sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam năm 2009 sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố.

Thứ nhất, yếu tố ngoại. Nếu thị trường Mỹ, EU và đông bắc Á hồi phục nhanh , các gói cứu trợ của Mỹ, EU, Trung Quốc hoạt động tốt thì khoảng quý 3 năm 2009, tăng trưởng của các nước đó dương thì nền kinh tế của chúng ta vào những tháng đầu 2010 sẽ hồi phục.

Thứ hai là từ nội sinh. Chúng ta nói nhiều là nước ta dân số đông, thị trường tiềm năng, lợi thế để chào mời đầu tư nhưng lại chưa chú ý đúng mức đến việc  khai thác thị trường này. Vấn đề sắp tới là biện pháp của Chính phủ khai thác thị trường này như thế nào. Nếu làm tốt thì quý 3 năm 2009 thì nền kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục và giữ  được đà tăng trưởng.

Yếu tố thứ ba có tính quyết định là tầm nhìn, cách nhìn của Chính phủ. Nếu nhân dịp này cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế, thì có thể tốc độ phục hồi sẽ chậm lại, không phải là quý 3/2009 nhưng phát triển sẽ nhanh hơn rất nhiều vào năm 2010.

Như vậy, theo ông đã đến lúc cần phải cơ cấu lại nền kinh tế? Ông có thể nói rõ là nên cơ cấu theo hướng nào?

Việc này lẽ ra phải làm trước khi gia nhập WTO để đón sự kiện này nhưng chúng ta chưa làm kịp. Song bối cảnh mới hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách phải cơ cấu lại nền kinh tế.

Nhìn lại kinh tế nước ta sau 22 năm đổi mới, có thể chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là cơ cấu nền kinh tế theo hướng thay thế nhập khẩu từ năm 1986 đến 1997. Đây là thời kỳ hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, nền kinh tế nước ta chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.

Giai đoạn thứ 2 từ 1998 đến 2008, tôi tạm gọi như vậy, là giai đoạn cơ cấu nền kinh tế hướng tới xuất khẩu. Sau khủng khoảng tài chính khu vực nền kinh tế nước ta cũng gặp khó khăn, cuối 1999 cũng rơi vào tình trạng trì trệ. Trong giai đoạn này chúng ta tận dụng ưu thế về lao động, giá nhân công rẻ để thu hút đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong việc chiếm lĩnh thị trường.

Đến năm 2000 trở đi dần đẩy nhanh được tốc độ phát triển kinh tế. Và bây giờ từ 2009, theo tôi, phải chuyển đổi sang phát triển bền vững.

Nên cơ cấu theo hướng kết hợp hài hòa giữa sử dụng nguồn lực lao động để giải quyết áp lực lao động với công nghệ. Trong điều kiện hiện nay phải cơ cấu theo hướng hàng hóa Việt Nam phải đi vào thị trường ngách, chứ không thể đi vào thị trường chính ngạch được. Nếu không phát triển thị trường ngách thì còn lâu nữa nền kinh tế mới phát triển được như chúng ta mong muốn.

Bởi, hiện nay trên thế giới thị trường đã định hình, các tập đoàn đa quốc gia phần lớn đã phân chia xong thị trường.

Theo tôi, Việt Nam phải đi vào thị trường ngách có chất lượng cao, ví dụ đi vào sản xuất sản phẩm nông sản cực sạch, sạch tuyệt đối. Con cá chỉ nuôi bằng nước sông không cần có trọng lượng đến 1 kg nhưng tỷ lệ mỡ và các tiêu chuẩn khác phải cực chuẩn để bán cho các đối tượng đặc biệt. Rau sạch được trồng bằng tay, không bón phân, chứ không phải canh tác đại trà cả mấy chục ha, phun thuốc trừ sâu ầm ầm. Cách làm đó  thì không thể xuất khẩu được được vì nhiều nước khác họ đã làm giỏi hơn nước mình nhiều.

Trong công nghiệp nên chọn những sản phẩm, những hướng đi tận dụng được lợi thế sẵn có, đừng đi theo hướng khép kín, nghĩa là để đóng một con tàu chúng ta tự sản xuất từ thép, động cơ thủy đến nghi khí hàng hải… Mà phải học kinh nghiệm của Ấn Độ trong phát triển công nghệ phần mềm, họ không thể sản xuất những con chip cho máy tính rẻ và chất lượng cao như Intel nên họ đã chọn hướng đi là phát triển phần mềm ứng dụng trên nền của các nước tiên tiến. Và họ đã thành công.

Thế nên việc cơ cấu lại nền kinh tế lúc này là hết sức cần thiết rồi.

Đã có động thái nào cho thấy việc cơ cấu lại được bắt đầu chưa, thưa ông?

Chúng ta đã nhận thức được vấn đề nên bắt đầu rà soát lại các dự án khuyến khích đầu tư, xây dựng luật công nghệ cao, chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, theo tôi vẫn chưa đủ và cần đẩy nhanh tốc độ. Cần sử dụng gói 17.000 tỷ đồng kích cầu sản xuất và tiêu dùng để đẩy nhanh việc chuyển đổi này. Chính phủ sẽ thảo luận cụ thể vào kỳ họp cuối tháng 12/2008.

Cá nhân tôi hy vọng vào một động lực mới để đẩy nhanh quá trình ổn định và phát triển trong năm 2009.

( Theo vneconom )

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Dòng tiền không còn hướng vào ngân hàng!
  • InCham: Sẽ có bùng nổ đầu tư từ Ấn Độ vào Việt Nam
  • Năm 2008, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp giảm chưa từng có
  • Năm 2009 Hà Nội phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 9,5 - 10%
  • Lạm phát sẽ xuống mức một con số vào cuối 2009
  • Giã từ “vũ khí”
  • "Siêu tổng công ty" phình thêm vốn
  • Việt Nam có cần ngân hàng nhỏ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!