Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: “Thỏa thuận không có nghĩa là nới lỏng!”
(Theo Vneconomy)
Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. |
Hiện thực hóa mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất theo Nghị quyết 18/CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng đó là quá trình từng bước để lãi suất tự điều tiết theo cung cầu thị trường chứ không phải nới lỏng tiền tệ như một số ý kiến nêu ra…
Xung quanh vấn đề này, trong cuộc trao đổi với chúng tôi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói:
- Trong việc triển khai Nghị quyết 18 của Chính phủ, sự ra đời của Thông tư số 12/2010/TT-NHNN trong ngày 14/4, cho phép tổ chức tín dụng áp dụng cơ chế cho vay với lãi suất thỏa thuận, được coi là bước đi rất đúng thời điểm. Thông tư không chỉ tạo sự ổn định về mặt tâm lý mà còn đạt nhiều mục tiêu khác: ổn định thị trường tiền tệ; tăng vốn cho nhu cầu hợp lý của nền kinh tế; đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; đồng thời, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước đã thảo luận vấn đề này với các ngân hàng, họ đồng thuận rất cao. Hiện tại, hầu hết ngân hàng đều cho vay 14%/năm, nhất là ý thức việc hạ lãi suất cho vay nông nghiệp và xuất khẩu.
Ở đây, phải hiểu rõ là Ngân hàng Nhà nước đang từng bước trả lãi suất về cho thị trường chứ không phải nới lỏng tiền tệ như một vài ý kiến nêu gần đây. Trong giai đoạn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải thực hiện chính sách điều hành chủ động, linh hoạt nhưng thận trọng.
Ngoài ra, song song với việc ban hành thông tư trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối kết hợp với Bộ Công thương tìm các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, góp phần ổn định cán cân thanh toán. Cụ thể, ngân hàng sẽ tập trung ngoại tệ cho vay nhập khẩu với những mặt hàng thiết yếu, ngoại trừ những mặt hàng trong nước sản xuất được. Để thực hiện tốt vấn đề này, chúng tôi còn chờ sự phối hợp của Bộ Công Thương trong việc cung cấp danh mục hàng hóa thiết yếu, số lượng cần nhập khẩu… để cân đối nguồn ngoại tệ.
Thưa Thống đốc, khi khống chế trần lãi suất thì viện dẫn điều 476 Luật Dân sự, vậy khi “cho vay thỏa thuận” thì cơ sở pháp lý dẫn chiếu cho Thông tư 12 là gì?
Cơ sở pháp lý của Thông tư số 12/2010/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng VND theo lãi suất thỏa thuận thì phải bám vào Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành và Nghị quyết 12 (ban hành tháng 3/2010 - PV), Nghị quyết 18 của Chính phủ. Cùng đó là văn bản cho phép cho vay thỏa thuận với tiêu dùng đầu năm 2009 của Ngân hàng Nhà nước.
Chứ còn nếu mà bắt bẻ từ ngữ thì không thể nào làm được.
Đại diện một số ngân hàng thương mại nói rằng, họ sẵn sàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đề nghị Ngân hàng Nhà nước không nên quá lo lạm phát mà “dè xẻn” hỗ trợ thanh toán ngân hàng thương mại khi cần thiết. Thống đốc nói gì về vấn đề này?
Chính sách hỗ trợ lãi suất xét về toàn cục là có ý nghĩa lớn nhưng cũng có mặt trái, vì chúng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng rất nhanh.
Tháng 1/2009, tăng trưởng tín dụng 0,65% so với cuối năm trước, tháng 2/2009 tăng 1,14% nhưng đến tháng 3/2009 khi thực hiện hỗ trợ lãi suất thì con số này là 4,22%, tháng 6/2009 tăng 4,44%, kéo theo cả năm tăng trưởng tín dụng 37,7% so với năm trước, cao hơn huy động vốn 10% (huy động vốn tăng 27%/năm).
Sự bùng nổ tín dụng do mặt trái chính sách, nhưng cũng một phần do quản trị của nhiều ngân hàng chưa tốt. Điều này không nên đổ lỗi hoàn toàn cho Ngân hàng Nhà nước, vì bất cứ ngân hàng nào cũng phải tự biết bảo vệ mình trước ham muốn tăng trưởng tín dụng.
Còn việc hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng thương mại thì Ngân hàng Nhà nước vẫn làm thường xuyên đấy chứ. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải kiềm chế, vì nếu quá tay, tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 43% - 44%! Ngân hàng Nhà nước bao giờ cũng phải hài hòa giữa hai mục tiêu tăng trưởng và lạm phát và công việc đó không khác gì người đi trên dây.
Còn chuyện “bơm - hút” trên nghiệp vụ thị trường mở thì thế này. Tháng 1/2010: Ngân hàng Nhà nước chào mua 264 nghìn tỷ đồng nhưng số xin mua chỉ 153 nghìn tỷ đồng và Ngân hàng Nhà nước đưa lớn hơn mức chào mua 111 nghìn tỷ đồng. Tháng 2, Ngân hàng Nhà nước chào mua 262 nghìn tỷ đồng nhưng sức mua chỉ 73 nghìn tỷ đồng. Tháng 3, Ngân hàng Nhà nước chào mua 218 nghìn tỷ đồng nhưng các ngân hàng thương mại chỉ trúng thầu 94 nghìn tỷ đồng. 12 ngày đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước chào mua 97 nghìn tỷ đồng nhưng ngân hàng thương mại chỉ trúng thầu mua 47 nghìn tỷ đồng.
Nhưng các ngân hàng thương mại “sức yếu” thì lấy đâu tiền để mua giấy tờ có giá để giao dịch trên thị trường mở?
Đừng nói là họ không có tiền. Họ không làm đấy thôi!
Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia trên thị trường sơ cấp đối với trái phiếu và các giấy tờ có khác. Nhưng vì tâm lý ỷ lại “nếu mình có khó khăn, Nhà nước sẽ hỗ trợ” nên ít mua mà thôi.
Như thế là đáng trách. Rất nhiều lần tôi đã phê phán các ngân hàng thương mại và nghiêm khắc với cách suy nghĩ này.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa công bố phân loại ngân hàng để người gửi tiền có cơ sở phân biệt mức độ rủi ro từng ngân hàng và đó là một thiệt thòi cho người dân khi biến cố xảy ra. Thống đốc nghĩ sao?
Đây là ý kiến chính đáng, tôi sẽ tiếp thu ý kiến này và Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành văn bản quy định trích lập tỷ lệ rủi ro phải theo thông lệ quốc tế. Hiện có một số ngân hàng thương mại đã trích được theo điều 7 của Quyết định 493, tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước sẽ minh bạch trong đánh giá, xếp hạng từng ngân hàng theo tiêu chí chuẩn mực và sẽ công bố. Những ngân hàng năm ngoái xếp loại D nhưng năm nay được lên A thì cũng phải giải thích lý do. Đây là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi ngân hàng và đồng thời, đó cũng là cách đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
Cân đối tổng thể, tỷ trọng cho vay và huy động có “lệch pha” như trước đây, thưa Thống đốc?
Mặc dù trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát đang cao trong quý 1/2010 nhưng huy động vốn toàn ngành đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Đến ngày 9/4/2010, huy động vốn tăng trưởng 4,18% so với đầu năm và riêng 9 ngày đầu tháng 4/2010 đã tăng 0,68% so với cuối tháng 3/2010, trong đó, tiền gửi từ dân cư tăng 10,2% so với đầu năm, 9 ngày đầu tháng 4/2010 tăng 1,2% so với cuối tháng 3/2010.
Đặc biệt, đến nay, dư nợ cho vay tăng 3,84% so với đầu năm, thấp hơn 0,34% so với tổng huy động vốn và đó là điều đáng mừng vì lâu lắm rồi, tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi lớn hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ.
Hiện tại, có tình trạng “mặc cả lãi suất” của khách hàng gửi tiền, nhất là các tập đoàn, tổng công ty và điều này đã gây áp lực lên lãi suất huy động của ngân hàng thương mại. Thống đốc có ý kiến gì về vấn đề này?
Nghị quyết 18/CP của Chính phủ đã nhấn mạnh rõ vai trò trách nhiệm của chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong việc bình ổn kinh tế. Có một điều tôi băn khoăn là nhiều doanh nghiệp Nhà nước là "con nợ" của ngân hàng, nhưng họ lại có nguồn tiền để gửi ngân hàng, đấy là vấn đề cần phải xem xét.
Chắc chắn ở đây không có câu chuyện vay lãi suất cao rồi gửi để lấy lãi suất thấp. Theo quy luật, lãi suất tiền vay bao giờ cũng cao hơn lãi suất tiền gửi. Nếu là năm ngoái (có hỗ trợ lãi suất 4% - PV) thì điều đó còn có cơ sở nhưng năm nay là có yếu tố không bình thường ở đây.
Có những tập đoàn giàu nhất quốc gia mà còn nợ tới 24 ngân hàng với mấy chục ngàn tỷ đồng. Có tập đoàn nào mà không nợ ngân hàng đâu? Thế rồi, tại sao trong cùng một tập đoàn mà chỗ thì đi vay, chỗ thì cho vay? Vậy thì trách nhiệm điều hòa dòng vốn, hỗ trợ thành viên trong cùng một tổng công ty, tập đoàn của người đứng đầu để ở đâu?
Còn chuyện mặc cả lãi suất với ngân hàng, có lần tôi đã nói với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn là không nên như thế. Mà nếu có tiền thì hãy tập trung vốn cho sản xuất và còn dư dả thì đem trả nợ ngân hàng.
Giám đốc ADB Việt Nam: “Thắt chặt tiền tệ là cần thiết”
(Theo Anh Quân // Vneconomy)
Ông Ayumi Konishi - Ảnh: Anh Quân. |
“Chúng tôi chúc mừng Việt Nam vì đã thành công trong việc giảm nhẹ tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đồng thời các biện pháp kích thích đã được đưa ra mà không gây nhiều tốn kém”, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, nói với VnEconomy.
Tuy nhiên, ông không quên nhấn mạnh đến mức thâm hụt tài chính lớn và tăng trưởng tín dụng cao, dẫn đến áp lực lạm phát và mất giá đồng nội tệ.
Dự trữ ngoại hối không quá mức báo động
Nếu nhìn vào tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam trong quý 1/2010, lạm phát tăng 8,51% (bình quân); nhập siêu đạt 3,5 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối giảm..., Việt Nam có ở trong tình thế khó khăn hơn so với các nước khác trong khu vực?
Nhờ nhanh chóng hoạch định và triển khai các biện pháp kích thích kinh tế, kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi từ quý 2 năm ngoái, sớm hơn so với nhiều quốc gia.
Vào ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và Chính phủ tái khẳng định lại chính sách ưu tiên hàng đầu của mình là đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Chúng tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không giống các quốc gia khác, vốn cũng đang tìm kiếm thời điểm thích hợp để đưa ra “chiến lược tồn tại” từ những biện pháp kích thích, và chúng tôi không cho rằng tình hình của Việt Nam là khó khăn hơn.
Một dấu hiệu tích cực là sự gia tăng vốn giải ngân FDI. Chúng tôi cũng nghĩ rằng mức dự trữ ngoại hối vào khoảng 12 tuần nhập khẩu hiện vẫn trong tầm kiểm soát, và không có gì là quá mức "báo động”, tất nhiên vẫn cần phải theo dõi chặt tình hình.
Giai đoạn phát triển và cơ cấu kinh tế hiện tại của Việt Nam kích thích dòng chảy ODA và FDI, dẫn đến việc nhập nhẩu thiết bị lớn hơn. Hơn nữa, do giá trị gia tăng nội địa của hàng xuất khẩu Việt Nam rất nhỏ, việc thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn đòi hỏi nhập khẩu thêm nguyên, nhiên liệu đầu vào và thiết bị.
Nhìn vào chênh lệch giữa tỷ giá thị trường chợ đen và tỷ giá chính thức từ hơn 10% vào năm 2009 chỉ còn 3,5% vào tháng 3 năm nay, chúng ta có thể nhận thấy áp lực lên VND đã được giảm nhẹ.
Theo ông, vì sao nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh tới trên 37% nhưng xuất khẩu giảm 1,6% trong quý 1? Sự mất cân đối này dẫn đến những hệ lụy gì?
Để hiểu tình hình tốt hơn, chúng ta cần phải xem xét chi tiết từng mặt hàng nhập khẩu cũng như xuất khẩu. Như đã nói ở trên, giải ngân FDI và ODA dẫn đến việc nhập khẩu lớn hơn và cũng có yếu tố mùa vụ liên quan đến xuất khẩu.
Việc gia tăng đột biến kim ngạch nhập khẩu vàng và các mặt hàng dự trữ khác là điều cần quan tâm. Nhưng nếu nó là do gia tăng giải ngân ODA và FDI thì tình hình không đáng báo động.
Theo chúng tôi được biết, thặng dư tài khoản vốn của Việt Nam lớn hơn thâm hụt tài khoản vãng lai, và khi nào trạng thái này còn tồn tại, chúng tôi nghĩ rằng không cần thiết phải quá lo ngại về vấn đề thâm hụt thương mại.
Vì sao giải ngân FDI tháng 3 lại đạt 1,5 tỷ USD, con số rất cao kể cả đối với giai đoạn kinh tế phát triển mạnh như 2008? Nếu nhìn vào cơ cấu thu hút vốn FDI, các dự án sản xuất thay thế hàng nhập khẩu dường như ngày càng ít đi. Theo ông, chính sách thu hút FDI của Việt Nam có vấn đề gì?
Theo tôi, FDI tăng, đặc biệt là giải ngân FDI phản ánh sự đánh giá của nhà đầu tư đối với cơ hội kinh doanh tại Việt Nam bao gồm cả cả hai triển vọng: như một thị trường và một địa bàn sản xuất tốt.
Chúng tôi không cho rằng việc dòng vốn FDI đầu tư mạnh vào bất động sản là tín hiệu xấu. Bởi vì trong một chừng mực nào đó, Việt Nam vẫn thiếu hụt văn phòng cho thuê, và FDI vào bất động sản cũng phản ánh triển vọng thị trường du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về tình trạng bong bóng tài sản trong thời gian gần đây.
Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh, cũng như cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực có kỹ năng. Đó là tất cả những vấn đề dài hạn, trong khi sự ổn định kinh tế vĩ mô được coi là chìa khóa cho Việt Nam để tiếp tục thu hút/nâng cao dòng vốn FDI.
Thắt chặt tiền tệ là cần thiết
Chính sách lãi suất và tỷ giá thời gian gần đây có sự thay đổi khi cho áp dụng lãi suất thỏa thuận. Theo ông, lạm phát sẽ chịu tác động như thế nào từ chính sách này?
Lạm phát khiến người dân kỳ vọng sự suy yếu của VND, cùng lúc đó, sự mất giá của đồng nội tệ càng làm tăng giá hàng hoá nhập khẩu bao gồm cả xăng dầu, và kết quả là lạm phát. Đó là lý do tại sao lòng tin của người dân vào sự ổn định kinh tế vĩ mô là điều cần thiết để giảm áp lực lạm phát.
Thắt chặt tiền tệ là cần thiết để kiềm chế lạm phát và khôi phục lòng tin thị trường vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô Việt Nam. Loại bỏ trần lãi suất đã thắt chặt hơn chính sách tiền tệ, và việc điều chỉnh tỷ giá VND cũng là cần thiết để đảm bảo thị trường ngoại hối hoạt động suôn sẻ.
Liệu Việt Nam có đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định với mức lạm phát có thể lên đến 10% trong năm nay? Ông có lý giải cụ thể của riêng mình?
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6,5% cho năm 2010 và 6,8% cho năm 2011, lạm phát trung bình năm tương ứng ở mức 10% và 8%. Chúng tôi đã giả định rằng Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên cao nhất cho sự ổn định, thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô, và chúng ta cũng cần lưu ý về độ trễ giữa thời điểm áp dụng chính sách và tác động của nó đến nền kinh tế.
Khi mà Chính phủ có thể theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao hơn chắc chắn sẽ đi kèm với áp lực lạm phát, và chúng tôi cho rằng những con số này trong năm 2010 và 2011 có thể là hệ quả của chính sách vĩ mô.
Cán cân thanh toán đã được bù đắp
Từ năm 2009 đến nay, ADB, WB... đã có một số khoản tín dụng chuyển trực tiếp vào ngân sách của Việt Nam. Xin ông giải thích rõ việc này?
Trong năm 2009, các biện pháp kích thích kinh tế dẫn đến thâm hụt tài chính lớn và những thâm hụt như vậy cần thiết được hỗ trợ tài chính.
Ngay cả trước khi năm 2009, cùng với Chương trình Tín dụng Hỗ trợ giảm nghèo (PRSC), Việt Nam đã được nhận hỗ trợ trực tiếp vào ngân sách từ nguồn vốn ODA bởi một số đối tác phát triển.
ADB đã tăng đồng tài trợ cho PRSC từ 25 triệu USD lên 100 triệu USD và cũng cung cấp một khoản trị giá 500 triệu USD khác thuộc Quỹ Hỗ trợ Chống suy thoái theo chu kỳ.
Chúng tôi được biết Ngân hàng Thế giới cũng tăng hỗ trợ cho PRSC và áp dụng chính sách giải ngân nhanh dựa trên một khoản vay trị giá 500 triệu USD. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng cung cấp một gói hỗ trợ ngân sách đặc biệt trị giá khoảng 500 triệu USD.
Việc phát hành trái phiếu quốc tế vừa rồi với mức lãi suất cao hơn một số nước cùng khu vực được lý giải là do cán cân thanh toán của Việt Nam mất cân đối hơn. Quan điểm của ông?
Thâm hụt Ngân sách nói chung và các biện pháp kích thích kinh tế nói riêng đã được tài trợ, và chúng tôi tin phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ vào đầu năm nay là một hành động phù hợp.
Bởi vì, việc định giá 6,95% được coi là thỏa đáng đối với tình hình thị trường lúc đó, và trong giai đoạn Chính phủ đã cạn kiệt các nguồn lực, không có sẵn nguồn vốn rẻ mà mang lại nhiều thuận lợi hơn.
Và việc phát hành trái phiếu quốc tế đã cải thiện được cán cân thanh toán của đất nước.
Có khuyến cáo rằng Việt Nam nên tăng thu ngân sách để giảm bội chi chứ không nên giảm chi. Theo ông, Việt Nam cần cân nhắc điều gì và chọn giải pháp nào để cân bằng thu chi ngân sách trong giai đoạn tới?
Chúng tôi tin rằng Việt Nam cần làm cả hai cách. Điều này sẽ rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả của chi tiêu công. Vì ở mức độ nhất định, một vài khoản chi tiêu công không được cho là đã được sử dụng có hiệu suất và hiệu quả nhất, Chính phủ không nên ngần ngại chi tiêu công hợp lý.
Đồng thời, rất cần thiết phải nỗ lực tăng khả năng thu thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân, không chỉ vì cân nhắc đến hiệu quả thu thuế mà còn bởi tính công bằng của nó.
( Tinkinhte.com tổng hợp )
Bài thuộc chuyên đề: Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam ?
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com