Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cơ chế lãi suất thỏa thuận - Ổn định thị trường, giảm mặt bằng lãi suất

Hôm 14-4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 12/2010/TT-NHNN, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay bằng VNĐ đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận. Trao đổi với ĐTTC xung quanh cơ chế mới này, Thống đốc NHNN Việt Nam NGUYỄN VĂN GIÀU cho biết:

Theo Thông tư 12, các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng VNĐ phải niêm yết công khai lãi suất cho vay ở mức hợp lý, trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng vay. Tuy nhiên phải tiết kiệm chi phí hoạt động, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất-kinh doanh, nhất là khu vực nông nghiệp-nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với mức biến động của lãi suất huy động vốn bằng VNĐ, theo mục tiêu, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phải báo cáo NHNN về lãi suất cho vay bằng VNĐ theo nhu cầu vay.

Việc ban hành cơ chế lãi suất thỏa thuận nhằm đảm bảo ổn định hoạt động của thị trường tiền tệ; đáp ứng tăng vốn cho các nhu cầu hợp lý, chính đáng của nền kinh tế. Cơ chế mới này cũng nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và giảm mặt bằng lãi suất. Điều phấn khởi là khi đưa ra thảo luận, cơ chế lãi suất thỏa thuận nhận được sự đồng thuận rất cao từ các ngân hàng thương mại. Dự kiến khung lãi suất thỏa thuận của hầu hết các ngân hàng cho các khoản vay ngắn hạn với lãi suất dưới 14%/năm. Một vài ngân hàng cho vay ở mức 14,5%/năm nhưng sau đó sẽ xem xét lại.

Cơ chế lãi suất thỏa thuận nhằm đảm bảo hoạt động của thị trường tiền tệ. Ảnh: TUẤN ANH

PHÓNG VIÊN: - Thưa Thống đốc, một trong những mục đích của cơ chế lãi suất thỏa thuận nhằm ổn định thị trường và đáp ứng tăng vốn cho các nhu cầu hợp lý, chính đáng của nền kinh tế. Nhưng quan trọng là các ngân hàng thương mại thể hiện cụ thể thế nào?

Thống đốc NGUYỄN VĂN GIÀU: - Lãi suất đối với khu vực nông nghiệp và xuất khẩu bao giờ cũng thấp. Một số ngân hàng đã báo cáo vấn đề này và chúng tôi sẽ khuyến khích để họ giảm thấp hơn nữa. Thí dụ Agribank hiện cho vay nông nghiệp, nông dân ở mức lãi suất 13,2%/năm, cho vay xuất khẩu khoảng 14%/năm; VietinBank cho vay nông nghiệp và xuất khẩu 13,5%/năm; BIDV cho vay nông nghiệp 13%/năm, xuất khẩu 12%/năm… Thậm chí MaritimeBank, một ngân hàng cổ phần nhưng chỉ cho vay xuất khẩu 12%/năm. Tôi cho rằng Nghị quyết 18 của Chính phủ triển khai thời điểm này mang lại sự ổn định tâm lý rất cao, không chỉ tác động đến lãi suất mà còn tác động đến các chính sách khác.

NHNN đang phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp về hạn chế nhập siêu. Theo đó, các ngân hàng thương mại tập trung ngoại tệ cho vay đối với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được; hạn chế việc cho vay ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, các mặt hàng xa xỉ. Hiện nay thị trường ngoại hối cơ bản ổn định. Khoảng 10 ngày nay trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại luôn thừa 400-500 triệu USD.

 - Thực hiện cho vay lãi suất thỏa thuận, NHNN có quy định gì về trần lãi suất huy động?

- Việc thống nhất trần lãi suất huy động VNĐ dưới 10,5%/năm là thỏa thuận của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), không phải do NHNN quy định. Vì nhận thấy thỏa thuận này có lợi và đảm bảo ổn định thị trường nên chúng tôi có văn bản ủng hộ VNBA. Tôi cho rằng việc thực hiện thỏa thuận trần lãi huy động của VNBA là tốt trong bối cảnh chỉ số CPI dễ dẫn đến lạm phát cao khiến thị trường biến động.

Tôi nói đó là thành công vì đến nay tốc độ tăng vốn huy động của hệ thống được cải thiện tốt. Đến ngày 9-4, tốc độ tăng huy động vốn của hệ thống ngân hàng đã lên tới 4,18% so đầu năm. Riêng 9 ngày đầu tháng 4-2010, vốn huy động tăng 0,68% so cuối tháng 3, trong đó tiết kiệm dân cư tăng 10,2% so đầu năm và 1,2% so cuối tháng 3-2010. Cùng thời gian, tốc độ tăng dư nợ lên 3,84% so đầu năm (9 ngày đầu tháng 4-2010 tăng 0,48%). Quan trọng là tốc độ tăng vốn huy động mới nhanh hơn tăng trưởng dư nợ.

- Có ý kiến cho rằng để giảm mặt bằng lãi suất, bên cạnh các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, NHNN cần hỗ trợ thanh khoản kịp thời khi họ gặp khó khăn về vốn. Thống đốc nghĩ sao?

- Việc một số ngân hàng nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản, trước hết phải nói đến mặt trái chính sách như hỗ trợ lãi suất trong năm 2009 tác động làm tăng trưởng tín dụng rất nhanh. Ngay trong quản trị rủi ro, một số ngân hàng cũng chưa lường được tình hình. Nhưng những lúc thanh khoản thị trường khó khăn, NHNN vẫn bơm tiền qua thị trưởng mở.

Thí dụ, trong 3 tháng đầu năm 2010: tháng 1, NHNN chào 264.000 tỷ đồng, trong khi các ngân hàng thương mại chỉ mua 153.000 tỷ đồng; tháng 2, NHNN chào 262.000 tỷ đồng, ngân hàng thương mại trúng thầu 73.000 tỷ đồng; tháng 3 chào 218.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại chỉ mua 94.000 tỷ đồng; riêng 12 ngày đầu tháng 4, chúng tôi chào 97.000 tỷ đồng, ngân hàng thương mại chỉ trúng thầu 47.000 tỷ đồng. Nêu ra số liệu này để thấy rằng không phải NHNN không chịu bơm tiền. Việc một số ngân hàng nhỏ kêu không trúng thầu do họ không chú trọng đến việc đầu tư một tỷ lệ thích đáng giấy tờ có giá trong bản cân đối tài sản để có công cụ đấu thầu vốn từ thị trường mở.

- Mới đây, WB và ADB cho rằng Việt Nam nên tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiềm chế nguy cơ tái lạm phát. Việc kéo giảm mặt bằng lãi suất liệu có mâu thuẫn với khuyến nghị này?

- Thực ra ở đây không có mâu thuẫn. Tinh thần điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là chủ động, linh hoạt, thận trọng. Có thể phía Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề nghị thực thi chính sách tiền tệ đối với lãi suất cơ bản để đưa lãi suất thực trên thị trường về mức hợp lý, chứ họ không mong muốn lãi suất cho vay tăng lên đến 15-16%/năm. Việc triển khai cơ chế lãi suất thỏa thuận chỉ nhằm trả lại giá trị thực cho lãi suất, tránh các hiện tượng méo mó cung-cầu vốn. NHNN sẽ hỗ trợ việc giảm mặt bằng lãi suất kinh doanh bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc giảm khoảng 0,5% lãi suất với khoản vay kỳ hạn 7 ngày trên thị trường mở. Hiện nay các tổ chức tín dụng đang có khoảng 140.000 tỷ đồng giấy tờ có giá, nên rất thuận lợi cho việc hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất.

- Xin cảm ơn Thống đốc.

(Theo Hàm Yên // SGGP Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Chứng khoán hóa: Đi đâu về đâu?
  • Chứng khoán: Không ảnh hưởng nhiều bởi kết quả kinh doanh quý 1
  • Kết cục nào cho cuộc tranh cãi tiền tệ của Mỹ - Trung Quốc?
  • Tăng trưởng tín dụng: Phải hạ lãi suất “2 đầu”
  • Tương lai các dự án chậm triển khai
  • Bài toán nhà ở: Lệch pha cung, cầu
  • Diễn biến tỷ giá còn nhiều bất ngờ
  • Giữ vàng sẽ bất lợi ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!