Sắp tới, có khả năng các ngân hàng sẽ được cho vay ngắn hạn với lãi suất thỏa thuận và trần lãi suất huy động cũng được gỡ bỏ. Ảnh: Lê Toàn. |
Tín dụng quí 1-2010 tăng trưởng 2,95% so với cuối năm 2009 - đó là con số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đưa ra trong báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 3 vừa qua. Một ngày sau đó, trả lời trên website của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu công bố tăng trưởng tín dụng cùng thời gian trên là 3,34%. Vậy con số nào chính xác?
Tăng trưởng tín dụng tháng 3 gấp 7,5 lần tháng 1? Hãy cùng xem lại những số liệu về tăng trưởng tín dụng trong quí 1-2010 do NHNN đưa ra. Tháng 1-2010 tín dụng tăng trưởng 0,26%; tháng 2-2010 1,14%; quí 1-2010 3,34%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng của tháng 3-2010 là 1,94%, gấp 7,5 lần mức tăng của tháng 1. Con số này đã khiến nhiều ngân hàng bất ngờ vì theo phản ánh của họ, tổng dư nợ cho vay của họ trong tháng 3 không tăng bao nhiêu so với tháng 2. Còn thống kê của chi nhánh NHNN TPHCM chỉ ra rằng tăng trưởng tín dụng của thành phố ba tháng đầu năm ước chỉ 0,37% so với cuối năm ngoái. Mức tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm của thành phố đã là 0,34%, như vậy tín dụng tháng 3-2010 ước tăng vẻn vẹn 0,03%. Tín dụng của TPHCM thường là chỉ báo về sự biến động dư nợ của cả hệ thống do lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế ở đây cao. Liệu có một sự bất hợp lý nào đó không khi tăng trưởng tín dụng tháng 3-2010 của các ngân hàng TPHCM chỉ có 0,03% trong khi cả nước là 1,94%? Dư nợ ngoại tệ tăng vọt Bên cạnh khoảng cách giữa những con số, điều đáng lo ngại là cơ cấu tăng trưởng tín dụng đang có sự mất cân đối nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ KHĐT, trên phạm vi cả nước dư nợ cho vay bằng tiền đồng ba tháng đầu năm tăng 0,57% so với cuối năm 2009, nhưng dư nợ bằng ngoại tệ lại tăng tới 14,07%. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ so với tăng trưởng tín dụng tiền đồng gấp gần 25 lần! Tại TPHCM, dư nợ cho vay tiền đồng ước giảm 1,81% so với tháng 12-2009 trong khi dư nợ cho vay ngoại tệ ước tăng 7,2%. Có hai lý do giải thích cho sự “nhảy vọt” của dư nợ cho vay ngoại tệ: Thứ nhất là trong quí 1-2010 NHNN đã giảm dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ và quy định trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ áp dụng cho các tổ chức kinh tế tối đa 1%/năm. Động thái này giúp các ngân hàng giảm chi phí huy động vốn ngoại tệ và có thêm nguồn ngoại tệ để cho vay. Thứ hai chênh lệch lãi suất cho vay giữa đô la Mỹ và tiền đồng đang quá lớn, vượt mức 10%/năm, khuyến khích doanh nghiệp vay ngoại tệ. Ngoài ra, năm ngoái tăng trưởng tín dụng ngoại tệ khá thấp, nên hiện nay khi doanh nghiệp chuyển qua vay đô la Mỹ, thì dư nợ vay bằng đồng tiền này tăng lên từ xuất phát điểm tăng trưởng thấp của năm trước. Việc dư nợ cho vay ngoại tệ tăng nhanh và mạnh như hiện tại sẽ dẫn tới tình trạng đô la hóa nền kinh tế ở mức độ sâu rộng hơn. Nó tạo sức ép lên tiền đồng và làm cho lộ trình biến đồng Việt Nam thành đồng tiền chuyển đổi trở nên ngày càng dài và càng xa! Con số tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng ước giảm tới 1,81% ở TPHCM nói lên điều gì? Điều rõ nhất là các ngân hàng, thay vì cung ứng tiền đồng cho nền kinh tế, đang thu hồi vốn về. Kế đó các tổ chức tín dụng không có tiền đồng để cho vay. Nguyên nhân là vốn huy động bằng tiền đồng ba tháng qua của thành phố ước giảm 0,54% so với đầu năm. Nhưng điều đáng chú ý hơn là các doanh nghiệp không thể vay tiền đồng, không chỉ vì ngân hàng không dư dả tiền đồng, mà chủ yếu vì lãi suất cho vay bằng đồng nội tệ quá cao, từ 14-18%/năm. Gỡ rào cản lãi suất Cuộc họp giữa NHNN và tổng giám đốc các ngân hàng thương mại ngày 2-4-2010 tại Hà Nội và tại TPHCM đã phát đi những tín hiệu gỡ bỏ rào cản lãi suất. Theo đó NHNN sẽ có quy định chính thức cho phép các ngân hàng được thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay ngắn hạn và trần lãi suất huy động sẽ không còn. Nói cách khác, từ nay trở đi lãi suất cho vay và huy động của ngân hàng được xem như “thả nổi”. Vẫn còn đó những e ngại cơ chế mới sẽ đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, nhưng thực tế lại đang nghiêng về khả năng các ngân hàng sẽ giảm lãi suất đầu ra để cạnh tranh cho vay. Trước mắt, các ngân hàng quốc doanh đã cam kết sẽ kéo lãi suất cho vay về quanh mức 14%/năm. Mức này cao hơn trần lãi suất cho vay hiện hành là 12%/năm nhưng lại thấp hơn 2-4%/năm so với lãi suất thực (cộng thêm phí) mà người vay đang phải trả. Tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh nói rằng nhiều hợp đồng vay vốn với lãi suất 12%/năm ở ngân hàng ông đang nằm chờ vì với mức đó, ngân hàng không thể cho vay. Nay lãi suất lên 14%/năm, các hợp đồng vay sẽ được giải tỏa. Có thể lãi suất 14-15%/năm vẫn còn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp, nhưng ít nhất nó phản ánh đúng cung cầu vốn trong thực tế và quan trọng là dòng chảy vốn lại lưu thông. Nhìn lại sự biến động tiền tệ trong quí 4-2009 và quí 1-2010 điều đáng quan tâm là dòng chảy tín dụng đã bị thắt quá đột ngột sau một thời gian “bung” ra mạnh. Ở TPHCM, từ mức tăng trưởng tín dụng tháng 9 và 10-2009 khoảng 3% xuống 0,03% tháng 3-2010. Với sự lên xuống ở mức quá cao của tăng trưởng tín dụng ấy, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phải quay như chong chóng thì mới xoay xở kịp kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Tín dụng ngân hàng là máu nuôi dưỡng nền kinh tế và nền kinh tế chỉ có thể phát triển một khi tín dụng tăng trưởng ổn định, hài hòa với mục tiêu tăng trưởng GDP. Ngăn chặn lạm phát là nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, và có nhiều cách để kiểm soát lạm phát mà không để doanh nghiệp bị tổn thương bởi tăng trưởng tín dụng giật cục, lúc quá cao, khi quá thấp. Đưa dòng chảy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trở lại mức bình thường, bình quân khoảng 2%/tháng, tương đương 24%/năm (so với tăng trưởng tín dụng cả nước năm 2010 được ấn định là 25%) đang là đòi hỏi bức thiết. Dư địa cho tăng trưởng tín dụng ba quí còn lại của năm đang quá rộng. Vấn đề là tăng trưởng tín dụng phải ở tốc độ hợp lý, nếu không tình trạng đang “thắt” chặt lại được “cởi” gấp có thể lặp lại. Chạy từ thái cực này sang thái cực khác sẽ không chỉ làm doanh nghiệp, ngân hàng “mệt mỏi”, mà còn có thể gây ra những biến động mà hậu quả là phải tốn kém công sức, tiền bạc để điều chỉnh.
(Theo Hải Lý // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com