Có lẽ việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD vừa qua, không chỉ được coi là “cao nhất trong lịch sử”, mà còn là “cú sốc” mạnh nhất từ trước tới nay.
Tiếp theo đó là điều chỉnh giá điện, rồi có thể là giá than, xăng dầu… đã nhận được sự phản hồi của giới chuyên gia. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu khi không còn lựa chọn nào khác thì dũng cảm chịu “đau” một lần rồi thôi. Điều chỉnh một lần rồi tập trung vào chống lạm phát chứ không nên mỗi năm lại “đau” một chút, kéo dài cơn đau dai dẳng.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định quan điểm của Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: “Chúng ta phải điều hành giá cả những mặt hàng còn đang bao cấp đi nhanh vào kinh tế thị trường. Năm vừa qua, do phải thực hiện một số nhiệm vụ chính trị trọng đại của đất nước nên chúng ta điều chỉnh chậm lại, chứ không phải chúng ta “chập chờn” trong điều chỉnh giá”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cho rằng, hầu hết các ý kiến đều đề nghị cần cương quyết thực hiện thị trường hóa một số mặt hàng thiết yếu.
Có hai loại ý kiến, một là thực hiện trọn gói ngay trong quý I, cùng lắm là quý II. Hai là cho rằng cần thực hiện theo lộ trình, hài hòa giữa mục tiêu xã hội và tăng trưởng. Theo ông Chủ nhiệm Ủy ban, cần có bước đi để bảo đảm ổn định xã hội và kinh tế. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, sự minh bạch thông tin là cần thiết để ổn định tâm lý người dân khi thực hiện thị trường hóa các mặt hàng thiết yếu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình khi nhận xét, năm 2011 nếu không điều chỉnh những mặt hàng này ngay mà cũng chỉ “nhỏ giọt” như năm 2010 thì áp lực không chỉ trong năm 2011 mà còn cả những năm tiếp theo, vậy là năm nào chúng ta cũng phải “sống chung” với áp lực lạm phát.
Ông Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh: “Một giải pháp căn cơ cho kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng được như mong muốn không phải là cứ rụt rè không dám tăng giá những mặt hàng buộc phải tăng”. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng bày tỏ sự đồng tình: “Nghiên cứu các nước cho thấy không nên ngập ngừng trong khi chuyển đổi giá. Bởi tác động giá cả trên thế giới chỉ mạnh với nước nào lưỡng lự trong chuyển đổi giá. Chẳng hạn như trong việc điều chỉnh giá, Trung Quốc từng chuyển đổi giá đồng tiền với sự chuẩn bị chu đáo và đến nay đã trở thành một cường quốc kinh tế”.
Theo ông Thống đốc, không nên ngập ngừng, cố gắng chỉ nên điều chỉnh một lần để doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch. Ngoài ra cần tính kỹ hiệu ứng gián tiếp của giá than, xăng dầu; hiệu ứng tâm lý thị trường và hiệu ứng xã hội. Ông còn nhấn mạnh rằng, giải pháp này phải thực hiện kiên quyết do có thể “sốc” trong ngắn hạn, nhưng sẽ dẫn đến ổn định trong lâu dài.
Mặc dù tán thành chủ trương thực hiện kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là chủ trương nhất quán, song Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn bày tỏ lo ngại nếu tăng ngay một lần thì khá nguy hiểm. Ông lý giải rằng, chúng ta cũng muốn đi nhanh, nhưng chính vì để dồn quá lâu nên phải chia ra để không gây “sốc” cho thị trường. Để hạn chế tác động bất lợi tới nền kinh tế và đời sống người dân thì cần phải có lộ trình, bước đi và thời điểm thích hợp, không để tăng đột biến.
Điểm qua các ý kiến trên cho thấy, việc bàn luận về phương án này hay phương án kia tăng là tối ưu hay không tối ưu, là cực kỳ cần thiết trước khi Chính phủ đưa ra quyết định cuối cùng.
(An ninh Thủ đô)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com