Quy định giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số hàng hoá, dịch vụ chính thức có hiệu lực vào thời điểm nào?
Việc giảm thuế GTGT 19 nhóm hàng hóa, dịch vụ đối với doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2009. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh với phóng viên Báo Đầu tư về thời điểm hiệu lực của quy định giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT đối với một số hàng hoá, dịch vụ thuộc nhóm áp dụng thuế suất 10% tại Thông tư 13/2009/TT-BTC.
Ông Vũ Văn Ninh khẳng định, không thể có cách hiểu khác về thời điểm hiệu lực của văn bản này khi ngay tại Thông tư 13 hướng dẫn thực hiện giảm thuế GTGT 19 nhóm hàng hóa, dịch vụ đối với doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thời điểm hiệu lực dành cho điểm 1 được ghi rõ là áp dụng từ ngày 1/2/2009 đến 31/12/2009.
"Mặc dù thông tư có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký, song việc quy định thời điểm áp dụng riêng cho điều 1 đã được thể hiện rất rõ trong Thông tư 13. Bộ Tài chính sẽ chấn chỉnh việc thực hiện nếu chi cục hải quan nào hiểu sai lệch về thời điểm thực hiện", ông Ninh tái khẳng định.
Tại Điều 3, Thông tư 13, hiệu lực thi hành cũng được ghi rõ: "Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ nêu tại Điều 1 Thông tư này từ ngày 01/02/2009 đến hết ngày 31/12/2009".
Thậm chí, ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng thuộc diện được giảm 50% thuế GTGT phải nộp thuế GTGT ngay khi nhập khẩu, doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm và nộp số còn lại vào ngân sách, cơ quan hải quan không được đòi hỏi doanh nghiệp phải nộp bất cứ giấy tờ gì.
Khi bán hàng hoá sản xuất trong nước, doanh nghiệp bán hàng chỉ thu số thuế GTGT còn lại sau khi trừ đi phần được giảm của doanh nghiệp mua hàng và đến cuối hàng tháng mới phải nộp số thuế GTGT này vào ngân sách, cơ quan thuế không có quyền đòi hỏi bất cứ giấy tờ gì của doanh nghiệp.
"Nói một cách dễ hiểu, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp giảm 50% thuế GTGT kể từ 1/2/2009 đến hết 31/12/2009 thì doanh nghiệp cứ thế mà thực hiện, không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh họ có được hưởng chính sách ưu đãi này hay không", ông Trường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, liên quan tới vấn đề này, khi trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Đầu tư ngày 5/2/2009, ông Lê Đức Hải, Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, Cục Hải quan Hải phòng vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 13 theo hướng thời điểm hiệu lực sẽ là 45 ngày kể từ ngày ký của Thông tư 13.
Ông Hải thừa nhận là có băn khoăn trong việc thực hiện các quy định tại Thông tư 13 khi theo Quyết định 16/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số giải pháp về thuế, thời điểm hiệu lực của các giải pháp này được quy định là từ ngày 1/2/2009.
"Quan điểm của chúng tôi cũng theo hướng muốn thực hiện từ ngày 1/2/2009, tuy nhiên, chiếu theo quy định tại Thông tư 13 thì chúng tôi buộc phải hướng dẫn thời điểm thực hiện là 45 ngày kể từ ngày ký", ông Hải cho biết và nói thêm, nếu các doanh nghiệp có ý kiến về vấn đề này thì bộ phận nghiệp vụ sẽ có văn bản kiến nghị cấp trên.
Như vậy, vào thời điểm hiện tại đang có sự khác biệt rất lớn giữa cách hiểu của Bộ Tài chính và một số cục hải quan, cụ thể ở đây là Cục Hải quan Hải Phòng. Cho dù hiện tại có những khẳng định như thế nào từ lãnh đạo cấp cao nhất của Bộ Tài chính, thì thực tế, doanh nghiệp không thể được hưởng lợi từ những giải pháp được cho là cấp bách nhằm chia sẻ gánh nặng với họ trong bối cảnh kinh doanh khó khăn.
Ông Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Việt- Úc cho rằng, cần phải hiểu là đối tượng được hưởng lợi trong chính sách này không chỉ là doanh nghiệp, mà chính là người tiêu dùng. Có thể mức giảm thuế 50% với các mặt hàng có thuế suất thuế GTGT 10% sẽ khiến doanh nghiệp đỡ gánh nặng tại thời điểm hiện tại về khoản tiền mặt nộp thuế, song về nguyên tắc thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế khi hàng hoá được bán ra. "Chính sách này có tác dụng lớn tới việc giảm giá thành sản phẩm hàng hoá.
Như vậy, mục tiêu kích cầu sẽ đạt được khi người tiêu dùng chấp nhận mức giá hợp lý để đẩy mạnh chi tiêu vào những mặt hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh này. Nếu thời điểm hiệu lực không thống nhất thì hiệu quả thực thi sẽ rất chậm. Khi đó, giải pháp cấp bách cho mục tiêu kích cầu sẽ không được như mong muốn", ông Tuấn Anh phân tích.
Cần phải nhắc lại rằng, sự bất nhất trong cách hiểu văn bản giữa các cấp quản lý nhà nước không phải là cá biệt. Trong cuộc đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và Bộ Tài chính hồi cuối năm ngoái liên quan tới việc thực thi chính sách thuế và hải quan, có doanh nghiệp đã rất bức xúc khi cho biết, họ không thể nào thuyết phục được cơ quan hải quan địa phương về thời điểm hiệu lực của văn bản. Chính vì điều này mà trong 4 năm trời, Công ty TNHH Phước Hồng đã vác đơn kiện mà chưa có kết quả....
( Theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com