Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư hậu khủng hoảng, mà một trong đích ngắm chính là tìm hiểu khả năng đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khu vực phía Bắc.
Khoảng 2 tỷ USD vốn đăng ký đã được các nhà đầu tư đưa ra tại Hội nghị - Ảnh: Đức Thanh |
Cuối tháng 3 là thời điểm quyết toán năm tài chính của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản. Nhiều DN hạn chế tối đa mọi chi phí, kể cả các chuyến đi công cán nước ngoài với mục đích thăm dò, tìm hiểu, khảo sát về môi trường và điều kiện đầu tư, nhằm có được báo cáo tài chính khả quan nhất vào thời điểm này.
Tuy vậy, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) khu vực phía Bắc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 26/3 tại Bắc Ninh, vẫn thu hút tới 80 DN đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, trong đó có 14 nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Ryoichi Nakagawa, Giám đốc điều hành Cơ quan Xúc tiến đầu tư Nhật Bản (BTD Japan) cho biết, một số DN Nhật Bản vẫn có động thái tích cực như điều tra, tìm kiếm khả năng thành lập cơ sở sản xuất mới, mở văn phòng đại diện hoặc công ty thương mại để khai phá thị trường tại Việt Nam. "Đặc biệt là các DN trong lĩnh vực sản xuất.
Với mong muốn tránh được việc tăng chi phí sản xuất do đồng yên đột ngột tăng giá, đồng thời lo ngại thị trường thế giới sẽ bị thu hẹp ngay cả sau khi nền kinh tế phục hồi, cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt, các DN sản xuất của Nhật Bản muốn tập trung đầu tư vào khu vực có lợi thế vượt trội. Vì vậy, có thể dự đoán trước là dòng đầu tư của các DN Nhật Bản sẽ dồn vào các dự án sản xuất hàng xuất khẩu", ông Nakagawa phân tích.
Ông Sachio Kageyama, Tổng giám đốc Canon Việt Nam cũng nhắc tới các kế hoạch đẩy mạnh sản xuất hậu khủng hoảng. Cho dù vào thời điểm này, Canon đang gặp không ít khó khăn, song ông Kageyama cho rằng, đây là thời điểm để Canon chuẩn bị cho bước nhảy tiếp theo sau quá trình liên tục mở rộng từ năm 2002 đến nay.
Đặc biệt, các DN Nhật Bản đang có những kế hoạch khá hấp dẫn trong lĩnh vực logistic hỗ trợ cho các dự án xuất khẩu, du lịch, giáo dục, y tế, bán lẻ, chế biến nông-hải sản… "Sẽ có vốn đầu tư lớn đổ vào để tận dụng điều kiện địa lý tự nhiên của Việt Nam, xác lập vị trí trung chuyển hàng hóa của châu Á", ông Nakagawa nhận định.
Rõ ràng, cơ hội dù đang ở thì tương lai song lại không hề xa xôi đối hệ thống KCN, KCX, KKT. Theo số liệu thống kê, khoảng 30% các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chọn các khu này làm địa điểm đầu tư. Lý do là, các KCN, KCX, KKT thường nằm ở những vị trí thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; có hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ…
Đặc biệt, theo các nhà đầu tư thì thủ tục hành chính đơn giản và một số dịch vụ thuận lợi cho các nhà đầu tư theo cơ chế "một cửa", một số chính sách ưu đãi đầu tư trong khu vực này cũng là các yếu tố hấp dẫn họ. Ngay trong hội nghị này, khoảng 2 tỷ USD đăng ký đầu tư cũng đã được các nhà đầu tư đưa ra.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đó là lý do khiến hệ thống các khu này đóng vai trò động lực phát triển quan trọng. "Chính đây là nơi thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia có quy mô lớn, trình độ công nghệ cao như Tập đoàn Canon, Samsung, Honda, Robert Bosch, Hồng Hải…
Cùng với nhiều dự án có giá trị hàng tỷ USD đã và đang được triển khai trong các KKT, các dự án tại các KCN, KCX, KKT cả nước, trong đó có khu vực phía Bắc, đã tạo nên sức lan toả tốt cho môi trường kinh doanh Việt Nam nói chung, và khu vực phía Bắc nói riêng", ông Dũng nhận định.
Tuy vậy, tác động tiêu cực từ sự tăng nhanh của các khu này nổi lên khá trầm trọng. Đó là ô nhiễm môi trường, nghiêm trọng nhất là tại các lưu vực sông có mật độ cơ sở công nghiệp cao như sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy… Trong tổng số 219 KCN được thành lập đến nay thì mới chỉ khoảng 20% có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Rõ ràng, dòng đầu tư được các KCN, KCX, KKT mong muốn đón nhận đang có sự dịch chuyển lớn sang đầu tư sạch, công nghệ cao, công nghệ nguồn… Hầu hết các địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đều có các kế hoạch chi tiết thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực này. Song, vấn đề chính, theo nhiều nhà đầu tư, đó là sự sẵn sàng về quy hoạch tổng thể và các điều kiện đáp ứng các yêu cầu cao của các dự án loại này.
"Trên thực tế, có rất nhiều KCN đã được cấp phép hoặc đã được phê duyệt kế hoạch, nhưng chưa đi vào hoạt động hoặc chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nhiều khu không có đủ chỗ cho người lao động… Có thể việc hỗ trợ hoặc ưu đãi các công ty phát triển hạ tầng KCN sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, làm nơi đón đầu các dự án FDI đang rục rịch lên kế hoạch", ông Lâm Thế Xương, Tổng giám đốc kiêm đại diện Tập đoàn Hồng Hải tại Việt Nam đề nghị.
Ông Lê Tân Cương, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Bộ đang có kế hoạch thực hiện rà soát, quy hoạch hệ thống các KCN, KCX, KKT, đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, tính tương hỗ giữa hạ tầng kinh tế - xã hội ngoài hàng rào và các KCN, KCX, KKT cũng như hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật liên quan theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Các chính sách ưu đãi để phát triển các KCN chuyên ngành có trình độ nghiên cứu, công nghệ cao cũng được các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cân nhắc.
( Theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com