Đột ngột tăng hơn 38 triệu đồng một lượng, rồi rớt về 34,9 triệu đồng chỉ trong một tuần, vàng mất giá đến 3 triệu đồng mỗi lượng, khiến không ít kẻ khóc người cười.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng, nhận định: “Cơn điên loạn của vàng diễn ra là có sự đồng lõa của nhiều nguyên nhân, chứ không chỉ yếu tố đầu cơ”.
Hậu quả tất yếu!
“Cơn sốt” vàng đã nhanh chóng hạ nhiệt trước sự can thiệp quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn nhận về vấn đề biến động giá vàng, tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho hay: Sự không ổn định của chính sách tiền tệ, thể hiện ở sự thay đổi lãi suất tiền gửi liên tục, đã khiến tâm lý người dân bất ổn, mất niềm tin về giá trị tiền đồng và lực bình ổn, nên họ đương nhiên trút vốn vào vàng.
Theo ông Dương, việc vàng “leo dốc thẳng đứng” vừa rồi là do sự khác biệt giá không theo quy luật của vàng Việt Nam so với vàng thế giới. Giá vàng Việt Nam quá cao so với vàng thế giới, là điều không thể chấp nhận được. Trước nay, việc hạn chế nhập khẩu vàng, cấm kinh doanh sàn vàng, cấm kinh doanh vàng trên tài khoản…, làm cho dòng chảy này bị tắc, khiến vàng trong nước lên giá. Nguồn vốn của xã hội tập trung chảy vào vàng, thay vì vào sản xuất kinh doanh. Việc náo động thị trường vàng tuần qua là hậu quả tất yếu.
Việc nâng giá tiền đồng, bằng cách tăng lãi suất tiền gửi, tăng huy động tiền mặt, sẽ điều tiết lại thị trường tiền tệ. Nhà nước đã vừa huy động được tiền cho sản xuất, kinh doanh, vừa giải được nhiệt cho thị trường vàng. Song, các chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất và cho nhập vàng để bình ổn thị trường lúc này, chỉ là biện pháp chiến thuật. Căn cơ là hãy đối xử với vàng như một thứ tiền tệ, giống như USD, để nó được tự do lưu thông. Cùng với đó, Chính phủ nên cho hoạt động lại sàn vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản?
Ôm vàng như ngồi trên lửa
Chắt chiu từng đồng lương, tháng nào chị Lan, đường Lý Thường Kiệt, phường 6, quận Tân Bình, TP HCM cũng dành dụm một khoản tiền gửi ngân hàng. Nhưng cơn bão giá ngày 8, 9/11 đã cuốn chị vào vòng xoáy. Thấy vàng tăng cao, chị Lan cùng chồng quyết định rút tiền, chấp nhận lãi suất không thời hạn, để mua vàng giá 37,4 triệu đồng mỗi lượng. Nhưng chỉ một đêm ngủ dậy, vàng tụt xuống mốc 36,65 triệu đồng rồi liên tục lao dốc, về 34,9 triệu đồng một lượng. “Ôm vàng mà như ngồi trên lửa. Mới một tuần đã mất 2,3 triệu đồng. Tính cả 5 cây vàng mua trong đợt bão giá, mình mất hơn chục triệu ”, chị Lan than.
Không phải dân đầu cơ, nhưng có chút kinh nghiệm “lướt sóng”, anh Huy, một nhân viên văn phòng, cho biết, khi giá vàng tăng cao rồi đột ngột hạ, anh đoán giá sẽ còn rớt. Do vậy, khi vàng từ đỉnh 38 triệu về nhanh 36,3 triệu đồng một lượng, anh đã “bắt đáy”, chờ cơ hội đánh lên. Nhưng kỳ vọng đã không thành, vàng trượt luôn xuống 34,9 triệu đồng. “Giờ cắt lỗ thì sợ vàng sẽ tăng. Còn nếu không cắt, sang tuần, Trung Quốc hạ lãi suất, vàng giảm sâu nữa thì “chỏng gọng”. Mình mắc kẹt rồi”, anh Huy lo lắng.
Mất ăn mất ngủ bên đống vàng những ngày này là tình trạng chung của khá nhiều người. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cơn biến động giá vàng trong nước những ngày qua hết sức kịch tính, có yếu tố đầu cơ nên xử lý rất phức tạp. Song, thị trường vàng sẽ bình ổn dưới tác động của hàng loạt biệp pháp can thiệp tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, người dân nên cẩn trọng trước quyết định giao dịch vàng ở những cơn sốt do đầu cơ như thế này. “Dù chậm, song đây là động thái đáng hoan nghênh, nhằm nỗ lực ổn định tình hình”, ông Doanh nhận định.
(Báo Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com