Kể từ ngày 14-2-2010, nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp tư nhân trong nước đã có cơ hội tham gia vào các hoạt động dầu khí. Thế nhưng, với tiềm lực tài chính hiện nay, đây có thể được coi là một cuộc chơi quá tầm đối với họ.
Nghị định 115/2009/NĐ - CP sửa đổi các quy định trước đó về hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí (ban hành cách đây cả thập kỷ) đã chính thức mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tham gia vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.
Trước đây, tại Nghị định 48/2000/NĐ – CP, hoạt động này được giới hạn trong phạm vi các đối tượng là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (trước đó là TCT Dầu khí Việt Nam), các doanh nghiệp nhà nước khác được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Đối với các tổ chức, cá nhân, quyền tham gia này chỉ dành cho các tổ chức cá nhân nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về Việt Nam. Việc mở rộng đối tượng được tiến hành hoạt động dầu khí tại Nghị định 115 có thể xem là chuyển động lớn nhất trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, một lĩnh vực vốn được xem là tốn kém và rủi ro hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khai thác khoáng sản khác hay đầu tư sản xuất năng lượng.
Ông Đỗ Hữu Hào - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho hay, việc mở rộng đối tượng hoạt động này không chỉ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân và cá nhân tham gia hoạt động dầu khí mà còn giúp khai thác thêm nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực tốn tiền này. Là quan chức của Bộ Công Thương đảm trách các hoạt động liên quan đến năng lượng, trong đó có dầu khí, ông Hào cũng đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước muốn tham gia đầu tư trong lĩnh vực này. Bitexco, Sovico hay Pacific là tên các doanh nghiệp trong nước được ông Hào nhắc tới. Tuy nhiên, với cái nhìn thực tế đối với lĩnh vực đầy tốn kém và rủi ro này thì sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân cũng như các cá nhân ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại, nếu có, chắc chắn cũng mới chỉ dừng lại ở qui mô rất hạn chế.
Một chuyên gia có nhiều năm làm việc về các hợp đồng hợp tác phân chia sản phẩm dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, số tiền cần có để tham gia được các hoạt động dầu khí thường rất lớn, lên tới vài chục triệu đô la, số vốn này có thể hết veo chỉ sau vài năm tiến hành hoạt động thăm dò.
Trên thực tế, từ khi có được hợp đồng thăm dò tìm kiếm dầu khí tới khi có phát hiện thương mại phải trải qua rất nhiều giai đoạn như thăm dò địa chấn, xây dựng tài liệu (hoặc mua lại tài liệu), và quan trọng nhất là khoan thăm dò trữ lượng. Công đoạn này có thể phải tốn tới 50 triệu USD nếu tiến hành trên biển. Một mũi khoan ở vùng biển nông cũng có giá trị từ 15 - 20 triệu USD. Nếu khoan ở các vùng nước sâu thì tốn cả trăm triệu đô la cho một giếng khoan, vị chuyên gia nói trên cho hay. Nếu tiến hành khoan trên bờ thì cũng đòi hỏi phải tiêu tốn 5 - 7 triệu USD cho mỗi mũi khoan. Cũng bởi sự tốn kém đó nên chỉ khi nào chắc chắn thì việc khoan thăm dò mới được thực hiện. Nhưng khoan lần đầu để xác định tính thương mại của mỏ dầu thôi cũng chưa đủ mà còn phải thẩm lượng, khoan tiếp và tiến hành các bước xác định cần thiết trước khi tiến vào giai đoạn khai thác dầu chính thức. Đó là chưa kể phải mất trung bình khoảng 3 năm để thực hiện các công việc từ khi được chấp nhận cho thực hiện hoạt động dầu khí tới khi phát hiện thương mại.
Cũng không có một công thức hay con số cố định nào được các doanh nghiệp và chuyên gia dầu khí nhắc tới khi nói tới hiệu quả kinh tế của dự án ở thời điểm phát hiện thương mại, chẳng hạn như có thể khai thác bao nhiêu thùng dầu/ngày để dự án có thể chuyển sang các bước tiếp theo. “Việc chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có thể quy mô mỏ dầu không lớn nhưng gần bờ, điều kiện khai thác dễ dàng, chi phí thấp thì vẫn được đưa vào khai thác. Nhưng cũng có những trường hợp xa bờ, chi phí quá lớn nên dù quy mô khai thác lớn hơn thì cũng chưa chắc mỏ dầu đó đã được phát triển thương mại”, vị chuyên gia trên cho biết thêm.
Lịch sử tìm kiếm dầu ở thềm lục địa Việt Nam ghi nhận những công ty khai thác dầu khí lớn của thế giới như Shell, BHP hay Total đã từng phải bỏ ra số tiền không dưới 100 triệu USD, có khi đến khoảng 200 triệu USD, nhưng rồi lại phải chấp nhận trắng tay bởi dầu tìm thấy không đủ để phát triển ở quy mô mà họ mong muốn. Đó là tại những năm 90 của thế kỷ trước. Còn nay, khi chi phí đầu tư xây dựng đã cao hơn rất nhiều thì những con số này chắc chắn không chỉ dừng lại ở mức đó.
Điều đáng nói là, trong hoạt động hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí quốc tế, chi phí tìm kiếm và thăm dò thường do đối tác nước ngoài chịu. Còn doanh nghiệp được nước chủ nhà ủy quyền tham gia khi bước sang giai đoạn khai thác thương mại, ăn chia sản phẩm, có quyền đứng ngoài trong lúc tìm kiếm, thăm dò. Chính bởi vậy, chỉ khi mỏ dầu được đưa vào khai thác thì các đơn vị tham gia tìm kiếm, thăm dò mới có cơ hội bù đắp lại được các khoản chi phí mình đã bỏ ra và hưởng lợi từ phần còn lại sau khi đã nộp các loại thuế cho nước chủ nhà theo quy định. Chính bởi vậy nên các chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí cần phải tìm kiếm những đối tác lớn, làm ăn nghiêm túc, có kinh nghiệm, có tiềm lực kinh tế. Tuy nhiên, việc kiếm được đối tác đáp ứng được những tiêu chuẩn nói trên lại không hề dễ dàng do những đối tác như vậy thường chỉ muốn làm một mình.
Cũng bởi những thực tế này mà có ý kiến cho rằng, khi cơ hội về hoạt động dầu khí được mở ra đối với các nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân thì chưa chắc các đối tượng này đã tham gia thực sự. Thậm chí không loại trừ việc doanh nghiệp tham gia chỉ để nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, phục vụ “nâng tầm” giá trị doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Chuyện này đã từng diễn ra với một vài doanh nghiệp khi tuyên bố những kế hoạch, dự án đầu tư hoành tráng vào phát triển nguồn điện quy mô lớn.
(Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com