Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuối năm, tiền đang ở nơi đâu?

Ngân hàng tiếp tục tăng cường huy động, DN vẫn khát vốn, tiểu thương khó tiền mặt, công nhân thiếu lương thưởng… tiền mặt đang chạy đi đâu? 

Vốn để làm gì?

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 8,91%, trong khi đó tổng nguồn vốn huy động tăng 24%.

Theo tính toán, với tăng trưởng huy động 24% thì số dư tổng nguồn vốn tăng thêm của NH trong năm 2012 so với 31/12/2011 vào khoảng 700.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay tăng 8,91% đạt khoảng 270.000 tỷ đồng, huy động trái phiếu Chính phủ đạt 156.544 tỉ đồng, cộng với tỷ lệ dự trữ bắt buộc và các khoản khác... thì mới chỉ đạt khoảng 450.000 tỷ đồng, số tiền chênh lệch còn khoảng 250.000 tỷ đồng.

Đây là nguồn vốn khá lớn và câu hỏi đặt ra là vốn đang ở đâu và được sử dụng vào mục đích gì?

Thừa vốn nhưng hiện tượng huy động vượt trần lãi suất vẫn không hề giảm. Từ thời điểm cuối năm 2012 đến nay, tại Hà Nội khách hàng có thể gửi tiền vào một số ngân hàng thương mại cổ phần với lãi suất 11,5% cho kỳ hạn 3 tháng và 12% cho kỳ hạn 12 tháng.

Thậm chí, có ngân hàng còn "lách luật" khi phát hành thẻ tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng để có thể tự do ghi lãi suất cao nhưng trong thỏa thuận với khách hàng thì được tính lãi theo kỳ hạn hàng tháng để tránh phạm luật, dễ dàng hoạch toán chi phí mà vẫn hấp dẫn dành cho khách hàng.

Các NH cho biết, tín dụng cuối năm 2012 không tăng đột biến như những năm trước và thanh khoản hiện rất dồi dào, mặc dù vậy họ vẫn phải tăng cường huy động vốn. Đây là điều bất thường?

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng, nhiều NH thanh khoản vẫn rất yếu. Các NH này không đủ hệ số tín nhiệm để được vay trên thị trường liên ngân hàng nên chỉ còn cách trông vào thị trường tiền gửi dân cư. Chính những nhà băng này đang huy động vượt trần lãi suất.

Tại một diễn đàn mới đây, chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho biết, thời gian qua, có nhiều NH mất vốn, nợ xấu lớn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, trong đó, 73% số dư nợ này có tài sản đảm bảo và hơn 66% được đảm bảo bằng bất động sản.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường BĐS đang "đóng băng" khiến cho nhiều khoản nợ của nhà đầu tư đến hạn thanh toán khó có thể thanh toán, là nguyên nhân quan trọng khiến cho nợ xấu tăng lên. Đặc biệt trong số này có nhiều khoản vay được định giá cao hơn giá trị thực nay sẽ làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Ông Nguyễn Bá Thanh, Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, cho ví dụ, trước kia, với một khu đất có giá trị khoảng 200 tỷ đồng, chỉ bằng một hợp đồng mua bán, chủ khu đất có thể nâng khống giá trị lên 800 - 1.000 tỷ đồng và đem thế chấp NH để được vay 600 tỷ đồng. Đến thời điểm này, giá trị khu đất chỉ còn chưa tới 100 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng hụt mất hơn 500 tỷ đồng với khoản cho vay khu đất, thậm chí bán cũng không có ai mua. Hậu quả là có những khoản nợ xấu không bao giờ có thể đòi được.

Ngoài BĐS, việc các NH thành lập những DN "sân sau" rồi phát hành trái phiếu và bỏ tiền NH ra mua, chuyển tiền sang DN "sân sau", mua cổ phần, cổ phiếu của NH khác nhằm mục đích chi phối ngân hàng đó, rồi lại mang cổ phiếu đó thế chấp vay vốn... được coi là một chu trình không sinh lời. Nay đến hạn DN "sân sau" phải thanh toán trái phiếu, không có tiền trả sẽ phát sinh ra nợ xấu cho ngân hàng.

Tiếp đến đó là đầu cơ vào vàng. Theo nhiều chuyên gia, một lượng khá lớn vàng huy động của khách hàng đã bị các ngân hàng thương mại bán ra trước đây với giá thấp, nay đến hạn thanh toán phải mua vào với giá cao và bán khống vàng trên tài khoản, thời gian qua gây thua lỗ cũng được coi là nguyên nhân gây ra nợ xấu cho các NH.

Tiền chảy vào đâu?

Thông thường khi cho vay đến kỳ hạn phải thu về, nhưng do khách hàng không thể trả nợ đúng hạn, tiền không thu hồi được, trong khi đó NH vẫn phải trả lãi vay, trả gốc cho người gửi tiền và không còn cách nào khác là phải lấy tiền khoản vay mới trả cho khoản vay cũ.

Vì thế, các chuyên gia nghi ngờ các NH đang sử dụng tiền huy động của dân để bù đắp thiếu hụt thanh khoản, đảm bảo sự an toàn của chính họ, bất chấp DN giải thể, phá sản.

Trong lúc NH thừa vốn thì sản xuất lại gặp nhiều khó khăn. Các ngân hàng thương mại cổ phần hiện có lãi suất cho vay DN phổ biến ở mức 16%/năm, các ngân hàng thương mại quốc doanh, mức từ 13% -15%/ năm.

Lãi vay còn cao khiến DN vẫn không dám vay vốn. Các DN cho rằng lãi vay phải khoảng 10% thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới có hiệu quả. Tuy nhiên để được vay mức 11% - 12% hiện nay cũng là điều không thể. Không những thế, nhiều ngân hàng nghi ngờ DN vay vốn để trả nợ ngân hàng khác nên không cho vay.

Với các NH, hiện nay đầu tư vào trái phiếu Chính phủ an toàn hơn cho DN vay. Ngoài ra là cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Các NH hụt thanh khoản, do không tiếp cận được vốn từ Ngân hàng Nhà nước một cách công bằng đành phải chạy lên thị trường liên ngân hàng cầu cứu các ngân hàng có tiền và chấp nhận lãi suất cao.

Các ngân hàng có tiền, chẳng dại gì từ chối "miếng ngon" này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim cho rằng, đây là một dấu hiệu của sự bất ổn của nền kinh tế. Trong khi DN đang sống dở chết dở thì tiền vẫn chạy lòng vòng không đưa vào sản xuất. Kết cục là DN không có vốn, không thể tiếp tục hoạt động, phải đóng cửa, nợ hiện tại lại trở thành nợ xấu, ngân hàng lại tiếp tục không cho vay, như vậy nền kinh tế không thể phát triển.

(Theo VEF)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Bơm tiền ào ạt qua VAMC, nợ xấu sẽ lại như cũ
  • Giảm lãi suất cho vay: Giấc mơ 2013
  • HSBC “lạc quan thận trọng” về kinh tế Việt Nam 2013
  • Vốn ngoại và điều “bâng khuâng” của Thống đốc
  • Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2013
  • Standard Chartered: “Con tàu Việt Nam dần thẳng hướng”
  • Tiền mặt đang ở đâu?
  • Gian khổ tìm vốn thời “chứng” khó
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!