Thị trường khó khăn, nhà đầu tư không dễ bỏ tiền túi ra mua cổ phiếu phát hành thêm. |
Từ đầu năm đến nay, “cửa” gọi vốn của doanh nghiệp niêm yết lẫn hoạt động phát hành đại chúng gần như bế tắc. Vẫn có doanh nghiệp tăng vốn thành công bằng “tiền túi”, còn khả năng kêu gọi cổ đông, nhà đầu tư đóng tiền mới thành công rất thấp.
Ế ẩm đấu giá
Thống kê từ HSX thì trong 10 tháng đầu năm nay có 11 đợt đấu giá cổ phần, trong đó chỉ có 4 doanh nghiệp bán hết được số cổ phần dự kiến, 3 đợt đấu giá bị hủy do không có nhà đầu tư nào. Số còn lại chỉ bán được một phần, thậm chí có đơn vị như Ngân hàng Việt Á hồi tháng 4 chào bán hơn 11,66 triệu cổ phần, chỉ bán được 200 cổ phần cho 2 nhà đầu tư cá nhân.
Cũng có một vài doanh nghiệp bán hết được lượng cổ phần khá lớn, tiêu biểu gần nhất là Ngân hàng Kiên Long, bán 5 triệu cổ phần và được 1 tổ chức, 1 cá nhân mua hết. Sự thành công của đợt đấu giá này phần lớn là do giá chào khởi điểm dưới mệnh giá (8.780 đồng/cổ phần) và giá đấu thành công cũng chỉ nhỉnh hơn giá khởi điểm một chút (8.952 đồng/cổ phần).
Số liệu của HNX cho thấy từ đầu năm đến nay chỉ có 5 đợt đấu giá cổ phần thành công, trong đó 3 doanh nghiệp bán hết được số lượng đăng ký, còn lại chỉ bán được một phần rất nhỏ. Nhiều đợt đấu giá phải hủy bỏ do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia hoặc chỉ có 1 nhà đầu tư, không phù hợp với quy chế.
Bán cổ phần kiểu “bia kèm lạc”
Trên sàn niêm yết, do cổ đông buộc phải nắm giữ cổ phiếu, nên không ít công ty lựa chọn phương án phát hành mới kiểu “bia kèm lạc” để khả năng thành công cao hơn. Với cách này, cổ đông được trả cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc nhận cổ phiếu thưởng nhưng có kèm theo quyền mua ưu đãi cổ phiếu phát hành thêm. Phần được thưởng hoặc cổ tức đương nhiên cổ đông được nhận “miễn phí”, nhưng để nhận phần này, “nghĩa vụ” đi kèm là bỏ tiền mua phần phát hành thêm. Cổ đông cũng có thể từ chối quyền mua ưu đãi, nhưng phải chấp nhận thua thiệt.
MCF là ví dụ. Cuối tháng 6 vừa qua đã niêm yết bổ sung 4,5 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu phát hành thêm này bao gồm việc trả cổ tức 22% bằng cổ phiếu, kết hợp với quyền mua 1:1,0675 với giá phát hành 10.000 đồng. Có tới 3,73 triệu cổ phiếu đã được bán thành công bằng cách này. MCF cũng là một trong số các doanh nghiệp niêm yết phải lùi thời hạn trả cổ tức bằng tiền mặt do không thu xếp được nguồn như dự kiến.
TMC là một trong số ít doanh nghiệp thuần chỉ phát hành cho cổ đông hiện hữu ưu đãi tỉ lệ 2:1 với giá bán bằng mệnh giá từ cuối năm 2011. Tuy nhiên đợt phát hành có nguy cơ không thành công khiến thời gian nộp tiền phải kéo dài “vắt” sang tận tháng 2/2012 và rốt cục vẫn “ế” trên 1 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu này sau đó phải bán cho 3 cổ đông tổ chức của công ty.
Một trong những vụ phát hành đình đám nhất năm 2012 là của VCG với mục tiêu gọi tới 2.000 tỷ đồng. Sau 2 lần kéo dài thời gian nộp tiền, rốt cục VCG cũng bán được 141,71 triệu cổ phiếu, tương đương 1.417,1 tỷ đồng. Gần 58,3 triệu cổ phiếu đã bị ế trong đợt phát hành bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu này.
Thông tin về đợt gọi vốn “khủng” đã khiến giá cổ phiếu VCG điêu đứng trong mấy tháng cuối năm 2011 và đầu 2012. May mắn là đến sát thời hạn nộp tiền vào tháng 2/2012 thì giá VCG được kéo lên trên mệnh giá một chút. Ngoài ra VCG cũng được hỗ trợ từ một số cổ đông nhà nước lớn, trong đó có Viettel và SCIC.
“Thảm” hơn VCG, PVX gần như thất bại trong việc gọi vốn từ cổ đông nhỏ lẻ. Ngay cả người lao động cũng “bỏ của chạy lấy người” trong đợt phát hành tới 150 triệu cổ phiếu đầu năm nay. Ngoài 12,5 triệu cổ phiếu “đẩy” đi thành công dưới dạng trả cổ tức, trong 125 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu thì khối lượng ế đến 124,99 triệu cổ phiếu. 12,5 triệu cổ phiếu chào bán cho người lao động cũng không ai mua. May mắn là tổng số 137,49 triệu cổ phiếu ế này được 4 tổ chức nhận mua và đợt phát hành thành công.
Cổ đông không dễ chi tiền
Theo thống kê của HNX, từ quý 2/2012 đến nay, không có đợt phát hành ra công chúng nào của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn này, nếu không tính vụ hoán đổi của SHB. Tính đến tháng 10/2012 đã có 54 doanh nghiệp thực hiện niêm yết bổ sung cổ phiếu tăng vốn, nhưng hầu hết là dưới dạng trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu hoặc phát hành riêng lẻ.
Hoạt động gọi vốn mới từ cổ đông hiệu hữu gặp khó khăn là điều dễ hiểu khi thị trường chứng khoán khó khăn kéo dài, nhà đầu tư thua lỗ liên tục. Việc nhận thêm cổ phiếu dưới dạng quyền lợi như cổ tức, cổ phiếu thưởng có thể được chấp nhận, nhưng nếu phải bỏ thêm tiền để mua cổ phiếu là quyết định không dễ dàng.
Ngay cả trong trường hợp phát hành kiểu “lạc kèm bia” thì vẫn có cổ đông từ chối quyền mua vì trong nhiều trường hợp, dù tài chính cho phép thì cân nhắc giữa việc mua qua đường phát hành thêm hay mua thẳng trên sàn cũng phải tính toán. Việc tăng vốn bằng cổ tức cổ phiếu hay thưởng cổ phiếu bản chất không gọi thêm được vốn mới từ cổ đông.
Một cách khác được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để gọi vốn trong thời buổi khó khăn là phát hành riêng lẻ hoặc phát hành trái phiếu. Sàn HNX ghi nhận một số trường hợp này. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng phát hành riêng lẻ thành công.
Đã có nhiều doanh nghiệp như DAG hủy phương án phát hành riêng lẻ. Lý do thường không rõ ràng nhưng có thể hiểu là không phải dễ tìm được vốn, ngay cả với những tổ chức có tiềm năng. Phương án trái phiếu được lựa chọn nhiều hơn vì mức hấp dẫn. Bản chất trái phiếu vẫn là vay nợ, ngay cả với trái phiếu chuyển đổi không bắt buộc. Tổ chức bỏ vốn cho vay có nhiều lựa chọn hơn, lại được “bảo hiểm” một phần nhờ lãi suất cố định và quyền chọn chuyển đổi.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com