Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dân đầu tư đang từ bỏ vàng?

Một hiện tượng rất đáng lưu ý là nếu trước cuối năm 2011, độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn tồn tại ở khoảng 2-2,5 triệu đồng/lượng, thì từ đầu từ năm 2012 đến nay, mức chênh lệch chỉ còn khoảng 1-1,2 triệu đồng/lượng, có ngày chỉ còn 0,6-0,7 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước đã bị "buông"?
 
"Chuyển khoản" vàng và nguy cơ hụt thanh khoản

 

Giám đốc một công ty chứng khoán đã xác nhận rằng một số khách hàng quen của công ty này đang hâm nóng tài khoản của họ bằng "tiền mới", đó là tiền từ vàng đổ qua.

Sự việc trên không phải là ngẫu nhiên. Trước tết Nhâm Thìn, một số nhà đầu tư vàng đã rỉ tai nhau về chuyện "chuyển khoản", tức chuyển tiền từ tài khoản giao dịch vàng sang "bắt đáy" cổ phiếu.

Chứng khoán "lên" thật rồi chăng? Nhưng vào tháng 9 năm ngoái, khi xảy ra con sóng tăng đến 20% tại sàn Hà Nội, đã không có hiện tượng "chuyển khoản" nào. Thậm chí, khi đó dân đầu tư vàng vẫn ung dung mơ màng đến cái mốc mà nhiều chuyên gia kỳ vọng: 2.200 USD/oz, tương đương với trên 50 triệu đồng/lượng.

Trong 2/3 thời gian của năm 2011, vàng đã trở thành kênh đầu tư mang lại lợi nhuận ghê gớm nhất. Chỉ tính riêng con sóng tăng trưởng vào tháng 7-8 năm 2011, giá vàng thế giới đã tăng đến 30%, trong khi vàng trong nước còn mạnh hơn nhiều: 42%.
 
Song kể từ đầu tháng 10/2011 đến nay, giá vàng trong nước chỉ đi ngang ở vùng 44-45 triệu đồng/lượng. Nếu vào quý 4/2011, vẫn còn những ước đoán lạc quan cho rằng giá vàng thế giới sẽ tiếp tục bay cao và đẩy giá vàng trong nước tăng mạnh, thì đến đầu năm 2012, một số chuyên gia trong nước lại "nói theo" nhận định của giới chuyên gia Gold Trust hay Bank of America về chuyện vàng đang không còn là một kênh đầu tư an toàn nữa.

Sự tưởng tượng về những cái đỉnh mới của giá vàng thế giới đến 2.200 hay 2.500 USD/oz vì thế cũng dần tan biến.

Trong khi giá vàng thế giới còn đang vật lộn ở vùng 1.650-1750 USD/oz, thì giá vàng trong nước đã không chạm được đỉnh gần nhất 46,6 triệu đồng/lượng. Điều đáng chú ý hơn là cùng với làn sóng nhận định bi quan đang ngày càng rộng khắp thế giới, vào đầu tháng 1/2012, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã nêu ra một thông điệp "Vàng sẽ là kênh đầu tư rủi ro rất cao".

Không biết do ngẫu nhiên hay hữu ý, sau thông điệp này, độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới đã dần rút ngắn lại, từ trên 3 triệu đồng/lượng xuống chỉ còn 1-1,2 triệu đồng/lượng.

Sự kiên nhẫn của giới đầu từ vàng là có giới hạn của nó. Cùng với việc NHNN phát đi nhận định về việc vàng sẽ không còn kênh đầu tư hấp dẫn do chính sách quản lý và siết chặt, bản dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng và cả đề án huy động vàng trong dân cũng là mối an nguy thường trực treo lơ lửng trên đầu 12.000 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh vàng.

Dự kiến được ban hành từ đầu tháng 11/2011, nhưng cho đến nay dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh vàng vẫn chưa hoàn tất phần "móng" của nó. Cái "móng" này lại thuộc về một nguyên nhân mang tính chủ quan nhiều hơn khách quan: NHNN đã tỏ ra quá ưu ái đối với Công ty SJC và một số ngân hàng lớn trong vấn đề nhập khẩu, sản xuất, niêm yết và kinh doanh vàng, trong khi đại đa số cơ sở kinh doanh vàng đều bị ép khỏi cuộc chơi của những ông lớn.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà thời hạn tháng 5/2012, thời điểm mà các ngân hàng phải chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng - không còn hiệu lực. Nếu kế hoạch này được NHNN thực hiện đúng trình tự, điều chắc chắn phải xảy ra là tính thanh khoản của thị trường vàng sẽ có nguy cơ lặp lại hình ảnh của... thị trường chứng khoán vào nửa cuối năm 2011.

Ngay từ tháng 12/2011 đến nay, thị trường vàng tự do đã diễn biến trong một cơn buồn ngủ ban ngày. Các phiên giao dịch vẫn tuần tự diễn ra, nhưng giá vàng hầu như không biến chuyển mạnh, hầu như không có sóng để "lướt", trong khi số người bán luôn vượt hẳn so với số người mua.

Vàng có giảm về vùng 37-38 triệu đồng/lượng?

Cho đến nay, John Taylor chủ tịch của FX Concepts LLC - quỹ đầu tư tiền tệ lớn nhất thế giới - đã trở thành chuyên gia dự báo đúng hơn cả. Cần nhắc lại, vào tháng 10/2011, ông đã là một trong số hiếm hoi chuyên gia dám nêu ra dự báo ngắn hạn cụ thể cho giá vàng: đầu tháng 11/2011, giá vàng có thể chạm mức 1.750-1.800 USD/oz. Dự báo này được ông nêu ra khi giá vàng còn đang kéo ngang ở vùng 1.620-1650 USD/oz.

Một trường hợp dự báo gần chính xác nữa là David Banister, nhà đầu tư chiến lược tại ActiveTradingPartners.com. Theo ông, giá sẽ chinh phục đỉnh 2.000 USD/oz trong năm 2012, và sau đó đến 2.380 USD/oz trong dài hạn.

 

Nhưng trong một cuộc trò chuyện với hãng tin CNBC, một nhà giao dịch vàng kỳ cựu khác là Steve Cortes lại cho biết ông đã bán hết vàng. "Tôi cho rằng vàng sẽ còn giảm giá sâu hơn. Ngưỡng 1.500 USD/oz chưa là gì, giá vàng có thể giảm về 1.000 USD/oz", ông Cortes nhận định.

Trên bình diện tương quan các thị trường, hiện thời giá vàng thế giới vẫn đang vận động một cách đầy nguy hiểm. Vẫn tiếp nối quy luật tăng nhẹ khi giá chứng khoán tăng mạnh, và giảm mạnh khi giá chứng khoán giảm nhẹ, vàng sẽ có thể rơi vào một trạng thái đổ dốc trong tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2012, khi các thị trường chứng khoán Mỹ và Tây Âu bước vào chu kỳ điều chỉnh sau khi tăng.

Đó cũng có thể là bối cảnh "bi kịch" đối với giá vàng trong nước. Vốn đã bị giới đầu cơ "buông" từ đầu tháng 1/2012, giá vàng trong nước sẽ có thể "rơi tự do" vào bất kỳ thời điểm nào khi giá vàng thế giới suy sụp. Nếu như ngưỡng hỗ trợ của giá vàng thế giới trước mắt nằm trong vùng 1.450 - 1500 USD/oz, thì hẳn nhiên giá vàng trong nước cũng không loại trừ việc sẽ tiếp cận vùng 37-38 triệu đồng/lượng!
 
Theo VEF

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Lãi suất kích lạm phát: Ai đang lũng đoạn nền kinh tế?
  • Đầu tư thời suy thoái: Các đại gia, chuyên gia Việt khuyên gì?
  • Tổng giám đốc Citibank đánh giá kinh tế Việt Nam 2012
  • Kỳ vọng gì về đầu tư gián tiếp trong năm 2012
  • Đổi lãi suất lấy tỷ giá và lạm phát: Hai mặt của một đồng xu!
  • M&A lĩnh vực nào sẽ sôi động?
  • Đầu tư 2012: Hãy cứ 'ôm' vàng, bất động sản
  • GS.TSKH Nguyễn Mại: 25 năm thu hút FDI, thành công và vấp váp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com