Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất kích lạm phát: Ai đang lũng đoạn nền kinh tế?

Cái mà chúng ta có thể chỉ mặt gọi tên trực tiếp chính là nhóm lợi ích ngân hàng. Những ai đang lũng đoạn nền kinh tế nước nhà? Những ai đang bao biện, che đậy và hỗ trợ cho hành vi lũng đoạn như thế? Vai trò của Thống đốc NHNN sẽ theo Bộ quy chế hay sẽ là một ngoại lệ?

 

 

Những câu hỏi và sự truy vấn trên sẽ rất xứng đáng được nêu ra trong kỳ họp Quốc hội sẽ diễn ra trong không bao lâu nữa.

Vì sao bóng ma lạm phát tái hiện?

Những gì mà giới phân tích kinh tế và các doanh nghiệp đã lo lắng và dự cảm về thị trường lãi suất lại đang hiện hình: lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Vào tháng Giêng năm 2012, tỷ lệ lạm phát trên cả nước là tròn 1%. Mức tăng này đã cao hơn tỷ lệ lạm phát bình quân của 5 tháng trước đó (khoảng 0,6-,07%). Nhưng đã xuất hiện những lời trấn an rằng tỷ lệ lạm phát vào tháng trước tết thường có khuynh hướng dâng cao, và nếu so với thời gian trước tết năm 2011 và 2010 thì lạm phát trước tết năm 2012 là thấp hơn.

Dĩ nhiên, làm sao lạm phát có thể cao hơn thời gian trước tết các năm trước, bởi những năm trước kinh tế nước ta vừa thoát khỏi khủng hoảng và còn nhấp nhá hồi phục từ một gói kích cầu lên đến 143.000 tỷ đồng (dù rằng đến nay vẫn chưa có một thuyết minh rõ ràng nào về tính hiệu quả thực chất của gói kích cầu đó). Còn trong nguyên năm 2011 nền kinh tế đã phải chịu cảnh suy thoái khá trầm trọng với gần 50.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể, còn nhiều doanh nghiệp đang tồn tại thì không biết lấy đâu ra tiền để trả lương cho công nhân. Sau tết Nhâm Thìn, trong lúc chẳng hề thấy bóng dáng gói kích cầu nào thì lại bắt đầu nổi lên nghi ngờ về việc những doanh nghiệp như thế liệu có vượt qua được 6 tháng đầu năm 2012.

Trong bối cảnh dòng tiền bị thắt chặt, đã chẳng có dấu hiệu nào về việc Ngân hàng nhà nước bơm tiền để hồi phục các doanh nghiệp, ngoài việc đã bơm đến 71.000 tỷ đồng để cứu thanh khoản cho một số ngân hàng thương mại.

Đáng lý ra, tốc độ “tăng trưởng” 1% của lạm phát vào tháng Giêng đã có thể giảm hơn, nếu không có xảy ra chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tăng giá điện lên 5% vào những ngày cuối năm 2012.

Song 1% của lạm phát vào tháng Giêng chỉ giống như một bước đệm. Bước vào tháng 2/2012, nền kinh tế lại một lần nữa phải hứng chịu đe dọa của bóng ma lạm phát đầu năm trước, khi tỷ lệ lạm phát tháng này tăng tới 1,37%. Cũng lần này, lại xuất hiện những an ủi về tỷ lệ lạm phát vẫn chưa quá mức “cho phép”. Chỉ có điều, sự an ủi này dành cho … cả quý 1/2012.

Thế nhưng với tỷ lệ lạm phát cộng dồn trong hai tháng đầu năm đã gần 2,5%, liệu có còn cơ sở thuyết phục nào cho “quyết tâm của Chính phủ” về việc giữ lạm phát trong năm 2012 dưới 1 con số?

Chưa kể đến “lịch trình” tăng giá điện 3 tháng một lần của EVN. Tức đợt tăng gần nhất diễn ra vào cuối tháng 12/2011 thì đợt tăng kế tiếp sẽ vào khoảng cuối tháng 3/2012. Không cần phải nói, người ta cũng cầm chắc là  chỉ số CPI sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề đến thế nào từ tác động “tiêu cực của tiêu cực” ấy.

Nói cách khác, một kịch bản mà một số chuyên gia kinh tế như Bùi Kiến Thành, Trần Hoàng Ngân… lo ngại cách đây mấy tháng dường như đang bắt đầu dấu hiệu đầu tiên: lãi suất treo cao làm cho tăng trưởng yếu ớt, vô hình trung hạn chế nguồn cung đối với một số mặt hàng và khiến cho hàng hóa tăng giá, kích thích lạm phát.

Ngân hàng nhà nước: Cái cớ để treo cao lãi suất

Sẽ thật đáng hoài nghi về hình ảnh hoàn toàn mất cân đối giữa các khu vực trong nền kinh tế mà có thể mang lại kết quả kềm giữ lạm phát một cách đầy khả quan như những hứa hẹn quá duy ý chí. Ngân hàng nhà nước, trong khi hầu như không quan tâm đến sự tồn vong của các doanh nghiệp sản xuất, công nghiệp, nông nghiệp và xuất khẩu, thì lại đã quá ưu ái đối với “nhóm lợi ích” của mình - các ngân hàng thương mại.

Vào cuối tháng 11 năm ngoái, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, đã khẳng định “Chỉ cần lạm phát duy trì dưới 1% là có cơ sở để hạ lãi suất”. Trong thực tế, từ tháng 8 đến tháng 12/2012, tỷ lệ lạm phát đã liên tục nằm dưới mức 1%, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn không hề được NHNN kéo giảm, bất chấp ít nhất hai lần Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp yêu cầu “giảm ngay lãi suất”.

Đến tháng 12/2012, trong bối cảnh dư luận giới chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và công luận từ báo chí liên tục gây sức ép về giảm lãi suất, NHNN lại đưa ra một lý do mới: chưa thể giảm lãi suất do khó khăn thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Cần lưu ý, cái được gọi là “khó khăn” này đã chưa hề được ông Nguyễn Văn Bình nêu ra trước đó trong các cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội và thuyết minh với báo chí, doanh nghiệp.

Cho đến đầu năm 2012, khó khăn thanh khoản lại trở thành một… phạm trù dài hạn. Sau những lời hứa hẹn về việc sẽ cố gắng giải quyết thanh khoản của ngân hàng trong quý 1/2012, thống đốc Nguyễn Văn Bình lại đang phóng ra một cái kết mở đối với bài toán này: thanh khoản của hệ thống ngân hàng chỉ có thể giải quyết sớm nhất trong quý 2/2012. Thậm chí, vấn đề này còn có thể kéo sang cả quý 3/2012.

Vậy là trong nửa đầu năm 2012, các doanh nghiệp sẽ chẳng thể hy vọng vào chuyện giảm lãi suất và do đó giảm bớt khó khăn cho bản thân họ?

Dự cảm bất an từ cuối năm 2012 lại có cơ hội trở lại: một khi bóng ma lạm phát tái hiện vào quý 1/2012, NHNN sẽ càng có cớ để duy trì mặt bằng lãi suất treo cao, tiếp tục khiến cho nhiều doanh nghiệp “chết lâm sàng”.

“Nhân vật của năm 2011” và trách nhiệm bị bỏ quên

Như để “tháo van” dư luận, từ sau tết Nhâm Thìn, một số ngân hàng thương mại lớn “bỗng dưng” giảm dần lãi suất cho vay. Song mọi cái nhìn trên bề mặt sẽ chẳng có giá trị gì nếu không đi vào những uẩn khúc bên trong.

Ở Vietcombank, Vietinbank, Agribank hay ngay cả BIDV - những ngân hàng đi tiên phong về giảm lãi suất, số doanh nghiệp có thể “tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ” chỉ là rất ít, đồng thời phải chịu những điều kiện khá ngặt nghèo. Nói tóm lại, chuyện giảm lãi suất cho vay về thực chất cũng giống như hành động trấn an, phủ dụ khi lạm phát leo thang.

Trong khi đó, chuyện lãi suất huy động xé rào 14% lại đang trở nên một câu chuyện thường ngày tại khá nhiều ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ thiếu tiền. Thế nhưng, đã mấy tháng qua thống đốc NHNN lại chẳng hề tỏ ra sốt ruột trước thực trạng này. Điều này xem ra hoàn toàn trái ngược với thái độ xử lý quyết liệt của NHNN đối với một số trường hợp chi nhánh ngân hàng vượt trần lãi suất huy động vào hai tháng 9-10/2011.

Thống đốc NHNN đang bỏ quên trách nhiệm của mình? Hẳn là như thế, bởi vào giữa tháng 11/2011, sau khi bị báo chí truy vấn về tình trạng xé rào lãi suất huy động, ông Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận có hiện tượng này. Không những thế, ông Bình còn cho biết “NHNN còn biết những ngân hàng nào vượt trần lãi suất huy động”.

Nhưng rốt cuộc từ đó đến nay đã không có bất kỳ động tác xử lý vi phạm nào từ phía NHNN. Một thái độ cố tình lãng quên trách nhiệm điều hành tín dụng, mà chỉ có thể đánh giá về thống đốc NHNN là “chưa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, cho dù trước đó ông Nguyễn Văn Bình đã được một tờ báo bầu chọn là “Nhân vật của năm 2011”.

Dù thời gian chấp nhiệm chức vụ thống đốc NHNN chỉ mới hơn 6 tháng, nhưng có lẽ ông Nguyễn Văn Bình đã trở thành một trong những người mang hàm bộ trưởng “làm được nhiều việc nhất”.

Trong suốt 5 tháng cuối năm 2011, thị trường vàng đã được NHNN thực hiện “bình ổn” bằng cách ưu ái tối đa cho các doanh nghiệp vàng và ngân hàng trong nhập khẩu, sản xuất, niêm yết giá và… tiêu thụ vàng giá cao. Cũng trong 5 tháng đó, hình ảnh đầu cơ giá vàng luôn nổi bật, với giá vàng trong nước thường chênh cao đến hàng chục lần so với giá vàng thế giới, trái ngược hoàn toàn với lời lẽ “chỉ cần giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng là có dấu hiệu đầu cơ” của thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Thị trường vàng đã chỉ xảy ra một sự “trùng hợp” rất đáng ngờ vực: ngay sau nhận định của ông Nguyễn Văn Bình vào đầu năm 2012 về “vàng sẽ là kênh đầu tư rủi ro rất cao”, khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới đã lập tức co hẹp đáng kể, từ 2-2,5 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2011 xuống còn 1-1,2 triệu đồng/lượng. Thậm chí gần đây có lúc chỉ còn 0,5-0,6 triệu đồng/lượng.

Thế nhưng giới đầu cơ vàng lại xầm xì với nhau là kênh vàng đã chính thức bị “buông”, còn các doanh nghiệp và ngân hàng kinh doanh vàng trước đó đã ôm lời lãi rất lớn sau khi đã xả một khối lượng khổng lồ vàng miếng với giá rất cao. 

Hy sinh doanh nghiệp để đầu cơ chứng khoán?

Giờ đây, trong bối cảnh u ám kéo dài của suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp vốn đã thoi thóp chỉ còn cách… chờ chết. Không có bất kỳ một nguồn vốn thực, lại càng không thể mơ tưởng đến một nguồn vốn thực với lãi suất cho vay ưu đãi nào, vấn nạn kinh tế vì thế sẽ tiếp tục đẻ ra các vấn nạn xã hội - hậu quả bi ai cho nhiều gia đình công nhân.

Song gần như chắc chắn, tình cảnh khốn khó của doanh nghiệp và công nhân sẽ còn kéo dài nữa, bởi đơn giản là các ngân hàng vẫn chưa chịu rút “vòi bạch tuộc” của chúng về. Một lần nữa, trong giới kinh doanh xuất hiện tin đồn một số ngân hàng đang dùng nguồn tiền dôi dư thừa thãi của mình để “đánh” chứng khoán, trong  khi luôn than thở về thiếu tiền và thiếu thanh khoản. Tin đồn này có thể sẽ chẳng mông lung chút nào, nếu xét theo chiều hồi phục của thị trường chứng khoán từ đầu năm 2012 đến nay và việc cổ phiếu ngân hàng trở thành “hàng nóng” - một hiện tượng đã chưa từng xảy ra trong cả hai năm 2010 và 2011.

Một lần nữa, các doanh nghiệp sản xuất đã bị đem ra làm một tấm bình phong cho sự đổi chác. Đổi chác và sau đó là kiếm chác. Số phận các doanh nghiệp này sẽ bị cho “hy sinh” chỉ để phục vụ cho nhóm lợi ích ngân hàng.

Một khi kênh đầu tư vàng đã bị “buông”, chỉ còn lại chứng khoán là kênh sẽ tạo ra lời lãi nhanh nhất, nhiều nhất và dễ dàng nhất. Một chu trình mới và cũng là một trò chơi mới lại được các ngân hàng kiến tạo. Cùng với cái phát kiến ấy là một nhận định rất lạc quan của ông Nguyễn Văn Bình về thị trường chứng khoán vào ngay đầu năm 2012.

Ai đang lũng đoạn nền kinh tế?

Trong khi đó, “giảm lãi suất vào thời điểm nào và giảm như thế nào là do NHNN quyết định” - như tinh thần truyền đạt của Văn phòng Chính phủ về ý kiến Thủ tướng cho công luận và người dân.

Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, nhóm lợi ích ngân hàng lại trở nên ghê gớm như lúc này. Điều đó càng có “giá trị” khi dường như toàn bộ vận mệnh phục hồi nền kinh tế Việt Nam sau suy thoái lại đang được Thủ tướng đặt vào một “bàn tay vàng” duy nhất - vai trò cá nhân của thống đốc NHNN.

Trong kinh tế học cổ điển, thuyết “Bàn tay vàng” của Adam Smith có thể được hiểu là vai trò của thị trường sẽ điều tiết tất cả. Với vai trò quyết định của mình, thị trường có thể thao túng, dẫn đến lũng đoạn toàn bộ nền kinh tế và tài chính. Về sau này, thực tế đã cho thấy “Bàn tay vàng” là một nguyên nhân chính làm cho nền kinh tế bị khủng hoảng, và một số phản bác đối với Adam Smith đã chứng minh “Bàn tay vàng” còn có thể làm lung lay cả chân đứng của thể chế chính trị.

Trong trường hợp Việt Nam, “bàn tay vàng” của NHNN, mà trong thực tế đã được minh chứng hùng hồn bởi xác suất đầu cơ nổi trội trên thị trường vàng, lại luôn khiến cho xã hội phải hoài nghi tột bực vào sự “thành tâm” của NHNN khi sáng tạo ra đề án huy động vàng trong dân. Vì câu hỏi có tính “an nguy” lớn nhất vẫn là: cứ cho là đề án này sẽ được triển khai và có kết quả, nhưng làm sao vài trăm tấn vàng huy động từ dân sẽ trở về với chủ của nó nguyên vẹn và nguyên khối, bằng vào cách thức ứng xử của NHNN đối với thị trường vàng như trong thời gian qua?

Với những gì mà các ngân hàng được hưởng lợi trong năm 2011 và cho đến nay, cái mà chúng ta có thể chỉ mặt gọi tên trực tiếp chính là nhóm lợi ích ngân hàng đang tồn tại ở Việt Nam - một giới chủ ngân hàng mới với những đặc thù rất mới, nhưng chưa hề được đem ra mổ xẻ.

Còn khi đã nói về nhóm lợi ích, người ta sẽ phải nói đến sự lũng đoạn. Vậy những ai đang lũng đoạn nền kinh tế nước nhà? Những ai đang bao biện, che đậy và hỗ trợ cho hành vi lũng đoạn như thế?

Với Bộ quy chế mới được Chính phủ ban hành vào tháng 2/2012, các thành viên của Chính phủ và bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với việc mình phụ trách. Vai trò của Thống đốc NHNN sẽ theo quy định này hay sẽ là một ngoại lệ?

Những câu hỏi và sự truy vấn trên sẽ rất xứng đáng được nêu ra trong kỳ họp Quốc hội sẽ diễn ra trong không bao lâu nữa.

 

 Viết Lê Quân // Tầm Nhìn

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Dân đầu tư đang từ bỏ vàng?
  • Đầu tư thời suy thoái: Các đại gia, chuyên gia Việt khuyên gì?
  • Tổng giám đốc Citibank đánh giá kinh tế Việt Nam 2012
  • Kỳ vọng gì về đầu tư gián tiếp trong năm 2012
  • Đổi lãi suất lấy tỷ giá và lạm phát: Hai mặt của một đồng xu!
  • M&A lĩnh vực nào sẽ sôi động?
  • Đầu tư 2012: Hãy cứ 'ôm' vàng, bất động sản
  • GS.TSKH Nguyễn Mại: 25 năm thu hút FDI, thành công và vấp váp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!