Do cơ chế, chính sách có một số điểm chưa hợp lý nên việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (NN) chiếm tỷ lệ rất thấp (cả về kinh phí và số lượng dự án). Thành phố Hà Nội cũng ở trong tình trạng tương tự, không ít dự án đầu tư vào lĩnh vực này đang khó thực hiện.
Thiếu nguồn vốn

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có gần 40.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong NN, nông thôn, chiếm 30% tổng số DN cả nước. Hầu hết DN đầu tư vào NN là các DN vừa và nhỏ, có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng; số DN có vốn đăng ký trên 200 tỷ đồng chỉ chiếm 3%. Theo Bộ NN&PTNT, dự án đầu tư vào NN chủ yếu tập trung vào việc khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, chưa có nhiều dự án tạo giống cây trồng, vật nuôi hoặc chế biến các loại rau quả xuất khẩu chất lượng cao. Sở dĩ nguồn vốn đầu tư vào NN xu hướng giảm là do sản xuất NN chưa mấy hiệu quả, tính rủi ro cao. Số DN bị thua lỗ chiếm gần 1/3 tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực này khiến các nhà đầu tư vẫn còn dè dặt.
Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), hầu hết các DN đầu tư vào NN hiện nay, xuất phát điểm thấp và công nghệ đưa vào ứng dụng chưa nhiều. Trong khi đó, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư còn rất khiêm tốn. Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, nguồn vốn đầu tư cho NN, nhất là khâu sản xuất, chế biến hiện nay chưa đủ để nâng cao năng lực của ngành. Hà Nội là địa phương thu ngân sách đứng thứ nhì cả nước, nhưng vốn đầu tư cho sản xuất NN chỉ chiếm 13%-15% trong tổng kế hoạch vốn TP giao cho Sở NN&PTNT hằng năm, 85% - 87% nguồn vốn còn lại được đầu tư cho các dự án xây dựng cơ bản như: cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình đê điều và thủy lợi (năm 2010, tổng nguồn vốn từ ngân sách TP đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngành NN khoảng 1.250 tỷ đồng).
Về cơ cấu đầu tư cho sản xuất NN, theo ông Việt, nguồn vốn chủ yếu đầu tư cho cây lúa thông qua một số chương trình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, giúp nông dân giảm bớt ngày công lao động... Các chương trình đầu tư cho khuyến nông, chế biến, tiêu thụ nông sản chưa được quan tâm đúng mức.
Thủ tục rườm rà,phức tạp
Nguyên nhân tỷ lệ vốn đầu tư cho sản xuất NN thấp là do nguồn vốn còn hạn chế, tư duy của cán bộ ngành NN chưa thật sự năng động. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn trong các khâu lập dự toán, triển khai thực hiện, thời gian thực hiện còn kéo dài bởi thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp và vướng mắc về mặt bằng. Trên địa bàn Hà Nội, mặc dù UBND TP đã quy hoạch 19 dự án trồng rau an toàn và một số dự án nuôi trồng thủy sản quy mô khá lớn tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì nhưng rất khó thực hiện. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trịnh Duy Hùng cho biết, các dự án này được quy hoạch bài bản và nguồn vốn bố trí đầy đủ; cơ chế, chính sách hỗ trợ rõ ràng, nhưng các địa phương triển khai thiếu quyết liệt nên nhiều dự án đang nằm "đắp chiếu".
Qua tìm hiểu các địa phương tại Hà Nội, quá trình thực hiện các dự án ở cơ sở gặp không ít khó khăn về tích tụ được ruộng đất. Một số dự án phải tạm dừng để chờ quy hoạch chung và quy hoạch ngành của thành phố. Đặc biệt, hiện nay, nguồn thu ngân sách của các huyện ngoại thành rất khó khăn, không thể bố trí vốn đối ứng cho các dự án nông nghiệp nên một số dự án phải tạm dừng hoặc triển khai chậm do chưa có vốn đối ứng... Đơn cử như dự án nuôi trồng thủy sản quy mô 130ha hoặc dự án sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên diện tích 250ha tại hai xã Minh Tân, Quang Lãng của huyện Phú Xuyên "dậm chân tại chỗ" do huyện chưa bố trí được nguồn vốn đối ứng và chờ đợi quy hoạch chung của thành phố. Đây là một trong những địa phương có tỷ lệ vốn đầu tư từ ngân sách cho sản xuất NN thấp nhất, chiếm khoảng 5% tổng nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội nhận định, để nguồn lực đầu tư trực tiếp vào sản xuất NN thật sự hấp dẫn, trước hết, phải lập được dự án tốt, đồng thời bố trí vốn đầu tư đầy đủ và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành dự án dứt điểm, tránh tình trạng dàn trải, kéo dài. Về lâu dài, Chính phủ cần tăng cường đầu tư hơn nữa khuyến khích mời gọi DN tham gia tích cực vào lĩnh vực này. Mục tiêu ưu tiên đầu tư và cơ chế hỗ trợ nên tập trung vào các chương trình trọng điểm như: Phát triển công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị, an toàn vệ sinh của sản phẩm sau thu hoạch.