Trong điều kiện Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A) có điều kiện mở rộng về quy mô. Việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài làm thay đổi cơ cấu thị trường và làm tăng sự sôi động của các giao dịch.
Khía cạnh an ninh kinh tế khi thực hiện M&A có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam
Nhìn chung, các giao dịch M&A thời gian qua vẫn diễn ra chủ yếu dưới hình thức sáp nhập, chuyển nhượng cổ phần hoặc mua lại vốn góp.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2007-2010 diễn ra nhiều vụ M&A có yếu tố nước ngoài, trong đó lĩnh vực ngân hàng có nhiều vụ M&A nhất do mức độ sinh lợi cao trong thời gian ngắn, khả năng thành công lớn cũng như khả năng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài khá dễ dàng...
Các vụ M&A cũng diễn ra khá nhiều với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và chế biến và ở các thành phố và các tỉnh có nhiều dự án FDI như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương...
Với việc điều chỉnh các quy định luật pháp liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2010, cung hàng hóa cho thị trường chứng khoán sẽ tăng và nhà đầu tư nước ngoài cũng được mở rộng cửa để mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh M&A có yếu tố nước ngoài vừa có thể là giải pháp cho sự thua lỗ triền miên của các doanh nghiệp nhà nước nhưng đồng thời cũng có thể là việc “bán rẻ” tài sản nhà nước vào thời điểm Nhà nước không thể “cưu mang” và các doanh nghiệp khác trong nước cũng không thể mua lại được nữa.
Vì vậy, khi đẩy mạnh hoạt động M&A có yếu tố nước ngoài nên chú ý một số trường hợp sau:
- Bên nước ngoài mua lại tài sản của các doanh nghiệp nhà nước với giá thấp do cơ chế định giá không phù hợp, như chưa tính hết vị thế thương mại, giá trị thương hiệu, mạng lưới kinh doanh và các tài sản vô hình khác.
Việc định giá thấp còn do bên Việt Nam chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp trong việc định giá doanh nghiệp, định giá tài sản hữu hình và vô hình hoặc bỏ sót giá trị của mạng lưới, không tính đến quan hệ với nhà cung ứng, khách hàng... Để tránh điều này, rất cần có vai trò hướng dẫn của Chính phủ và tổ chức tư vấn doanh nghiệp.
Nếu việc sáp nhập diễn ra thì bên Việt Nam dễ bị bên nước ngoài lấn át trong quá trình điều hành doanh nghiệp. Sự yếu kém trong quản lý của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam so với nhà đầu tư nước ngoài có thể làm tăng khả năng tiêu tán tài sản của Nhà nước khi diễn ra M&A. Nếu cơ chế quản lý thiếu minh bạch và năng lực đàm phán của bên Việt Nam còn hạn chế thì tình trạng tiêu tán, thất thoát lớn về tài sản nhà nước càng có khả năng xảy ra.
- Giao dịch M&A buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc doanh nghiệp, vì vậy, có thể dẫn đến tình trạng thu gọn bộ máy quản lý, giảm thiểu phòng ban, sa thải lao động, gây bất ổn định trên thị trường lao động và những xáo trộn về xã hội.
Nếu bên Việt Nam đặt ra điều kiện M&A phải sử dụng triệt để nguồn lao động hiện có thì điều kiện đó có thể trở thành căn cứ để bên nước ngoài thương lượng nhằm giảm giá các loại tài sản khác của doanh nghiệp, coi như là sự đánh đổi giữa việc bảo đảm việc làm của lao động sau M&A với phần giảm giá trị tài sản của doanh nghiệp mà bên nước ngoài phải trả.
- Các nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện M&A để được tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh chưa được mở cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài theo lộ trình cam kết WTO, đặc biệt là lĩnh vực phân phối và bán lẻ...
Điều này đe dọa tính hiệu lực của các quy định pháp lý, gây ra tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” đối với các nhà hoạch định và thực thi chính sách, bộc lộ tính thiếu hoàn thiện, làm giảm hiệu năng và độ bền vững của các quy định pháp luật. Đây cũng là khía cạnh cho thấy những điểm chưa thống nhất giữa các cam kết quốc tế với các quy định pháp luật trong nước.
- Các nhà đầu tư trong nước khi mua lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hy vọng được hưởng những ưu đãi giống như các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng trước khi thực hiện M&A. Tuy nhiên, việc mua lại của các doanh nghiệp trong nước đã biến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.
Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh lại giấy phép đầu tư, làm cho các ưu đãi không còn hiệu lực vì doanh nghiệp sau khi sáp nhập đã không còn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Điều này làm giảm động lực của các doanh nghiệp trong nước mua lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đe dọa khả năng sinh lợi của doanh nghiệp và chưa khuyến khích nhà đầu tư trong nước mua lại doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Giải pháp tăng khả năng sinh sôi và giảm tình trạng tiêu tán tài sản nhà nước
Trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế càng ngày càng tăng mà các giao dịch M&A có yếu tố nước ngoài chỉ là một biểu hiện của tình trạng này. Cần hình thành quan niệm có hệ thống về an ninh kinh tế trong một thế giới phụ thuộc về kinh tế cao độ giữa các quốc gia. Các khía cạnh liên quan đến an ninh kinh tế đối với các giao dịch M&A có yếu tố nước ngoài gồm có:
• An ninh kinh tế cần được hình thành từ cơ chế chế ước và phụ thuộc lẫn nhau giữa các tác nhân kinh tế trong một hệ thống để bảo vệ lợi ích kinh tế- chính trị của chủ thể. An ninh kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế dựa trên nguyên tắc tương hỗ, các bên cùng có lợi chứ không phải một bên được một bên thiệt, và phục vụ mục đích phát triển lâu dài của các bên.
• An ninh kinh tế cần được bảo đảm bằng việc tạo sức kháng cự từ bên trong của hệ thống quản trị doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh, khả năng phát triển để sẵn sàng thích nghi với những thay đổi hết sức nhanh chóng từ bên ngoài cũng như sự phối hợp giữa chính sách của Nhà nước và hoạt động quản trị doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi phải tích lũy mạnh nội lực về tài chính, công nghệ, năng lực quản trị công ty, văn hóa doanh nghiệp... đặc biệt là cải tiến liên tục hệ thống quản lý và rèn luyện đội ngũ quản trị doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước.
• Vấn đề cơ bản trong bảo đảm an ninh kinh tế đối với các giao dịch M&A có yếu tố nước ngoài và có liên quan đến tài sản nhà nước không chỉ thể hiện ở góc độ duy trì quyền sở hữu mà còn phải phát huy các giá trị của chúng trên cơ sở lợi ích kinh tế - thương mại thỏa đáng bằng các hoạt động quản lý và sử dụng. Vì thế, nếu để các giao dịch M&A diễn ra tự phát, thiếu định hướng cụ thể và rõ ràng thì có thể dẫn đến những bất lợi về lâu dài và rủi ro tiêu tán tài sản nhà nước sẽ rất lớn.
Thứ hai, cần hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh M&A có yếu tố nước ngoài để bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng. Đồng thời cơ chế thực hiện phải nghiêm minh. Cần quy định rõ các lĩnh vực khuyến khích, hạn chế và cấm thực hiện M&A có yếu tố nước ngoài, các hình thức cụ thể của M&A và bộ máy quản lý các giao dịch này. Hiện tại, khung pháp lý quy định về M&A có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam còn nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn trong áp dụng.
Thứ ba, để bảo đảm kinh tế nhà nước là công cụ đắc lực điều tiết thị trường, cần cải cách mạnh mẽ kinh tế nhà nước thông qua cơ chế sàng lọc và đào thải phù hợp, chỉ duy trì những doanh nghiệp nhà nước thực sự cần thiết.
Thứ tư, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh những xáo động trong nền kinh tế làm giảm hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng như gây ra tình trạng khó định giá tài sản phù hợp với thị trường. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài theo hình thức M&A trên cơ sở quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài được xây dựng chặt chẽ và khoa học. Có cơ chế sàng lọc hợp lý đối tác nước ngoài thực hiện M&A tại Việt Nam để tìm được đúng đối tác có thiện chí, có năng lực, giảm thiểu tình trạng đối tác nước ngoài không có ý định kinh doanh lâu dài, chỉ chủ yếu đầu cơ giao dịch M&A.
Thứ năm, coi trọng hoạt động kiểm soát các giao dịch M&A có yếu tố nước ngoài thông qua cơ chế tham vấn phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia như tránh thất thoát các phát minh công nghệ của doanh nghiệp hay các loại bí mật kinh doanh... Trong trường hợp của Mỹ, chính phủ được các chuyên gia tư vấn không cho phép hãng GM bán một bộ phận chế tạo ô tô cho đối tác Trung Quốc vì trong bộ phận định bán đó có bí quyết công nghệ đặc biệt...
Bên cạnh đó, cần sử dụng các công cụ gián tiếp như các biện pháp khuyến khích, hạn chế về kinh tế hay các quy định pháp lý để điều tiết các giao dịch M&A có yếu tố nước ngoài, hình thành các trung tâm hoặc sàn giao dịch M&A có yếu tố nước ngoài để bảo đảm tính minh bạch trong giao dịch giữa các bên, định được giá giao dịch phù hợp nhất và giảm thiểu các giao dịch ngầm gây thất thoát tài sản nhà nước.
Như vậy, hoạt động M&A có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam vừa có khả năng làm cho tài sản nhà nước sinh sôi vừa có khả năng làm cho tài sản bị tiêu tán. Điều này phụ thuộc rất lớn vào cơ chế quản lý, điều hành cũng như năng lực của đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp, mức độ chuyên nghiệp của các tổ chức tư vấn doanh nghiệp và tư vấn chính sách...
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoàn toàn có khả năng thực hiện M&A ở nước ngoài trên cơ sở tăng tính kháng cự của mình trước các tác động ngược chiều bằng cách phát huy nội lực và nên có sự chuẩn bị điều kiện để các giao dịch này diễn ra nhiều hơn trong thời gian tới theo hướng có lợi cả đối với Nhà nước và doanh nghiệp.
(thesaigontimes)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com