Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Để xóa bỏ nghịch lý trong đầu tư công

Cụm từ “đầu tư công dàn trải và kém hiệu quả” xuất hiện tương đối thường xuyên trên các mặt báo bàn về những bất cập trong đầu tư công ở Việt Nam với hình ảnh ví von là “nhà nghèo lãng phí”.

Vụ bê bối của Tập đoàn kinh tế nhà nước Vinashin với dự án tàu vận tải biển tuyến Bắc - Nam, chi ra cả 1.000 tỉ đồng nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, hay Vinalines với dự án đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế là minh chứng điển hình cho sự hoang phí nguồn nhân lực và tài nguyên. Hay con số mà các chuyên gia bắt mạch căn bệnh "nghiện đầu tư công" đã chỉ ra: trong lòng một nền kinh tế với GDP mới 130 tỉ USD mà sở hữu tới 100 cảng biển, 18 khu kinh tế ven biển, 30 khu kinh tế cửa khẩu, hơn 650 cụm công nghiệp.

Kém hiệu quả, hai nguyên nhân chính

Năm 2011, để chống chọi lại với lạm phát gia tăng, Chính phủ đã rất đau đầu trong công tác cắt giảm đầu tư công kém hiệu quả. Tuy nhiên, có một nghịch lý: trong khi chủ trương chung là thắt chặt chi tiêu và giảm đầu tư công, thì số liệu cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) công bố tỷ lệ đầu tư dự án công cả nước vẫn chiếm 40% GDP, kèm theo nhận xét hiệu quả đầu tư còn thấp. Đáng ngạc nhiên hơn là trong bối cảnh khó khăn như vậy, báo chí lại tiếp tục đưa tin về những danh mục đầu tư công mới 2012 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình với Chính phủ với tổng vốn lên đến 300 tỉ USD.

Một đoạn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Mặt khác, trong khi các dự án mới liên tục được cấp phép và được nghiên cứu thì nhiều dự án cũ vẫn chưa tiến hành xong, chậm trễ tiến độ thi công, hay thậm chí còn... nằm trên giấy. Sự lệch pha giữa các kế hoạch muốn thực hiện và được thông qua với mức độ khả thi, ít nhất xét về khía cạnh tài chính có thể quan sát được qua con số của Bộ KH-ĐT: Để tiêu thụ hết số dự án đã được thông qua, mỗi năm cần một số tiền lớn hơn tổng mức đầu tư toàn xã hội. Có quá nhiều dự án được phê duyệt chỉ "cho có", không tiến hành thực hiện. TS Phan Thanh Hà, Vụ phó Vụ Tài chính và Tiền tệ, Bộ KH-ĐT đúc kết: "Chúng ta phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng nguồn lực hiện có, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm, còn việc thực hiện dự án thì theo kiểu xếp gạch giữ chỗ".

Kém hiệu năng, chưa minh bạch trong quá trình thực hiện, tư duy nhiệm kỳ hay bị lợi ích nhóm chi phối... là những nét chấm phá trên bức tranh đầu tư công còn nhiều nghịch lý của Việt Nam. Truy nguyên cốt lõi vấn đề, có thể khái quát qua hai góc nhìn chính. Một là mối quan hệ chiều ngang chồng chéo giữa ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan chủ quản. Hai là sự phân cấp chiều dọc giữa địa phương và Trung ương trong việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ về ngân sách vẫn còn nhiều bất cập.

Chẳng hạn, mô hình phân cấp đầu tư của nước ta từ năm 2006 đến nay được ví von như mô hình "phân cấp trắng", Bộ KH-ĐT gần như không có vai trò trong việc cân đối giữa nhu cầu và khả năng cung ứng. Cơ chế của đầu tư gần như là quá trình "xin - cho" giữa hai bên vốn là "cặp bài trùng" trong từng khoảng lợi ích: Các ngành và địa phương quyết định dự án đầu tư, còn nguồn vốn là "xin từ ngân sách trung ương".

Do đó, nhiều trường hợp các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tỉnh, trung ương sẽ liên kết giành lấy những dự án béo bở và củng cố ảnh hưởng lẫn nhau, với mục đích đôi bên cùng có lợi. Trong mối quan hệ này, đã thiếu đi một cơ quan đủ "tầm" để kiểm soát tính hiệu quả của các dự án và lưu thông dòng vốn. Tình trạng thiếu vốn của các dự án khởi công là một hệ quả khó tránh khỏi, đồng thời kéo theo việc bất cân đối trong đầu tư, sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, kéo lùi tiến độ thực hiện, đầu tư thiếu tập trung và dứt điểm cho các công trình trọng điểm...

Những hệ quả và sự cần thiết của một "cơ chế hiệu năng" mới

So với các DNNN, các doanh nghiệp tư nhân phản ứng nhanh nhạy hơn với thị trường và những cơ hội mới. Nhưng các DNNN lại được đầu tư nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân về cả công nghệ, kỹ thuật, nguồn nhân lực, được Nhà nước hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi, được ưu tiên tiếp cận vốn tín dụng, thậm chí còn được Nhà nước bảo lãnh trong việc đi vay nợ lớn từ các nước với lý do là hoàn thành các đơn đặt hàng từ Nhà nước. Dù có những ưu thế gần như tuyệt đối về mọi mặt, DNNN lại không thể tạo nên một sự vượt trội. Nhưng dù sao, với sự hậu thuẫn như vậy, một số DNNN lớn đã trở thành lực lượng mạnh có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Và do các hình thức phân biệt này, các doanh nghiệp tư nhân chọn lựa việc duy trì hoạt động với quy mô nhỏ và phi chính thức hơn là đầu tư để đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô.

Ðiều này kìm hãm tăng trưởng về năng suất, bởi các doanh nghiệp nhỏ không thể đầu tư vào các công nghệ tiên tiến hoặc đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô thông qua việc tổ chức và quản trị có hiệu quả hơn. Sự thiếu vắng những công ty với quy mô lớn và được quản lý một cách chuyên nghiệp trong khu vực công và tư đã giới hạn hoạt động sản xuất của Việt Nam - chỉ hướng vào những sản phẩm thâm dụng về lao động và có giá trị gia tăng thấp.

Khi địa phương nào cũng thấy đặc thù của mình là có một không hai, có khả năng tạo thành lợi thế cạnh tranh để đưa tỉnh nhà cất cánh, cộng với sự liên kết không chặt chẽ ở hàng ngang giữa các bộ chủ quản, ngân hàng và các DNNN, thì đánh giá hay thẩm định dự án sẽ mang tính cục bộ hoặc người nhà "xem xét với nhau". Bởi vậy, "63 vùng kinh tế" không mang tính liên kết đồng bộ tương ứng với 63 tỉnh, thành, cùng với hàng loạt dự án chậm trễ, thất thoát, lãng phí trong những năm vừa qua là những hệ quả trực tiếp từ sự bất đồng bộ của cơ chế này.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan từng phát biểu rằng: "Gốc rễ của tái cơ cấu đầu tư công là nhất thiết cần điều chỉnh tư duy đầu tư công bằng các cách làm cụ thể. Đã đến lúc cần tập trung chất thay vì lượng, nếu không thì đầu tư công sẽ tiếp tục dàn trải và còn nhiều hệ quả chờ đợi phía trước". Điều chỉnh tư duy ở đây, Phó thủ tướng nhấn mạnh hàm ý về việc nâng cao hiệu quả đầu tư, mà yếu tố "chất lượng" thay vì "số lượng" giữ vai trò kim chỉ nam. Và để có thể từ chối cái lợi trước mắt, hướng tới các công trình có chất lượng thì một "cơ chế hiệu năng" trong việc đánh giá và xét lọc các dự án phải được thành lập, trong đó yếu tố phân cấp quyền và trách nhiệm trong việc cấp phép đầu tư phải được lựa chọn như tiêu chí hàng đầu.

Nghịch lý đầu tư công là bất cập về chức năng và mâu thuẫn lợi ích trong bộ máy điều hành. Loại bỏ hay ít nhất có biện pháp chế tài những yếu tố này là chìa khóa của mọi chìa khóa để cải thiện bức tranh màu xám của đầu tư công nước ta thời gian tới.

  • Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • “Phải có công ty mua bán nợ xấu làm “chim mồi”
  • Nợ xấu ngân hàng: Con số mà biết nói năng...
  • Vàng và tiền giấy: Cuộc chiến của lòng tin?
  • Lời giải nào cho tình trạng “bội thực” đầu tư công
  • Phía sau làn sóng giảm giá tiền tệ
  • Ngân hàng đua kích cầu, nhà đầu tư “săn” dự án tin cậy
  • Nợ xấu ngân hàng: Nợ có khả năng mất vốn gia tăng?
  • 56 nghìn tỷ nợ xấu BĐS đến cuối 2011, cao hơn 8 lần báo cáo của các ngân hàng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!