Nguyên nhân của diễn biến lãi suất thời gian qua như thế nào? Biện pháp phù hợp để điều hành lãi suất, phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô ra sao? Bài viết của TS. Hoàng Thế Thỏa, chuyên gia về tài chính-ngân hàng sẽ cung cấp thêm cho độc giả một góc nhìn về vấn đề này.
Hệ thống ngân hàng VN không thiếu vốn |
Sau khi đạt được sự đồng thuận về lãi suất tại cuộc họp sáng 6/11 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi lên 12%/năm đối với các kỳ hạn từ 1-12 tháng.
Từ chiều 6/11 và đầu tuần tiếp theo (ngày 8/11), các NHTM bắt đầu công bố biểu lãi suất mới với lãi suất cao nhất 12%/năm cho tất cả các kỳ hạn 1-12 tháng đối với tiền gửi VND, cao hơn mức trần 11%/năm vừa được thiết lập từ ngày 15/10.
Riêng lãi suất tiền gửi trên 12 tháng được các NHTM ấn định ở mức thấp dần, trần lãi suất tiền gửi trên 12 tháng được ấn định 11,5-11,8%, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng phổ biến ở mức 10,5-11,0%/năm. Một số NHTM nhỏ được Hiệp hội Ngân hàng chấp thuận huy động với lãi suất trên 12%/năm, chưa tính đến các hình thức khuyến mại.
Do lo ngại lạm phát khi giá vàng thế giới tăng vọt và lập kỷ lục mới 1.424,30 USD/oz vào ngày 9/11, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường trong nước tăng cao ngay trong những ngày đầu tháng 11 và người dân rút tiền khỏi ngân hàng, cảnh báo nguy cơ khó huy động vốn, nhất là đối với những ngân hàng nhỏ.
Từ trưa 9/11, lãi suất huy động tăng dần và được đẩy lên 13-13,2%, rồi lên 14-15%/năm tùy theo thỏa thuận với khách hàng, lãi suất cho vay tăng lên 18-19%/năm, lãi suất liên ngân hàng vượt 20%/năm, nhiều ngân hàng tạm dừng giải ngân nhằm đảm bảo thanh khoản.
Trước tình hình nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất, chiều 11/11, Thống đốc NHNN đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các thành viên thị trường mở và thông báo NHNN sẽ can thiệp thị trường, đồng thời khẳng định chính sách của NHNN là ổn định thị trường tiền tệ và đảm bảo an toàn thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN sẽ bám sát mục tiêu lạm phát dưới 10%.
Sau cuộc họp, lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhiệt và dao động trong khoảng 15-19%/năm.
Từ ngày 12/11, các NHTM trở về biểu lãi suất như đã đưa ra ngày 8/11, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm với lãi suất 13,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và 15%/năm cho kỳ hạn 1 tuần lễ. Tuy nhiên, lãi suất huy động thực tế đều vượt 12%, thậm chí 13-14%/năm. Từ ngày 22/11, mặt bằng lãi suất huy động công bố đã được nhiều ngân hàng đưa lên 13%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng tăng cao phản ánh căng thẳng về trạng thái thanh khoản tại một số NHTM, nhưng với lãi suất cho vay 15-16%/năm trở lên, hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải khẩn trương tìm nguồn vốn khác để trả lại vốn đã vay ngân hàng. Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng yếu ớt, nhà đầu tư gặp khó khăn do sản xuất trì trệ và hàng tồn đọng không bán được, nhu cầu tín dụng giảm và phải giảm.
Trong điều kiện như vậy, nguồn vốn trên toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam phải dư thừa, thậm chí vượt xa nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế, nhiều NHTM cũng khẳng định là đang thừa vốn.
Tuy nhiên, lãi suất tăng chịu tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố, nhất là tác động tâm lý do giá vàng trong nước vượt xa giá vàng thế giới sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định kế hoạch bơm thêm 600 tỉ USD để mua trái phiếu chính phủ. Theo đó, giá USD có nguy cơ tiếp tục giảm sẽ đẩy giá hàng nhập khẩu tăng mạnh, tác động đến mặt bằng giá cả trong nước.
Do việc đảm bảo lãi suất huy động thực dương cũng là tác nhân gây lạm phát, lạm phát tăng thì lãi suất huy động cũng tăng và hai yếu tố này hỗ trợ nhau đi lên. Trong điều kiện đó, việc “thả nổi” lãi suất cho vay đã trở thành “cơ sở” để các TCTD có thể đi vay với lãi suất cao, đẩy mặt bằng lãi suất tăng dần theo đà lạm phát và rất khó dừng lại, trong khi mặt bằng lãi suất và lạm phát tại hầu hết các nước trên thế giới đều ở mức thấp do nhu cầu yếu ớt và sản xuất đình đốn, thậm chí nhiều nước đang phải vật lộn với giảm phát.
Chính sự khác biệt về mặt bằng lãi suất giữa các TCTD đã cản trở các nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về hạ lãi suất, cho đến lãi suất đồng thuận của Hiệp hội Ngân hàng và quyết định của NHNN về điều chỉnh lãi suất, lãi suất cho vay nền kinh tế và lãi suất liên ngân hàng cứ vượt trần quy định của NHNN do thiếu chế tài phù hợp.
Trên thực tế, cơ sở về vốn của một số TCTD mong manh nên tất yếu phải huy động với lãi suất cao hơn những TCTD khác thì mới thu hút được sự quan tâm của người gửi tiền, thậm chí phải vay thêm trên thị trường liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tín dụng. Hệ thống Ngân hàng Việt Nam không thiếu vốn nhưng thiếu sự kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và sự can thiệp mạnh hơn của NHNN để có thể điều hòa nguồn vốn giữa các TCTD, đảm bảo ổn định hoạt động của thị trường tài chính. Với cơ chế lãi suất thỏa thuận kiểu này, một TCTD kém nhất cũng hoạt động có lãi, mà không cần đến nghiệp vụ ngân hàng.
Để giải bài toán lãi suất, cần có nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách nhằm chặn đà lạm phát, nhưng biện pháp này đòi hỏi phải có thời gian.
Trong phạm vi ngành Ngân hàng, việc lựa chọn công cụ và cách tiếp cận thích hợp để can thiệp là vấn đề quan trọng, có thể giúp bình ổn thị trường trong một chừng mực nhất định. Thay vì "thả nổi" lãi suất cho vay như hiện nay, thả nổi lãi suất huy động và tăng cường quản lý thị trường liên ngân hàng có thể là một giải pháp để nâng cao hiệu lực thực tế của công cụ lãi suất. Theo đó, những ngân hàng nhỏ (mới thành lập và chưa có thương hiệu) phải huy động với lãi suất cao hơn và phải chấp nhận lợi nhuận thấp hơn do phải cho vay với lãi suất thị trường, đồng thời phải chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
(Theo TS. Hoàng Thế Thoả // Tin chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com