Dư luận đang đặc biệt lo ngại trước thực tế là Trung Quốc đang đối mặt với lạm phát cao (4,4%) và điều này sẽ tác động đáng kể đến lạm phát, nhập siêu của Việt Nam (vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường nước láng giềng phía Bắc) hay nói cách khác là chúng ta đang "nhập khẩu" cả lạm phát từ Trung Quốc.
Căn cứ vào số liệu của Tổng cục Thống kê, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường lớn nhất cung cấp hàng cho Việt Nam (với tổng kim ngạch 15,87 tỷ USD sau 11 tháng, chiếm 23,6% tổng kim ngạch nhập khẩu) và Việt Nam đang nhập siêu rất lớn (chủ yếu từ Trung Quốc), thì rõ ràng, chúng ta cũng đang "tiêu thụ" cả lạm phát từ Trung Quốc. Đó là chưa kể tác động kép của tỷ giá USD/NDT, khiến giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc quy ra đồng Việt Nam tăng thêm vài phần.
Đây lại là thực tế khó tránh, bởi nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất, kéo theo đó là áp lực lên tỷ giá, áp lực lên lạm phát. Với chiều tác động ngược lại, cũng có rất nhiều điều đáng quan ngại.
Lạm phát của Việt Nam sau 11 tháng hiện đang ở mức 9,58%. Nguyên nhân mà giới phân tích kinh tế thường nhắc tới là do giá cả thị trường thế giới tăng cao. Giá thế giới tăng, kéo theo giá nhập khẩu tăng, lại cộng hưởng thêm việc tiền Việt mất giá, càng ảnh hưởng tới giá hàng hóa nhập khẩu và ảnh hưởng lớn tới lạm phát.
Theo tiến sĩ-chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính), các biện pháp ngăn ngừa lạm phát cao nên bắt nguồn từ nguyên nhân gây ra. Thực chất của việc kiềm chế lạm phát đang nằm ở vấn đề kinh tế vĩ mô. Để xảy ra lạm phát cao rồi mới triển khai bình ổn giá sẽ không mang lại hiệu quả bởi qui mô hỗ trợ còn nhỏ và đối tượng lại hạn chế. Ví dụ rõ nhất là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều triển khai bình ổn giá nhưng giá cả vẫn tăng “chóng mặt” ở các chợ bên ngoài “điểm bình ổn.”
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng để chống lạm phát, biện pháp quan trọng mà cả thực tiễn và lý luận đều đã chứng minh là thắt chặt tài khóa (các khoản chi tiêu) và thắt chặt tiền tệ (cung tiền). “Trong ngắn hạn không thể có mục tiêu hoàn hảo. Để kiềm chế lạm phát và đạt được mục tiêu lớn là ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ phải thắt chặt và nhiều khi phải chấp nhận đánh đổi lợi ích của một số doanh nghiệp,” tiến sĩ Thành khẳng định.
Với đặc thù “cơ thể” kinh tế hiện chưa thể “hấp thụ” vốn hiệu quả, việc tăng cung tiền đã đẩy đồng Việt Nam mất giá cao hơn nhiều so với các đồng tiền khác, dẫn tới “vòng xoáy” đôla, vàng… Bên cạnh đó, với đặc điểm là nước nhập siêu, khi tăng cung tiền đồng, giá tiền đồng sẽ mất giá so với USD, dẫn tới vòng xoáy lạm phát. Đặc biệt, với kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư công, tình hình lạm phát hiện nay là do áp lực của tổng cầu bao gồm đầu tư và tiêu dùng.
Theo ông Thành, lạm phát hiện nay chính là kết quả của sự không kiên định trong điều hành vĩ mô. Kết thúc 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế vừa mới có dấu hiệu “sáng sủa” đã vội vã quay sang nới lỏng tiền tệ.
Việc CPI của tháng Chín, Mười và Mười Một liên tiếp lập kỷ lục tăng cao nhất so với các tháng cùng kỳ của 10 năm lại đây là bài học thực tiễn sâu sắc giúp Việt Nam nhìn nhận thẳng thắn hơn về điều hành vĩ mô.
Nhìn tổng thể, phải hiểu thắt chặt tiền tệ là mục tiêu tăng trưởng 25% về tín dụng của năm 2010 là con số nằm trong phạm vi mục tiêu. “Không phải cứ vì doanh nghiệp gặp khó khăn vì lãi suất cao thì điều hành vĩ mô được phép nới lỏng tiền tệ,” ông Thành khẳng định.
Với hầu hết các nước, áp lực để ổn định kinh tế vĩ mô đã rất cao. Vì vậy, trong điều kiện “sức đề kháng” của “cơ thể” kinh tế Việt Nam chưa mạnh, thực hiện mục tiêu này còn khó khăn hơn rất nhiều.
Theo ông Thành, để ổn định kinh tế vĩ mô, giải pháp phải xuất phát từ chính sách kinh tế vĩ mô. Chính sách bình ổn giá chỉ là tình thế, không phải là mấu chốt, nhất là khi Việt Nam đang thực hiện các cam kết WTO và nền kinh tế thị trường, trong khi ngân sách quốc gia còn khó khăn.
Theo dự báo mới nhất của nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế thế giới, nhất là khu vực châu Á năm 2011 sẽ thấp hơn năm 2010. Vì vậy khi tăng trưởng của các nước đối tác của Việt Nam bị giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Khó khăn sẽ còn được cộng hưởng thêm khó khăn bởi nền kinh tế bị "đôla hóa" và "vàng hóa" cao trong khi tâm lý người dân bất ổn.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, năm 2011, với mục tiêu GDP tăng khoảng 7%, Việt Nam khó có thể giảm ngay mức lạm phát từ trên dưới 10% của năm 2010 xuống mức an toàn 4-5% cả năm bởi việc “hạ độ cao đột ngột” như vậy sẽ gây ra cú shock với nền kinh tế do chính sách thắt chặt tài khóa, thắt chặt tiền tệ. Vì vậy mục tiêu giữ lạm phát ở mức khoảng 7% trong năm 2011 có vẻ khả thi...
Về lâu dài thì lạm phát nên duy trì ở mức 4-5% là tốt. Bên cạnh đó, chính sách điều hành cũng phải dựa trên tiêu chí “không để mức lạm phát hàng năm dao động quá lớn.
Trong giai đoạn này, giải pháp hết sức quan trọng với Việt Nam là kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát để giúp tăng trưởng tốt trong dài hạn. Đây phải là tư duy nhất quán, thường trực trong điều hành.
"Không thể lơ mơ giữa đánh đổi tăng trưởng lấy bất ổn; đánh đổi bất ổn cho tăng trưởng. Về ngắn hạn, kiên định mục tiêu ổn định có thể tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp nhưng bài học của nhiều nước và của Việt Nam trong lịch sử là ví dụ cho thấy: "Hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô để đánh đổi tăng trưởng có thể dẫn tới khủng hoảng," ông Thành cảnh báo.
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có thể áp dụng một vài biện pháp kỹ thuật như phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Thắt chặt chính sách tài khóa có thể thực hiện đồng thời với chính sách tiền tệ linh hoạt và ngược lại. Đây là nghệ thuật trong điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu thực thi chính sách tài khóa nghiêm khắc theo hướng hạn chế và tăng hiệu quả chi tiêu thì có thể tạo ra dư địa tốt hơn cho chính sách tiền tệ.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh đề xuất: Về dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng GDP theo cách tăng vốn đầu tư như hiện nay sang đầu tư theo chiều sâu và hiệu quả trên nguyên lý điều chỉnh tất cả các chính sách kinh tế vĩ mô một cách đồng bộ.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com