Theo kết quả thăm dò ý kiến bạn đọc của một tờ báo mạng với câu hỏi “hiện nay cá nhân vay tiền ngân hàng để tiêu dùng vẫn còn khó khăn do những lý do gì?”, có 53% số người trả lời cho rằng do điều kiện quá khắt khe, 34% lãi suất cao và 13% kêu hạn mức cho vay của ngân hàng thấp.
Kết quả thăm dò cho thấy, không phải lãi suất cao là khó khăn lớn nhất như người ta tưởng. Trong cho vay tiêu dùng dường như người vay kém nhạy cảm với lãi suất. Người tiêu dùng quan tâm đến khoản tiền họ phải trả hàng tháng (một phần gốc + lãi hàng tháng) hơn là lãi suất.
Đánh đố khách hàng?
Mặc dù đưa ra những sản phẩm cho vay tiêu dùng với tên gọi rất chào mời như: “giúp bạn sở hữu căn nhà mơ ước”, “ khởi động ngay chiếc xe mơ ước” và quảng cáo “thủ tục vay nhanh gọn và dễ dàng”... nhưng để đáp ứng được điều kiện vay của các ngân hàng không phải là dễ.
Có thể kể ra đây vài ví dụ: để tham gia chương trình vay mua nhà của HSBC thì một trong những điều kiện là khách hàng phải có thu nhập tối thiểu 10 triệu đồng mỗi tháng, có giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà định mua và hợp đồng mua bán (bản sao). Vay được tiền, mua xong thì mới có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và hợp đồng mua bán. Chưa mua kiếm đâu ra giấy chứng nhận quyền sở hữu để nộp ngân hàng? Đó là điều kiện của HSBC, còn ở nhiều ngân hàng là giấy chứng nhận quyền sở hữu/sử dụng của nhà, đất ở khác của khách hàng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. Giá trị những tài sản đảm bảo này phải cao ít nhất gấp rưỡi khoản tiền định vay.
Một ví dụ nữa là sản phẩm cho vay chứng minh tài chính du lịch, chữa bệnh nước ngoài của VietinBank. Theo quảng cáo của ngân hàng này thì khách hàng có nhu cầu vay vốn để chứng minh tài chính nhằm mục đích hoàn thiện hồ sơ xin cấp/ gia hạn visa du lịch hoặc visa chữa bệnh nước ngoài có thể được VietinBank đáp ứng tới 100% nhu cầu... Tuy nhiên, tài sản dùng để đảm bảo cho khoản vay lại phải là số dư tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, sổ, thẻ tiết kiệm, hoặc giấy tờ có giá được hình thành từ chính vốn vay của ngân hàng. Như vậy, gần như là người vay đã lấy tiền để đảm bảo cho khoản vay của mình. Một khi khách hàng đã có tiền gửi, tiền tiết kiệm thì chẳng mấy ai nghĩ đến đi vay ngân hàng để chứng minh tài chính. Còn người chưa có sẵn tiền thì rõ ràng là không thể vay với điều kiện như vậy.
Sao ngân hàng muốn nắm chuôi?
Dịch vụ cho vay mà ngân hàng cung cấp cho người tiêu dùng có thể là dịch vụ mang chi phí cao nhất với nhiều rủi ro nhất đối với ngân hàng, vì tình hình tài chính của các cá nhân và hộ gia đình có thể thay đổi nhanh chóng tuỳ theo tình trạng của công việc và sức khoẻ của họ.
Ở Việt Nam, thông tin về nhân thân và khả năng hoàn trả nợ vay của cá nhân rất thiếu. Nếu chỉ tính riêng lương không thì không thể vay ngân hàng, nhưng thu nhập ngoài lương không mấy ai muốn kê khai hoặc có kê khai cũng không xin được xác nhận ở đâu. Một điều nghi ngờ của các ngân hàng khi cho vay bất động sản (thường giá trị khoản xin vay rất lớn, tính hàng trăm triệu trở lên) thì người vay có dùng tiền đó để đầu cơ bất động sản hoặc kinh doanh chứng khoán hay không? Vì hai thị trường này ở Việt Nam còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Vấn đề nữa không thể không đề cập là việc xử lý các tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng khi phát sinh những rủi ro trong quan hệ tín dụng, ví dụ như phát mãi tài sản bảo đảm rất khó khăn, vướng mắc. Có những vụ án mà toà đã tuyên cho ngân hàng phát mãi tài sản nhưng kéo dài gần chục năm không thi hành được án. Những nguyên nhân trên đã khiến các điều kiện vay của ngân hàng thường khó khăn và quá chặt chẽ. Đây cũng là một rào cản khiến cho vay tiêu dùng ở Việt Nam chưa phát triển mạnh và đông đảo người dân không có khả năng tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.
( Báo điện tử Doanh Nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com