Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất đón “gió ngược”

picture
Định hướng thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thể hiện từ tháng 11/2010.

Quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được hiểu là “không có cách nào khác” cũng như thể hiện sự quyết liệt trong kiềm chế lạm phát.

Cuối chiều 17/2, sự chú ý của công chúng tập trung ở kết quả cuộc họp của Chính phủ về định hướng chính sách, tập trung ở các vấn đề lạm phát, lãi suất và tỷ giá… trong thời gian tới. Nhưng, thông tin khá bất ngờ là Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng.

Đánh vào tổng cầu

Trong các dòng chảy thông tin bên lề cuộc họp nói trên, khá nhiều ý kiến hướng đến những giải pháp để có thể giảm lãi suất vốn đang ở mức cao. Trước đó, thông điệp từ Chính phủ, từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh ở định hướng giảm lãi suất với tín hiệu giảm dần của lạm phát.

Đặt trong bối cảnh trên, quyết định của Ngân hàng Nhà nước là khá bất ngờ, bởi thông điệp đưa ra khá rõ ràng: tiếp tục thắt chặt tiền tệ.

Hiện có 5 loại lãi suất chính sách, được Ngân hàng Nhà nước sử dụng để định hướng và điều tiết thị trường tiền tệ: lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở và lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Trong đó, việc điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn phản ánh trạng thái nới lỏng hay thắt chặt tiền tệ trong từng thời kỳ; và lần điều chỉnh này là tăng thêm 2%.

Nhưng sẽ không bất ngờ khi trước đó lãi suất nghiệp vụ thị trường mở cũng đã lên 11%/năm; cũng không bất ngờ khi đặt trong bối cảnh lạm phát gia tăng và áp lực còn phía trước. Đặc biệt, quyết định tăng này đi sau chính sách điều chỉnh tỷ giá còn tươi mới, như một sự hỗ trợ cho giá trị của VND.

Lạm phát xuất hiện và có áp lực tăng cao, bên cạnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ là một công cụ chủ lực. Ở thời điểm này, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, những quyết định điều chỉnh vừa qua là “không có cách nào khác”.

Cụ thể, tháng 11/2010, lạm phát cao xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước lập tức tăng các lãi suất chủ chốt, dù trước đó định hướng giảm liên tiếp được đưa ra trong các nghị quyết thường kỳ của Chính phủ. Với quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn, định hướng thắt chặt tiền tệ tiếp tục được thực thi. Quan điểm mà người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra là nếu không kiên trì thì sẽ có vấn đề…

“Khi có lạm phát cao, động thái của chính sách tiền tệ đầu tiên là phải tác động làm sao giảm tổng cầu, bằng cách nâng lãi suất. Lạm phát xuất hiện, chính sách làm sao là giảm tổng cầu, với Ngân hàng Trung ương là tăng lãi suất, tăng lãi suất để hút tiền về, để hạn chế tăng trưởng tín dụng. Điều này sẽ tổn thương đến tăng trưởng. Cái này nó trở thành một công thức đương nhiên như thế, không có cách nào khác”, Thống đốc nói tại một cuộc trao đổi đầu tuần này.

Thậm chí, trong khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, hai tổ chức lớn là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều đưa ra yêu cầu cần tiếp tục tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương lên 12% - 13%/năm; từ phía đầu mối tư vấn chính sách cho Chính phủ còn có quan điểm đưa lãi suất đó lên cao hơn là 14%/năm. Điểm đến của những khuyến nghị này là nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, có thể gây “sốc” trong ngắn hạn nhưng tốt cho trung và dài hạn.

Trở lại với việc tăng lãi suất tái cấp vốn, hẳn đó là một quyết định khó khăn của Ngân hàng Nhà nước. Bởi một tính toán cho thấy, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam hiện bằng khoảng 1,3 GDP, trong khi bình quân nhiều nước trên thế giới chỉ từ 0,5 - 0,6 GDP. Điều đó cho thấy một sự lệ thuộc lớn ở nguồn vốn ngân hàng, quyết định thắt chặt sẽ có ảnh hưởng lớn.

Trước cánh cửa hẹp

Trong ngắn hạn, kỳ vọng giảm lãi suất đang hẹp lại. Khó khăn trong vay vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trước mắt chưa thể gỡ.

Tuy nhiên, khi trao đổi với VnEconomy qua bàn tròn lãi suất và tỷ giá mới đây, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vinaland, lại đưa ra quan điểm đáng chú ý.

Ông Hoàng cho rằng, trong thời điểm này, do áp lực về vĩ mô, bắt buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Ngay cả việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua cũng là một việc bất khả kháng vì mục tiêu vĩ mô. Nhiều doanh nghiệp theo đó sẽ phải thu hẹp sản xuất, cố thủ.

“Nhưng vì mục tiêu vĩ mô, kiềm chế lạm phát nên chúng ta phải tăng lãi suất, chấp nhận hạn chế tăng trưởng, giảm chi tiêu… Đồng thời, ở góc độ nào đấy, tăng lãi suất cũng là cơ hội để thanh lọc những doanh nghiệp không có năng lực, góp phần đưa thị trường phát triển ổn định và hiệu quả hơn”, ông Hoàng nói.

Về phía ngân hàng, bà Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank), cũng nhìn nhận rằng yếu tố đầu tiên quyết định lãi suất là lạm phát, lạm phát cao thì lãi suất huy động không thể thấp được, lãi suất cho vay theo đó ở mức cao.

“Mức lãi suất hiện nay tạm thời hợp lý đối với người gửi tiền, nhưng lãi suất cho vay quả thực là các doanh nghiệp đang phải chịu những mức tương đối cao. Với mức lãi suất vay vốn cao như hiện nay thì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ phải tính toán rất cẩn trọng để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn. Còn mức lãi suất hợp lý để kích thích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo tôi là ở khoảng 10% - 12%/năm. Nhưng để giảm thì còn tùy thuộc vào chuyển biến của vĩ mô và cần một quá trình, có thể cuối quý 1 và đầu quý 2 năm nay”, bà Thu tính toán.

Và ngay như lúc này, theo Tổng giám đốc OceanBank, giả sử để giảm nhanh lãi suất, bản thân hoạt động của các ngân hàng cũng rất khó, bởi phải có sự cân đối sau một thời gian dài phải huy động vốn với lãi suất cao.

Với các doanh nghiệp vay vốn, khuyến nghị mà bà Nguyễn Minh Thu đưa ra là, trong bối cảnh lãi suất cao, doanh nghiệp cần tính toán và xây dựng kế hoạch kinh doanh kỹ trước khi có quyết định vay. Nhu cầu vay vốn ngắn hạn cho những dự án đang triển khai là không thể tránh được. Với nhu cầu dài hạn, có thể tính toán lại để điều chỉnh cho phù hợp hơn, nhất là hạn mức cần vay, thời hạn vay thế nào cho hợp lý, thậm chí cân nhắc giữa tiến độ dự án với ảnh hưởng của chi phí vay vốn lãi suất cao.

Còn ở định hướng chính sách, Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn bảo lưu quan điểm, khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và được kiềm chế, lãi suất sẽ có điều chỉnh.

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Chủ đầu tư “ớn” bất động sản cao cấp
  • Thanh tra quản lý và sử dụng đất đai: Nhiều tỉnh đang… run?
  • Đại diện IMF: Quan trọng là niềm tin của dân
  • Khi lạm phát gần gấp đôi tăng trưởng
  • Khi Trung Quốc bớt “khát” trái phiếu kho bạc Mỹ
  • Nước đang phát triển cần tận dụng tối đa kiều hối
  • Tỷ giá liên ngân hàng tăng, doanh nghiệp ngậm ngùi
  • Cần “liều thuốc” mạnh cho thị trường USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!