“Tôi nghĩ rằng, tình hình
kinh tế thế giới như hiện nay đối với Việt Nam không phải tốt đẹp gì lắm, nhưng cũng sẽ không dẫn đến điều gì là nguy cơ”, ông Banedict Bingham, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhìn nhận về triển vọng
kinh tế Việt Nam năm nay, trong buổi gặp gỡ với Câu lạc bộ Giao lưu văn hóa kinh tế quốc tế, ngày 17/2.
Theo vị chuyên gia này, việc kinh tế thế giới tiếp tục được cải thiện sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Hơn nữa, sẽ có ngày càng nhiều vốn được chu chuyển, điều hòa từ các nền kinh tế tiên tiến nhưng trì trệ sang nền kinh tế năng động, hiệu quả. Việt Nam có khả năng tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, thị trường nội địa tiếp tục năng động, số tiền kiều hối gửi về tiếp tục tăng mạnh...
Tuy nhiên, vấn đề với Việt Nam, theo ông Benedict, là các vấn đề vĩ mô hiện nay có phần đang chịu những sức ép lớn. “Tình hình kinh tế vĩ mô có dấu hiệu không lành mạnh”, ông nói.
Theo đó, nền tài chính ngày càng dễ thương tổn và mất ổn định hơn, lạm phát gia tăng, tỷ giá ngoại tệ ngày càng không ổn định. Đồng thời, có nhiều quan ngại về sức khỏe của giới kinh doanh, đặc biệt của mảng doanh nghiệp nhà nước, liên quan đến hệ thống ngân hàng là nguồn cung cấp tiền vay cho các doanh nghiệp này.
Trong khi đó, với các khoản vay trên thị trường quốc tế, Việt Nam phải trả mức lãi suất cao hơn 200-300 điểm cơ bản so với các nước trong khu vực, có nghĩa việc khai thác nguồn vốn từ bên ngoài đối với Việt Nam ngày càng cao giá hơn, đắt đỏ hơn.
Ở trong nước, khu vực doanh nghiệp chỉ có thể vay được vốn thông qua hệ thống ngân hàng với lãi suất từ 17-18%, và ngay cả như vậy thì cũng chỉ được vay thời gian ngắn. thêm vào những khó khăn đó, tỷ giá ngoại hối luôn thay đổi cũng làm tămg thêm khó khăn cho doanh nghiệp đi vay.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam lại lâm vào tình hình tài chính dễ tổn thương hơn nhiều các nước khu vực, và Việt Nam có thể làm gì để vượt qua?
Ông Benedict lưu ý rằng, trong 3 năm qua, dù có biện pháp ổn định lại tình hình vĩ mô, nhưng một thực tế là xuất hiện những yếu tố làm cho nền kinh tế vĩ mô ngày càng dễ tổn thương. “Nguyên nhân quan trọng nhất đối với tình hình khó khăn hiện nay không phải là thâm hụt ngoại thương, thâm hụt ngân sách mà trước hết là niềm tin của người dân”, ông nói.
Giải thích cho quan điểm của mình, ông Benedict nhấn mạnh đến một nghịch lý là nếu nhìn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, những chỉ số chính cho thấy nền tài chính Việt Nam tương đối mạnh khỏe: xuất khẩu mạnh, kiều hối liên tục đổ về, nguồn ngoại tệ đổ vào từ các hướng đó thừa để bù đắp thâm hụt thương mại…
Nhưng, vấn đề là người Việt Nam đang chuyển mạnh từ chỗ dự trữ đồng nội tệ sang mua vàng và USD để dự trữ. Họ làm như vậy bởi vì niềm tin của họ đã bị suy giảm đối với khả năng kiểm soát được lạm phát, họ không tin sắp tới có biện pháp để ổn định giá trị đồng tiền, hoặc giảm bớt nợ công…
Đưa ra khuyến nghị, người đứng đầu IMF tại Việt Nam cho rằng, về chính sách tiền tệ Chính phủ phải nỗ lực hơn trong việc kiềm chế và giảm bớt mức lạm phát. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng để thực hiện được yêu cầu này đối với Chính phủ cũng không phải là đơn giản.
“Các nhà kinh doanh nói với Chính phủ rằng lãi suất cao quá, và họ nói đúng. Thế nhưng muốn giảm lãi suất cho vay trong vòng mấy năm tới thì phải kiềm chế và giảm được lạm phát. Chừng nào nỗi lo về lạm phát vẫn đang còn, lãi suất không thể có khả năng xuống tiếp”.
Nói về nợ công, ông Benedict cho rằng Chính phủ phải làm thế nào để người dân, giới doanh nghiệp tin rằng mối lo về nợ công sẽ được giải quyết.
“Tất cả mọi người đều biết rằng thâm hụt ngân sách năm 2009-2010 là cao, mọi người đều hiểu lý do nợ công lại cao trong năm 2009 và tôi nghĩ rằng người ta chấp nhận năm 2009 nợ công cao. Thế nhưng người ta chờ đợi nợ công giảm, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đang qua đi và có phục hồi trở lại”, ông nhấn mạnh.
Về phía Chính phủ, thách thức là làm thế nào để người dân tin rằng Chính phủ có chiến lược giảm bớt áp lực lên chính sách tài khóa trong 5 năm tới, để giảm dần mức nợ công và thâm hụt ngân sách vốn đã tăng cao thời gian vừa qua.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu Chính phủ xử lý thành công được hai vấn đề trên thì có thể đảo ngược được sự suy giảm niềm tin trong công chúng. Nếu như mối lo của dân chúng về nợ công cũng như lạm phát giảm đi thì sẽ có khả năng để tỷ giá hối đoái bớt dần áp lực và khôi phục giá trị đồng nội tệ. Hoạt động ngân hàng dần từng bước trở lại bình thường trong thời gian tới, ông nói.
“Tôi nghĩ rằng với Việt Nam, vấn đề không phải là lạm phát mà là nỗi lo về lạm phát mới quan trọng hơn cả”, Benedict kết luận.